Dự kiến ngày 30/4, đoàn tàu đầu tiên dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ về công trường

Liên quan đến tiến độ thi công Dự án đường sắt đô thịHà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Dương - Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) về vấn đề này.

Một hạng mục nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được gấp rút thi công và sắp hoàn thành.

- Xin ông cho biết tiến độ thực hiện Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cho đến thời điểm hiện tại?

Ông Lê Văn Dương: Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đòng cho đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công trình. Cụ thể:Các nhà ga đang tiến hành thi công phần kết cấu tầng 2 + tầng 3 và hoàn thành 01/11 giàn thép mái ga mầu; các ga còn lại đang chế tạo tại xưởng; ga Cát Linh đã hoàn thành toàn bộ phần cọc, bệ thân trụ và đang thi công phần sàn tầng 1; đúc dầm 752/806 phiến dầm giàn đơn (xấp xỉ 93%); lao dầm 668/806 phiến (xấp xỉ 83%).

Đối với khu Depot, hạng mục cải mương đang tiến hành ép cọc(xấp xỉ 50%); đã cơ bản hoàn thành hạng mục san nền; nhà điều hành trung tâm OCC đã hoàn thành 100% cọc khoan nhồi và đang chế tạo cọc đóng các khu nhà kiến trúc khác.Các hạng mục khác đang triền khai theo tiến độ.

- Dự án đã liên tục chậm tiến độ so với các mốc kế hoạch trước đây, với khối lượng công việc đã hoàn thành, liệu dự án có đạt được mục tiêu mà lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Ban quản lý Dự án đường sắt đặt ra là đến tháng 6/2016 sẽ cơ bản hoàn thành các nhà ga; tháng 9/2016 hoàn thành phần xây lắp và lắp đặt các thiết bị; tháng 10/2016 sẽ đưa dự án vào khai thác thử và đến 31/12/2016, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ chính thức được đưa vào khai thác thương mại không, thưa ông?

Ông Lê Văn Dương: Với khối lượng công việc đã hoàn thành, hiện nay, Ban quản lý Dự án đường sắt đang quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo tổng thầu và các nhà thầu phụ đẩy nhanh công tác thi công với mục tiêu nêu trên nhưng cũng còn phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài là nguồn vốn với nhà tài trợ và phối hợp, tăng tốc của tổng thầu.

- Để hoàn thành các mục tiêu này, Ban quản lý Dự án đường sắt đã có những biện pháp gì đế đôn đốc, chấn chỉnh hoạt động tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ hoàn thành dự án kịp tiến độ như đã đề ra?

Ông Lê Văn Dương: Để hoàn thành các mục tiêu trên, Ban quản lý Dự án đường sắt đã thực hiện các giải pháp sau:Thường xuyên bám sát công trình, chỉ đạo, điều hành quyết liệt dự án, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trên công trường, tạo điều kiện thuận lợi cho tổng thầu và các nhà thầu phụ triển khai thi công; đôn đốc tổng thầu bố trí nguồn vốn lưu động, giải quyết nhanh chóng, kịp thời công tác giải ngân, thanh toán cho các nhà thầu phụ, tạo điều kiện cho các nhà thầu phụ đầy đủ vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công; đôn đốc tổng thầu, các nhà thầu phụ tăng cường nhân lực máy móc, lập tiến độ chi tiết, cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các hạng mục công trình thi công đúng tiến độ Dự án, đảm bảo chất lượng, mỹ quan, an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, tạo điều kiện tốt nhất để tổng thầu triển khai thực hiện Dự án;đôn đốc, nhắc nhớ tư vấn giám sát thực hiện đúng chức năng về quản lý chất lượng, tiến độ, chi phí, an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trườngvà phòng, chống cháy nổ theo quy định của Dự án.

Ngoài ra, yêu cầu tư vấn giám sát thường xuyên, liên tục bám sát hiện trường và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho tổng thầu, nhà thầu thi công; phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo, các cục, vụ của Bộ GTVT thường xuyên tổ chức các cuộc họp với tổng thầu, TVGS, các nhà thầu phụ để giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc.

