Du lịch Hà Nội hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng

Ngày 12/5, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đan Phượng tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư xã Hạ Mỗ (Đan Phượng).

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng phòng Văn hóa huyện Đan Phượng Phan Công Tính cho biết, địa phương là một trong những huyện đứng đầu Thủ đô về số lượng di tích với 150 di tích, nhiều di sản văn hóa như nghệ thuật chèo Tàu, ca trù xứ Đoài.

Nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, tâm linh gắn liền với làng nghề truyền thống, huyện Đan Phượng đang tập trung xây dựng, hình thành và khai thác một số điểm, tuyến, tour du lịch đặc sắc.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn kiến thức về ứng xử văn minh du lịch cho người dân xã Hạ Mỗ (Đan Phượng) ngày 12/5. Ảnh: Hoài Nam

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn kiến thức về ứng xử văn minh du lịch cho người dân xã Hạ Mỗ (Đan Phượng) ngày 12/5. Ảnh: Hoài Nam

Đến nay huyện Đan Phượng đã xây dựng một số điểm du lịch văn hóa gắn với thành cổ Ô Diên và danh nhân Tô Hiến Thành. Tập trung khai thác các giá trị văn hóa lịch sử như đình Vạn Xuân, đền Chính Khí, chùa Hài Giác…Thời gian tới huyện Đan Phượng phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng điểm mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh.

Đồng thời cùng các doanh nghiệp du lịch xây dựng mô hình du lịch vui chơi, giải trí tại khu vực bãi nổi sông Hồng. Tập trung khai thác du lịch làng nghề, ẩm thực như sản xuất kẹo lạc tại xã Song Phượng, sản xuất rượu, đậu tại xã Hồng Hà, Hạ Mỗ…

Khách du lịch thăm quan đền Văn Hiến (xã Hạ Mỗ-Đan Phượng). Ảnh: Hoài Nam

Mặc dù huyện Đan Phượng đã có nhiều cố gắng trong phát triển du lịch nông nghiệp, nhưng trong quá trình này cũng gặp một số khó khăn bất cập cần khắc phục. Cụ thể, nguồn nhân lực tham gia dịch vụ du lịch phát triển tự phát, chưa được đào tạo bài bản; Hạ tầng cho du lịch nhất là tại các làng nghề chưa được đầu tư nhiều do kinh phí hạn hẹp.

Các chính sách hỗ trợ người dân tham gia hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối các tour, tuyến còn gặp nhiều khó khăn…

Để khắc phục những bất cập này Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học KH&XHNV) TS Phạm Hồng Long cho rằng: Huyện Đan Phượng cần xây dựng đề án phát triển kinh tế sinh vật cảnh gắn kết với sản phẩm làng nghề theo hướng đáp ứng mục tiêu mô hình du lịch xanh. Hạn chế bê tông hóa, ưu tiên sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, tăng diện tích xanh hơn trong những mô hình đã đầu tư.

Đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm làng nghề, xây dựng sản phẩm trải nghiệm khác biệt, hướng tới có dịch vụ lưu trú qua đó giúp du khách kéo dài thời gian thăm quan. Bên cạnh đó, huyện,các điểm du lịch, người dân cần tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch nông nghiệp, sản phẩm OCOP tới du khách.

“Sau khi khách trải nghiệm, tham quan di tích, tìm hiểu văn hóa thì sẽ muốn mua các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của họ. Khi đó cộng đồng vừa là chủ thể, vừa được hưởng lợi từ du lịch" - ông Long nói.

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực, chính là người dân địa phương. Để người dân có được kỹ năng, kiến thức làm du lịch thì cần phải được tập huấn, hướng dẫn và kết hợp cùng kinh nghiệm thực tế"-ông Long nhấn mạnh.

"Để người dân có được kỹ năng, kiến thức làm du lịch thì cần phải được tập huấn, hướng dẫn và kết hợp cùng kinh nghiệm thực tế"-Trưởng khoa Du lịch học TS Phạm Hồng Long .

Việc Sở Du lịch Hà Nội hỗ trợ các huyện ngoại thành phát triển du lịch cộng động, du lịch xanh không chỉ góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn.

Đồng thời tạo thêm việc làm tại chỗ, giảm áp lực di cư vào thành phố, tăng thu nhập cho người dân giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-lich-ha-noi-huong-dan-nguoi-dan-lam-du-lich-cong-dong.html