Du lịch làng nghề: Có 'bột' chưa gột nên 'hồ'

Làng nghề không chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo, đặc sắc mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ tinh hoa nghệ thuật, phong tục tập quán của từng nhóm cộng đồng người Việt. Du lịch làng nghề được các chuyên gia đánh giá là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy và phát triển loại hình du lịch này thì không hẳn nơi nào cũng làm tốt.

 Du khách đến với làng Đông Giao (Hải Dương).

Du khách đến với làng Đông Giao (Hải Dương).

Làng nghề, những điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt

Du lịch làng nghề chứa đựng và truyền tải được cuộc sống lao động, phát triển của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Ðến với những sản phẩm du lịch làng nghề, du khách có thể tiếp nhận, thưởng thức từ không gian kiến trúc đến sản phẩm và công cụ sản xuất… Chu trình này được thực hiện khá tốt ở một số làng nghề, như: Bát Tràng (Hà Nội), Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam)… Nhờ phát triển tốt, tổ chức quy củ, làng nghề Bát Tràng không chỉ phát triển du lịch, mà chất lượng và mẫu mã sản phẩm cũng được nâng cao. Với Thanh Hà, ý thức làm du lịch ăn sâu vào nhận thức của người dân, việc giữ lửa lò gạch, giữ làng, giữ nhà được người dân coi như giữ lửa cho cuộc sống của họ. Anh Nguyễn Văn Sáu, một gia đình làm gốm của Thanh Hà kể: "Trước đây làng gốm nghèo, gia đình tôi không đủ nuôi sống mấy miệng ăn. Tôi phải bươn chải khắp các làng gốm trong Nam ngoài Bắc, làm đủ nghề nhưng vẫn rất khó khăn. Bố mẹ, vợ con tôi không có khoản thu nhập nào đáng kể nên cuộc sống vô cùng bấp bênh. Chỉ đến những năm gần đây, Thanh Hà trở thành địa chỉ được khách du lịch ưa chuộng, nghề gốm quê hương được hồi sinh, tôi trở về cùng vợ con chăm lo cho lò gốm nhỏ của gia đình".

Ông Nguyễn Văn Sử, Phó chủ tịch phụ trách Chi hội Làng nghề, làng cổ (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) cho rằng: "Hiện nay, một số làng nghề đã có những sản phẩm thủ công bày bán ở các điểm du lịch được du khách yêu thích. Tuy nhiên, nhiều du khách không chỉ muốn có sản phẩm làng nghề mà còn muốn tìm hiểu văn hóa, cuộc sống lao động của người thợ thủ công mỹ nghệ, các công đoạn chế tác ra sản phẩm như thế nào… Năm 2019, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng tiếp tục khảo sát, lựa chọn và xây dựng làng nghề có triển vọng phát triển du lịch, đáp ứng các tiêu chí như có văn hóa nghề, có lợi thế giao thông, vệ sinh…

Còn nhiều khó khăn

Làng nghề trạm khắc gỗ Đông Giao (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) có tuổi đời hơn 300 năm. Tiếng đục đẽo, cưa máy… vào gỗ là âm thanh quen thuộc nơi đây. Bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trong làng cần mẫn “thổi hồn” cho các thớ gỗ vô tri là hình ảnh đẹp được nhiều du khách đến làng ghi lại. Nghệ nhân ưu tú Vũ Văn Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đồ gỗ Thịnh Phát chia sẻ: “Thiên nhiên tạo ra hình dáng kỳ diệu của sản phẩm và giao phó cho những người thợ chúng tôi hoàn thiện nốt sản phẩm đó, không cái nào giống cái nào. Sản phẩm của chúng tôi lấy nguyên liệu tận thu cuối cùng của cây rừng, nếu không được chúng tôi tận dụng cũng bị bỏ đi. Hiện nay sản phẩm của làng nghề đã bán trên toàn quốc và một phần xuất khẩu đi nước ngoài. Việc quảng bá sản phẩm của làng hiện được các gia đình sử dụng internet để giới thiệu với khách hàng. Vì thế hệ thống cộng tác viên của chúng tôi cũng trải rộng khắp các nơi trên cả nước”.

Tự hào về sản phẩm làng nghề như vậy nhưng cũng vẫn có chút chạnh lòng vì làng nghề của mình chưa thực sự phát triển, thu hút khách du lịch như nhiều nơi khác. “Phát triển ngành du lịch đến làng nghề là vấn đề rất quan trọng, không chỉ mong muốn của riêng tôi mà có lẽ là mong muốn chung của tất cả những người dân các làng nghề. Để phát triển làng nghề, theo tôi trước tiên phải xây dựng thương hiệu của từng làng nghề. Tuy mỗi nghệ nhân trong làng đều rất cố gắng nhưng chúng tôi hy vọng các cơ quan văn hóa, các nhà nghiên cứu vào cuộc để tạo ra những sản phẩm với mẫu mã hấp dẫn hơn nữa”, ông Vũ Văn Điệp nói.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty du lịch TransViet Travel, trong câu chuyện phát triển du lịch làng nghề, dù về chủ trương ta đã có nhưng hiện nay chúng ta mới mạnh ai nấy làm. Ví dụ về thiết kế sản phẩm, chúng ta cứ thiết kế ra sản phẩm nhưng liệu có phù hợp với khách du lịch không thì người thiết kế lại không có kinh nghiệm đoán biết được. Hoặc thiết kế xong một sản phẩm thì việc quảng bá, thu hút du khách như thế nào lại cần sự vào cuộc của bên lữ hành. Ngay Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều làng nghề của cả nước, nhưng ngoài Bát Tràng và Vạn Phúc thì hầu như các làng nghề khác của Thủ đô mãi không làm được du lịch làng nghề. Với góc nhìn của chúng tôi, thực trạng này là bởi còn thiếu quá nhiều yếu tố để làng nghề trở thành điểm đến du lịch. Làng nghề bị mai một nhiều, nếu không được thiết kế tuyến điểm chuẩn sẽ khó hấp dẫn du khách. Để thu hút khách, các làng nghề không cần làm quá hoành tráng, có những vướng mắc có thể giải quyết dần nhưng cần tạo ra nhận thức để người dân giữ làng sạch, không vứt rác bừa bãi, giải quyết ô nhiễm môi trường, có sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch…

HUY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/du-lich-lang-nghe-co-bot-chua-got-nen-ho-567226