- Sau thời gian trưng bày mẫu, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, các nhà khoa học, Bộ GTVT đã thống nhất phương án thiết kế nội - ngoại thất đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, vậy các đoàn tàu đã có những thay đổi như thế nào so với mẫu tàu đuợc trưng bày trước đây và trong thời gian nào tới đây các đoàn tàu sẽ được bàn giao? Kinh phí mua tàu có bị tăng lên do điều chỉnh thiết kế này hay không thưa ông?

Ông Lê Văn Dương: Những thay đổi so với mẫu tàu được trưng bày sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, các nhà khoa học.

Đối với phương án thiết kế nội thất đoàn tàu, bổ sung thêm trên mỗi hàng cột ngang 02 tay nắm, đảm bảo khoảng cách các tay nắm sẽ là 30cm, nếu lắp thêm nữa sẽ không đủ không gian đứng cho hành khách, mỹ quan không đẹp; tăng số chỗ ngồi ưu tiên (màu vàng cam) từ 01 lên 02 ở mỗi ghế;điều chỉnh đèn LED chỉ thị các nhà ga to lên, tăng cỡ chữ hiển thị tên nhà ga mà không làm ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp đoàn tàu; phát thanh dùng giọng đọc nữ giới, chuẩn hóa lại toàn bộ nội dung tiếng Anh, tiếng Việt của toàn bộ biển báo, nút bấm điều khiển của lái tàu, các nút bấm/vặn sử dụng tiếng Trung chuyển thành tiếng Việt.

Đối với phương án thiết kế ngoại thất đoàn tàu, nhà sản xuất đoàn tàu sẽ làm tăng kích thước của biểu tượng Khuê Văn Các và làm dầy nét chữ Cát Linh - Hà Đông lên đậm và rõ nét hơn, làm nổi bật cho tên tuyến;nhà sản xuất sẽ dùng biện pháp thủ công để làm mờ các vết hàn chấm nổi trên thân toa tàu tốt nhất có thể (do công nghệ hàn chấm đối với vật liệu inox là công nghệ tiên tiến nhất nhưng có nét chấm), đồng thời, sẽ dùng các biện pháp mài thủ công để xử lý các cạnh sắc, cạnh kim loại trên toàn bộ thân tàu, đảm bảo yêu cầu.

Về nội dung dập nổi ký hiệu riêng đặc trưng cho dự án trên các chi tiết chính quan trọng của bộ phận giá chuyển hướng, khung, gầm...: Tổng thầu đã thực hiện việc gán mác băng đinh rút có ký hiệu riêng dưới dạng mã số (Ví dụ : YN3606) tại góc phía dưới của vỏ toa xe và phía má giá chuyển hướng...).

Dự kiến đoàn tàu đầu tiên sẽ về tới công trường ngày 30/4/2016 và đoàn tàu cuối cùng về tới công trường ngày 30/6/2016.Kinh phí mua tàu sẽ không bị tăng lên do điều chỉnh thiết kế này.

- Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải điều chỉnh tổngvốn gấp 1,6 lần lên gần 870 triệu USD, ông có thể cho biết dự án tăng vốn do đâu, tại những hạng mục nào? Phần vốn bị tăng lên sẽ được bổ sung từ nguồn nào?

Ông Lê Văn Dương:Dự án tăng vốn do trong quá trình thực hiện bởi nhiều yếu tố khách quan nên một số hạng mục công trình đã phải điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài ra là công tác GPMB chậm dẫn đến trượt giá lớn, cụ thể như sau:

Do thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng, theo thiết kế cơ sở, phương án thiết kế nhà ga 2 tầng với các phòng chức năng đặt dưới mặt đất ở hai bên lề đường. Theo thiết kế điều chỉnh, phương án thiết kế nhà ga 3 tầng bố trí toàn bộ các phòng chức năng tại tầng 2. Do đó, việc thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng sẽ làm giảm tối đa khối lượng giải phóng mặt bằng, đồng thời tại mỗi nhà ga có thêm chức năng làm cầu vượt cho người đi bộ qua đường, tăng mỹ quan đô thị.

