Dự kiến hai phương án về thời gian công bố công khai kết quả đánh giá phòng, chống tham nhũng hàng năm

Để công khai kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, dự thảo Nghị định đã đưa ra 2 phương án để xin ý kiến.

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị thẩm định Dự thảo Nghi định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng, do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo.

Tờ trình của Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quá trình xây dựng Dự thảo, một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đó là về tên gọi Nghị định và phạm vi điều chỉnh của Nghị định còn có ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, dự thảo Nghị định này tương ứng với tên gọi là “Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng”. Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai lại cho rằng, Nghị định này chỉ quy định chi tiết những nội dung mà Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 giao Chính phủ quy định chi tiết. Vì vậy, tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định là quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.

Sau khi nghiên cứu, Thanh tra Chính phủ thấy rằng loại ý kiến thứ nhất là hợp lý nên đã thể hiện như Dự thảo.

Đáng quan tâm, để công khai kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, dự thảo Nghị định đã đưa ra 2 phương án để xin ý kiến:

Phương án 1: Thời gian công bố công khai kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng là chậm nhất vào ngày 30 tháng 4 hằng năm (để phục vụ cho kỳ họp giữa năm của Quốc hội).

Phương án 2: Thời gian công bố công khai kết quả đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng là chậm nhất vào ngày 30 tháng 9 hằng năm (để phục vụ cho kỳ cuối năm của Quốc hội).

Về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, cũng có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để thuận lợi cho địa phương trong áp dụng khi thực hiện, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương.

Phương án này thuận lợi cho địa phương trong áp dụng khi thực hiện, tuy nhiên Bộ Nội vụ sẽ phải phối hợp với các bộ, ngành, rà soát các quy định của các bộ, ngành đảm bảo thống nhất chính sách giữa Trung ương với địa phương.

Còn theo loại ý kiến thứ hai, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực.

Nếu theo phương án này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ không cần quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương. Ủy ban nhân dân các cấp sẽ căn cứ quy định của các bộ, ngành để lập kế hoạch chuyển đổi đảm bảo thống nhất với Trung ương. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý dự thảo Nghị định theo loại ý kiến thứ hai (Điều 39).

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-kien-hai-phuong-an-ve-thoi-gian-cong-bo-cong-khai-ket-qua-danh-gia-phong-chong-tham-nhung-hang-nam-148658.html