Du lịch hứa hẹn khởi sắc

Dịp Tết vừa qua, du lịch có bước khởi đầu ấn tượng nhờ những định hướng tốt về sản phẩm, nắm bắt tốt nhu cầu của du khách, chính sách visa thông thoáng hơn cho khách quốc tế. Đây là tiền đề hứa hẹn nhiều khởi sắc của ngành trong năm 2024.

Nhiều địa phương “bội thu” dịp Tết

Với lợi thế nghỉ dài ngày, trong dịp Tết Nguyên đán 2024 (từ ngày 8 - 14.2) ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023). Lượng khách quốc tế cũng tăng cao ở nhiều địa phương, có nơi đạt doanh thu nghìn tỷ đồng.

Du lịch Việt Nam hứa hẹn khởi sắc trong năm 2024. Nguồn: ITN

Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2024 đã có khoảng 1,8 triệu khách đến vui chơi, tham quan tại các khu du lịch trên địa bàn, tổng doanh thu ước khoảng trên 6.550 tỷ đồng,tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp du lịch, các công ty lữ hành đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn như Du xuân Thủ Đức, Xuân về trên bến Bình Đông, hái lộc đầu năm… và nhiều sản phẩm dành cho du khách ưa thích thiên nhiên như Cần Giờ - lắng nghe hơi thở của rừng, Củ Chi - đất thép thành đồng, Củ Chi - nông trang xanh…

Tại Hà Nội, trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, lượng du khách đến với Thủ đô ước đạt 653 nghìn lượt, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1%. Khách quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 103 nghìn lượt người. Khách nội địa ước đón 550 nghìn lượt người, chủ yếu là du khách đến du xuân, trẩy hội đầu năm. Công suất bình quân khối khách sạn ước đạt 59,6%, lượng khách có lưu trú chủ yếu là khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ.

Cũng trong dịp Tết vừa qua, toàn tỉnh Quảng Ninh đã đón trên 800 nghìn lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023; thị trường khách quốc tế khởi sắc với gần 109 nghìn lượt khách. Các điểm đến văn hóa tâm linh tiếp tục là trọng điểm thu hút du khách, lượng khách đến tăng từ 6 - 8 lần so với ngày thường như Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí); đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả)... Ngoài ra, các điểm du lịch nổi tiếng, khu vui chơi giải trí cũng đón lượng khách tăng từ 40 - 50%. Tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt 30 - 40%, duy trì ổn định thời gian tới. Dự kiến trong quý I, lượng khách hành hương đến Quảng Ninh đạt trên 2 triệu lượt.

Theo tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 29 Tết đến ngày mồng 5 Tết Giáp Thìn đã có khoảng 635 nghìn lượt khách đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh, tăng 48,7%; tổng thu du lịch đạt khoảng 588 tỷ đồng, tăng 51,2% so dịp Tết 2023. Tương tự, tỉnh Khánh Hòa ước đón 630 nghìn lượt khách, trong đó có 191 nghìn lượt khách có lưu trú, tăng 25,8%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 878 tỷ đồng.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá

Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia đánh giá, du lịch Việt Nam đã có một khởi đầu cho năm 2024 vô cùng ấn tượng nhờ những định hướng tốt về sản phẩm, nắm bắt được nhu cầu của du khách, chính sách visa thông thoáng hơn cho khách quốc tế. Cùng với đó là có những lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa đa dạng, phong phú; sự ổn định chính trị và đặc biệt trong năm 2023 ngành đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận với nhiều giải thưởng lớn. Đây chính là tiền đề để kỳ vọng ngành sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2024.

Tuy nhiên, đi kèm với thuận lợi là những khó khăn. Đó là tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, tăng trưởng kinh tế chậm lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý và khả năng chi tiêu của khách du lịch… Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, trong đó xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới...

Để đạt được mục tiêu trong năm 2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Nguyễn Sơn Thủy lưu ý, ngành du lịch phải tiếp tục đa dạng các sản phẩm, đẩy mạnh liên kết vùng miền, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong chuỗi các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm du lịch mới tạo nên trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Đồng thời, cần linh hoạt trong tổ chức kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế; đầu tư hạ tầng cho ngành du lịch như sân bay, cảng biển để việc kết nối trở nên dễ dàng. Nâng cao chất lượng nhân lực và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, ngành sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy công tác hoạch định chính sách và quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch. Cụ thể là đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương trong nước để tạo ra các sản phẩm chất lượng có thể đem đi xúc tiến, quảng bá.

Năm 2024, du lịch Việt Nam sẽ tham gia vào nhiều sự kiện quốc tế như Hội chợ ITB tại Berlin (Đức), Hội chợ du lịch quốc tế tại Hàn Quốc, Hội chợ ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ du lịch quốc tế Trung Quốc (CITM), và Hội chợ du lịch thế giới (WTM). Đồng thời, các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam cũng được dự kiến tổ chức tại nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ…

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/du-lich-hua-hen-khoi-sac-i360338/