Đối với việc bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot, theo thiết kế cơ sở, dự kiến khu vực Depot phát hiện đất yếu xuất hiện ở độ sâu khoảng từ 2 - 3m, đây là lớp bùn sét hữu cơ, màu xám đen, màu xanh có chiều dày lớp tương đối lớn (trên 20m). Số lượng lỗ khoan rất hạn chế (2 lỗ khoan, bao gồm: 01 lỗ khoan cho đoạn đường ra vào khu depot và 01 lỗ khoan trong 04 lỗ khoan theo đề cương được duyệt cho khu Depot) do vướng mặt bằng không thực hiện được. Tư vấn lập dự án (TEDI) chỉ đề xuất xử lý cho đoạn đường ra vào khu depot, các khu vực còn lại không đề xuất phương án xử lý nền đất yếu hoặc giải pháp móng cho các công trình. Quá trình triển khai thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế căn cứ vào số liệu khảo sát địa chất chi tiết được thực hiện đã kiến nghị phải xử lý nền đất yếu và giải pháp móng cho các công trình để đảm bảo chất lượng công trình.

Ngoài ra, theo thiết kế cơ sở, tuyến đường sắt sẽ được đặt tại dải phân cách của QL 6 được qui hoạch mở rộng. Tuy nhiên, đến thời điểm thiết kế kỹ thuật, dự án mở rộng QL 6 đoạn Ba La - bến xe Yên Nghĩa thuộc địa bàn UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa được triển khai. Để có mặt bằng thi công, đảm bảo phân luồng giao thông trong quá trình thi công, tổng thầu EPC đã trình phương án thi công đường tránh. Ngày 19/3/2013, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản số 739 SGTVT-GTĐT chấp thuận thi công đường tránh với quy mô, kết cấu theo Dự án QL 6 mở rộng (đường Quang Trung kéo dài). Ngày 01/4/2013, Bộ GTVT đă có văn bản số 2755/BGTVT-CQLXD chấp thuận cho phép xây dựng hạng mục đường tránh QL 6. Đường tránh QL 6 sau này sẽ được tận dụng giữ lại như một phần của QL 6 mở rộng theo qui hoạch khi thi công xong dự án đượ̀ng sắt. Như vậy, trong lương lai, khi triển khai QL 6 mở rộng sẽ không phải đầu tư hạng mục đã thi công này.

Điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox, theo thiết kế cơ sở, thân tàu dùng thép chịu khí hậu. Tuy nhiên, theo báo cáo của tổng thầu EPC thì hiện nay tại Trung Quốc và các nước trên thế giới không sản xuất thân tàu bằng thép chịu khí hậu mà dùng thép không gỉ hoặc hợp kim nhôm (qua tham khảo 02 dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội và tuyến Bến Thành - Suối Tiên, tư vấn thiết kế của cả 02 dự án này đều đề xuất làm thân tàu bằng thép không gỉ hoặc hợp kim nhôm). Bên cạnh đó, việc sử dụng thân vỏ tàu bằng thép không gỉ sẽ không phát sinh chi phí xây dựng xưởng sơn duy tu bảo dưỡng vỏ tàu, tiết kiệm thời gian, chi phí sơn sửa vỏ tàu trong quá trình khai thác sau này cũng như giảm thiểu ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Bộ GTVT đã chấp thuận thay đổi vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox.

Bổ sung kế hoạch đào tạo, chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư ban đầu, công tác đào tạo đã được xem xét, tuy nhiên ở mức độ khái quát. Tại thời điểm này, mô hình tổ chức và số lượng nhân sự vẫn chưa được xác định cụ thể. Hiện tại, số lượng người đào tạo là 681 người (trong đó đào tạo 651 người, còn 30 người là nhân viên văn phòng được tuyển dụng trực tiếp không qua đào tạo). Đồng thời hình thức đào tạo và chi phí đi lại, ăn ở cũng sẽ thay đổi tương ứng với thời điểm thực hiện đào tạo. Do đó, phải bổ sung thêm phần kinh phí này trong bước thiết kế kỹ thuật.

