Dự kiến năm 2018, tăng trưởng kinh tế 7%

Việt Nam đã cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp là nội dung chính của hội nghị 'Bước kế tiếp trong tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam' diễn ra ngày 10/9.

Hội nghị do Liên minh tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) cùng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Tổng Cục Hải quan Việt Nam tổ chức.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp là những ưu tiên của Chính phủ từ nhiều năm qua. “Chính phủ xác định đây là chìa khóa của tăng trưởng. Trong nửa đầu nhiệm kỳ qua của Chính phủ, với tinh thần cải cách mạnh mẽ, quyết liệt và chương trình hành động cụ thể, trọng tâm, Việt Nam đã dần vượt qua những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và tạo nên những kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017 và 8 tháng năm 2018”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Theo Bộ trưởng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt 6,81%, quy mô GDP khoảng 230 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.400 USD; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017, khu vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng khá, kim ngạch xuất khẩu tăng. “Nhờ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, dự kiến năm 2018 kinh tế tăng trưởng 7%”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trong 8 tháng có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 878,6 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng là 2.558,2 nghìn tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng là gần 108,4 nghìn; đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến nay thu hút 1.918 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13.481,6 triệu USD, tăng về số dự án và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; có 736 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm đạt 5.584,8 triệu USD. Như vậy tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng đạt 19.066,4 triệu USD.
Về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, các bộ đã ban hành 15 văn bản thực thi cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đã cắt giảm 1.700/9.929 dòng hàng, đạt 34,3% so với yêu cầu của Chính phủ và đạt 28,3% so với dự kiến.
Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, đã cắt giảm, đơn giản hóa 968/6.213 điều kiện, đạt 31,27% theo yêu cầu của Chính phủ và đạt 25,5% so với dự kiến. Đến nay, các Bộ đã trình Chính phủ 23 Nghị định, trong đó có 4 Nghị định đang được lãnh đạo Chính phủ xem xét ký trước khi ban hành; 15 Nghị định đã và đang được lấy ý kiến. Dự kiến, sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định thực thi cắt giảm điều kiện kinh doanh, số điều kiện được cắt giảm theo phương án của các Bộ sẽ là trên 2.800.

Tại hội nghị, Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) đã công bố dự án trợ giúp Việt Nam hiện đại hóa và cải cách thủ tục thương mại liên quan đến xuất nhập khẩu. Dự án bao gồm việc điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp lý và quản lý, hỗ trợ vận hành và công nghệ thồng tin cho hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS và các trợ giúp khác trong việc nghiên cứu và triển khai một hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại.
Dự án hướng đến việc xây dựng một cơ chế cho phép bộ, ngành tham gia vào công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu áp dụng được các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại và các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/du-kien-nam-2018-tang-truong-kinh-te-7-324883.html