Du lịch làng nghề Hà Nội - tiềm năng còn 'ngủ yên'

Điểm lại các làng nghề nổi tiếng tại Hà Nội như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh..., duy chỉ có làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc là được nhiều khách du lịch biết tới.

 Vẽ họa tiết trên sản phẩm gốm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Vẽ họa tiết trên sản phẩm gốm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Lâu nay, Hà Nội vẫn tự hào khi sở hữu tới 1.350 làng nghề, mở ra cơ hội lớn cho du lịch làng nghề, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô.

Tuy vậy, tiềm năng du lịch làng nghề hầu như vẫn còn “ngủ yên” dù cả cơ quan quản lý du lịch, các địa phương rốt ráo tìm mọi cách thúc đẩy.

Vướng nhiều cái khó

Đến làng khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm khảm chân dung mang giá trị nghệ thuật cao, phản ánh tay nghề khéo léo của những người thợ lành nghề và các nghệ nhân.

Nơi đây còn nổi tiếng với những bộ bàn ghế, tủ, sập được khảm trai vô cùng tinh xảo, có giá trị lên tới hàng tỷ đồng.

Sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ hơn hẳn các nơi khác nhờ đường nét tinh xảo, chi tiết trang trí sinh động.

Sản phẩm của làng ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản...

Hơn nữa, làng khảm trai Chuôn Ngọ vẫn giữ được được cảnh quan làng quê Bắc Bộ truyền thống với những ngôi chùa và nhà cổ hàng trăm năm tuổi.

Tuy nhiên, làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống ở Hà Nội, dù có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng lượng khách đến tham quan, trải nghiệm ở đây chưa nhiều.

Điểm lại các làng nghề nổi tiếng tại Hà Nội như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động, khảm trai Chuôn Ngọ, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông..., duy chỉ có làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc là được nhiều khách du lịch biết tới.

Giao thông thuận lợi, làng nghề phát triển, sản phẩm đa dạng... là những lợi thế hơn hẳn các làng nghề khác.

Dù gọi là thu hút khách du lịch nhiều nhưng mỗi năm làng gốm Bát Trànglụa Vạn Phúc chỉ đón khoảng 60.000 khách, một con số chưa tương xứng với tiềm năng những nơi này. Với các làng nghề khác, số lượng khách du lịch chỉ dừng lại ở phần nhỏ.

Du khách tới tham quan không gian văn hóa làng nghề Vạn Phúc. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Không khó để thấy phát triển du lịch các làng nghề còn là những câu chuyện dài bởi thiếu rất nhiều yếu tố thu hút khách.

Những tồn tại như chất lượng nguồn nhân lực thiếu và yếu; tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; mẫu mã sản phẩm không đa dạng, thiếu sức sáng tạo, chưa bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng; cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông còn một khoảng cách khá xa so với nhu cầu phát triển du lịch... nên du lịch làng nghề của Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cơ quan quản lý, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, đồng bộ khiến việc phát triển du lịch làng nghề thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa thực sự được đầu tư bài bản, nghiêm túc.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, cho rằng trong câu chuyện phát triển du lịch làng nghề hiện nay, vẫn có tình trạng mạnh ai nấy làm.

Ví dụ làng nghề cứ thiết kế sản phẩm nhưng người thợ lại không đủ kinh nghiệm để đoán định được sản phẩm có thực sự phù hợp với du khách hay không? Ngoài Bát Tràng và Vạn Phúc, các làng nghề khác của Thủ đô hầu như chưa thể phát triển du lịch bởi còn thiếu quá nhiều yếu tố để trở thành điểm đến.

Cần một lực đẩy

Để trở thành điểm đến du lịch, các làng nghề cần sự phối hợp của nhiều yếu tố. Trước hết, các địa phương phải quy hoạch lại không gian làng nghề cho phù hợp, đảm bảo tạo thuận lợi cho du khách khi đến tham quan.

Các làng nghề cần có khu sản xuất, khu trải nghiệm, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm; sắp xếp lại quy trình sản xuất; cho phép du khách cùng tham gia trải nghiệm các công đoạn sản xuất, chế tác sản phẩm.

Các địa phương cần tổ chức dịch vụ phục vụ du khách, đầu tư dịch vụ lưu trú theo hướng homestay để tăng thời gian lưu trú cũng như dịch vụ cho du khách trải nghiệm; trùng tu, làm tăng sức sống cho các nhà cổ để đảm bảo thu hút khách bền vững...

Ông Trịnh Xuân Tùng, Trưởng Phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội cho rằng để khai thác du lịch, các địa phương cần quan tâm hơn đến cảnh quan môi trường, lắp đặt biển chỉ dẫn cho khách tham quan.

Bên cạnh đó, địa phương cần có kế hoạch cụ thể, quy hoạch các phân khu chức năng đón tiếp, phục vụ khách, dịch vụ bổ trợ... Đặc biệt là cần phối hợp, kết nối tốt với các doanh nghiệp lữ hành trong quá trình khai thác, đón tiếp và phục vụ du khách.

Với mong muốn chuyên nghiệp hóa du lịch làng nghề, ông Nguyễn Văn Sử, Chi hội phó Chi hội làng nghề, làng cổ thuộc Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng ngoài các mô hình điểm như Bát Tràng và Vạn Phúc, Hà Nội nên đẩy mạnh xây dựng mô hình làng nghề kiểu mẫu hoặc điểm đến du lịch làng nghề truyền thống để các làng nghề có thể phát huy tiềm năng, lợi thế của mình gắn với phát triển du lịch.

Chi hội làng nghề, làng cổ đã khảo sát một số làng nghề có tiềm năng như làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất), làng khảm trai Chuyên Ngọ ( huyện Phú Xuyên), làng điêu khắc gỗ Dư Dụ, làng nón Chuông (huyện Thanh Oai)...

Chi hội sẽ lựa chọn một làng nghề có đủ tiêu chí như đã được công nhận là làng nghề truyền thống, giàu bản sắc văn hóa, cảnh quan hấp dẫn, hệ thống giao thông thuận lợi, bảo đảm vệ sinh môi trường, sản phẩm đặc trưng... để xây dựng mô hình làng nghề kiểu mẫu, từ đó nhân rộng ra các làng khác.

Làng gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc đang được thành phố chọn làm mô hình điểm, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, cả đường bộ và đường sông, điện, nước sạch, cảng du lịch, cụm tiểu thủ công nghiệp, chợ làng nghề.

Sau khi hoàn thành, hai làng nghề này sẽ tạo điểm nhấn cho loại hình du lịch làng nghề Hà Nội phát triển, thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương./.

Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/du-lich-lang-nghe-ha-noi-tiem-nang-con-ngu-yen/594018.vnp