Dự kiến thu vào ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thu vào ngân sách 2.165 tỷ đồng từ thoái vốn

Thông kê mới nhất của Cục Tài chính doanh nghiệp cho thấy, kết thúc giai đoạn 2016-2020, còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 03 và 03 tháng đầu năm 2021, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai công tác để thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo quy định.

Về tình hình thoái vốn, trong tháng 3/2021 đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 02 đơn vị là CTCP Môi trường Đô thị Hạ Long và CTCP Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì với tổng giá trị là 44,4 tỷ đồng, thu về 60,4 tỷ đồng. Tổng công ty Thái Sơn thực hiện thoái vốn tại 01 doanh nghiệp trực thuộc (CTCP Thiết kế Kiến trục Map Thái Sơn) với giá trị là 560 triệu đồng, thu về 560 triệu đồng.

Lũy kế 03 tháng đầu năm 2021, các đơn vị đã thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng, trong đó, thoái vốn nhà nước tại 03 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng; thoái vốn tại 09 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.

Cũng theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong tháng 3/2021, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu tại CTCP Phim Giải phóng với giá trị phần vốn nhà nước là 202,9 tỷ đồng. Lũy kế 03 tháng đầu năm 2021, SCIC đã tiếp nhận quyền địa diện chủ sở hữu của 03 doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là CTCP Du lịch và Xúc tiến đầu tư, CTCP xuất nhập khẩu Vật tư thiết bị ngành in và CTCP Phim Giải phóng với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 218 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 145 tỷ đồng. Số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09/10/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 111/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính, xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (hướng dẫn Nghị định số 150/2020/NĐ-CP). Hiện nay, Cục Tài chính doanh nghiệp đang gửi lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị về các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Bộ Tài chính.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, từ khi Nghị định số 140/2020/NĐ-CP được ban hành, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, Bộ Tài chính đã kịp thời có văn bản gửi các cơ quan liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp phát sinh trong thời gian qua.

Về chỉ đạo điều hành, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 161/NQ-CP ngày 29/10/2020 về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện.

Cục Tài chính doanh nghiệp hiện đang tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan tham gia về Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện, báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đề án là cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo độc lập, tự chủ và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-dong-tai-chinh/du-kien-thu-vao-ngan-sach-nha-nuoc-40000-ty-dong-tu-co-phan-hoa-thoai-von-332962.html