Thay đổi vị trí bãi đúc dầm, theo thiết kế cơ sở, dầm hộp giản đơn được đúc trong nhà xưởng, vận chuyển ra công trường và tiến hành lao lắp. Khi thiết kế kỹ thuật, bãi đúc dầm dự kiến đặt trong khu Depot. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng khu vực đường nhánh ra vào khu Depot rất chậm, không đáp ứng tiến độ yêu cầu (theo tiến độ dự kiến cuối năm 2012 phải triển khai công tác đúc dầm, theo văn bản số 75/BC-UBND ngày 13/3/2013 của quận Hà Đông khẳng định đến tháng 6/2013 mới hoàn thành công tác GPMB và đến tháng 12/2013 mới hoàn thành di dời nghĩa trang Vân Nội, do đó bắt buộc phải điều chỉnh vị trí bãi đúc dầm đế đảm bảo tiến độ). Vì vậy, vị trí bãi đúc, phương án vận chuyển và lao lắp dầm không thể thực hiện được như phương án ban đầu. Bộ GTVT đã có Thông báo số 35/TB-BGTVT ngày 15/01/2013 và văn bản số 3626/BGTVT-CQLXD ngày 25/04/2013 cho phép tổng thầu EPC thuê thêm bãi đúc dầm. Việc thay đổi vị trí bãi đúc dầm phải bổ sung thêm các chi phí như: Thuê mặt bằng bãi đúc dầm, tăng cự ly vận chuyển và phải huy động thêm thiết bị lao lắp dầm.

Công tác nghiệm thu thiết bị, đoàn tàu và vận hành chạy thử dự án, phần thiết bị cho Dự án là mới đối với ngành đường sắt, việc kiểm tra, nghiệm thu chưa có sẵn các quy trình quy phạm, mặt khác kinh nghiệm ở trong nước về vấn đề này còn hạn chế. Vì vậy, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, tại Thông báo số 463/TB-VPCP ngày 30/12/2013 của VPCP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về nguyên tắc cho phép chủ đầu tư thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài thực hiện công tác kiểm tra nghiệm thu thiết bị, đoàn tàu, vận hành chạy thử. Bộ GTVT đã có Quyết định số 1913/QĐ-BGTVT ngày 28/5/2015 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 10: Đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống.

Về GPMB (bao gồm cả di dời công trình hạ tầng kỹ thuật), do quá trình thực hiện công tác GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài dẫn đến việc thay đổi khung giá, phát sinh khối lượng di chuyển, đền bù công trình ngầm, hạ tầng kỹ thuật làm tăng chi phí.

Biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở, các thay đổi chính về biến động giá, thay đổi chế độ, chính sách cũng như các khối, đơn giá chưa chính xác được trong bước TKCS nên dự kiến cần phải bổ sung kinh phí.

Ngoài một số hạng mục điều chỉnh, bổ sung phát sinh chính so với thiết kế cơ sở nêu trên, trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật còn có một số điều chỉnh khác để đảm bảo an toàn vận hành theo quy trình quy phạm của Trung Quốc và đảm bảo cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng trong quá trình khai thác như: Vi chỉnh cục bộ một số đoạn tuyến và mặt cầu; điều chỉnh trong hệ thống điện; điều chỉnh trong hệ thống thông tin; điều chỉnh trong hệ thống tín hiệu...

Phần vốn tăng sẽ được bổ sung từ nguồn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc.

- Xin cám ơn ông!

Phúc Khang

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/du-kien-ngay-304-doan-tau-dau-tien-du-an-cat-linh-ha-dong-se-ve-cong-truong.html