Du lịch bị tổn thương

Mới đây, trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5, người dân và các cơ sở kinh doanh khu du lịch quốc gia Sapa phải chịu cảnh khốn khổ do thiếu nước sạch.

Hình ảnh những hàng dài học sinh nhiều cấp học chuyền tay nhau nhừng xô nước quý giá do chính quyền cấp phát được đăng trên nhiều tờ báo. Người dân và các cơ sở kinh doanh phải mua nước sạch để sinh hoạt và phục vụ khách với giá 500.000/m3, nhưng không phải muốn là mua được. Thiếu nước có một nguyên nhân là khu vực này ít mưa trong nhiều ngày, nhưng nguyên nhân sâu xa là sự tăng nhanh ồ ạt số lượng các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú ở khu vực. Sự tăng nhanh này thiếu đồng bộ với nguồn cung nước sạch chưa được tăng cường và dự trù. Hệ quả của việc này là một khu du lịch nổi tiếng quốc gia quay cuồng trong cơn khát, người dân khổ sở, các cơ sở du lịch bị thiệt hại về nguồn thu, danh tiếng của khu du lịch phần nào bị ảnh hưởng.

Không chỉ chuyện thiếu nước ở Sapa, chuyện rác ngập các khu nghỉ dưỡng, bãi tắm biển cũng là hình ảnh gây nhiều phản cảm trong việc phát triển du lịch hiện nay. Ở nhiều địa phương, chính quyền và người kinh doanh mới chỉ chú ý đến tăng thu, tăng hạ tầng khách sạn... mà thiếu việc nâng cao chất lượng phục vụ khách, giữ gìn hình ảnh đẹp cho địa phương, xây dựng thiết chế bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc ô nhiễm môi trường do xả thẳng nước thải ra biển, bãi biển khiến không chỉ khách du lịch ghê sợ mà dư luận cũng phẫn nộ. Dư luận đã chứng kiến nhiều vụ việc những dòng nước thải đen đặc được xả thải ở các bờ biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết... Hình ảnh dòng nước đen ngòm từ sông Dương Đông đổ ra biển ở huyện đảo Phú Quốc bên cạnh các bãi tắm nổi tiếng những ngày cuối tháng 4 vừa qua không khỏi khiến nhiều người “sốc”. Trước đó, nhiều khu vực dân cư, trường học gần sông này đã phải chịu cảnh mùi hôi thối từ dòng chảy của sông bốc lên nồng nặc. Chúng ta không khỏi lo lắng về sự an toàn nước biển ở các bãi tắm nơi đây. Những sự việc trên đang làm tổn thương rất lớn sự phát triển của ngành du lịch nước nhà.

Nhìn thẳng thực tế, ngành du lịch của chúng ta đang phát triển trong bối cảnh quá lạm dụng thiên nhiên; thiếu sự quy hoạch, đầu tư tương xứng để cân bằng với điều kiện tự nhiên, tạo sự phát triển bền vững. Không chỉ vấn đề nước sạch, ô nhiễm môi trường mà nhiều điểm du lịch hiện đang phá đi phần rừng đầu nguồn, phòng hộ quan trọng hay những thực thể thiên nhiên quý giá, có những nơi phá đi những di tích lịch sử nhiều giá trị. Để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa và nhất là phát triển bền vững thì những hạn chế trên cần sớm được khắc phục. Làm được điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan trung ương trong việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển một cách đầy đủ, khoa học; đồng thời, các địa phương cần thực thi nghiêm túc các quy hoạch phát triển cũng như quy định pháp luật, tránh việc mạnh ai nấy làm, chỉ quan tâm đến những lợi ích ngắn hạn, cục bộ mà quên đi những lợi ích chung mang tính bền vững cho chính địa phương và cả nền kinh tế.

Văn Bắc

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/du-lich-bi-ton-thuong-104948-104948.html