Dự kiến từ 1/7, Hà Nội thực hiện phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt

Theo đánh giá của cơ quan chức năng và chuyên gia, việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội lần này là cấp thiết, xuất phát đòi hỏi từ bất cập chính sách và thực tiễn.

Công nhân kiểm tra hệ thống lọc nước tại Nhà máy Nước Yên Phụ. Ảnh: NNK

Vì sao phải điều chỉnh giá nước?

Sở Tài chính Hà Nội đã công bố phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Dự kiến từ 1/7, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện phương án này.

Sở Tài chính Hà Nội lý giải, việc điều chỉnh giá nước là cần thiết bởi quy định về xác định giá nước sạch sinh hoạt cũng đã có sự thay đổi. Cụ thể, tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, có quy định: “Hàng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi sở tài chính thẩm định, trình UBND cấp tỉnh xem xét quyết định, điều chỉnh”.

Mức giá cao nhất là 27.000 đồng/m3

Tại phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội đã điều chỉnh giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10 - 20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20 - 30 m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30 m3 (hộ/tháng).

Không những vậy, việc phải thực hiện điều chỉnh giá nước sạch lần này còn bởi biến động của các chi phí cấu thành giá nước sạch. Sở Tài chính Hà Nội cho hay, Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch không dùng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn thành phố đến nay đã thực hiện được 10 năm.

Hiện tổng thể các chi phí cấu thành giá đều tăng như: tiền lương tối thiểu vùng tăng 99,14%, mức lương cơ sở tăng 29,56%; chi phí điện năng tăng 29,7%; các loại thuế, phí cũng đều đã điều chỉnh tăng như thuế tài nguyên khai thác nước ngầm tăng từ 3% đến 5%, chi phí thuế tài nguyên tăng 122,2%; chi phí dịch vụ môi trường rừng tăng 30%; từ năm 2017, Chính phủ còn bổ sung thuế khai thác tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh phương án giá nước sạch còn do chính sách của Nhà nước trong việc hạn chế khai thác nước ngầm. Theo Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch là ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm...

Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp nhận định, sản xuất nước sạch sinh hoạt từ nước mặt đòi hỏi công tác xử lý nước nhiều hơn so với nước ngầm, do đó giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch sẽ tăng hơn. Hơn nữa, với giá nước của Hà Nội đã áp dụng 10 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng thấp và không thực hiện theo đúng quy định. Thu nhập, mức sống của người dân Thủ đô so với các địa phương khác là khá cao, song giá nước bán ra tại Hà Nội lại đang ở mức rất thấp.

Khảo sát của Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho thấy, giá tiêu thụ nước sạch bình quân khu vực đô thị của các địa phương như Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh... cao hơn Hà Nội 10 - 45%.

Điều chỉnh giá nước sẽ góp phần bảo việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nước ngầm. Ảnh: TL

Phương án điều chỉnh có cách nhìn tổng thể, khoa học, xuất phát từ thực tiễn

Theo Sở Tài chính Hà Nội, mức tăng theo phương án điều chỉnh mới cơ bản không tác động nhiều tới thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt khi số tiền phải chi thêm theo nhu cầu tiêu dùng thực tế đối với hộ gia đình tại Hà Nội ở khu vực nội thành khoảng 15.000 - 26.000 đồng/tháng, khu vực nông thôn khoảng 10.000 - 13.000 đồng/tháng.

Nói việc điều chỉnh tăng giá nước của TP. Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh, đây là phương án điều chỉnh giá chấp nhận được. Phương án này đã được tính toán khá kỹ, xử lý các vấn đề đặt ra thận trọng, có cách nhìn tổng thể, khoa học, xuất phát từ thực tiễn và các quy định của pháp luật.

Bàn về hiệu quả của phương án điều chỉnh giá nước, Sở Tài chính Hà Nội cho biết thêm, việc điều chỉnh giá nước sẽ góp phần bảo việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nước ngầm, an ninh nguồn nước và ngăn ngừa tình trạng sụt lún mặt đất.

Cùng với đó, điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt thì các đơn vị cấp nước có nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng công suất sản xuất nước sạch, đồng thời thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các dự án cấp nước để đảm bảo sản lượng nước được cung ứng đầy đủ, liên tục đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Chất lượng nước sạch sản xuất ra theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Như vậy, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn TP. Hà Nội là xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Đặc biệt, giá nước được điều chỉnh có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô. Cạnh đó, đảm bảo các hộ dân ở các vùng nông thôn cũng được cung cấp nước sạch và đảm bảo mặt bằng giá giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các lưu vực phụ thuộc vào nguồn nước xả bổ sung từ các hồ thủy điện; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế… Đến năm 2030, Hà Nội cơ bản hoàn thành giải pháp làm sống lại dòng sông Đáy; cơ bản khắc phục suy thoái, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi lớn…

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-kien-tu-17-ha-noi-thuc-hien-phuong-an-dieu-chinh-gia-nuoc-sach-sinh-hoat-130909.html