Du lịch làng nghề

Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị Liên hoan Du lịch làng nghề. Hà Nội có số lượng làng nghề đứng đầu cả nước. Nhắc đến Hà Nội là người ta nhớ ngay đến: Làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng, làng rèn Đa Sĩ, đúc đồng Ngũ Xã… Rồi cốm làng vòng, nón chuông, làng tò he… Hai làng nghề được chú ý nhất trong Liên hoan lần này là lụa Vạn Phúc và gốm Bát Tràng vì có doanh thu lớn, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Một gian hàng trong làng nghề gốm Bát Tràng.

Nhưng điều bất cập lớn khi tổ chức Liên hoan Du lịch làng nghề là người ta thường chú ý nhiều đến khía cạnh kinh tế hơn là nội dung văn hóa. Trong khi đó văn hóa mới là thế mạnh cơ bản, là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch và từ đó mà có doanh thu lớn. Chúng tôi nói điều này vì tuyệt đại bộ phận các làng nghề đều là các làng cổ - ít nhất cũng tồn tại vài trăm năm (làng gốm Bát Tràng đã 700 năm tuổi). Đây cũng là những địa phương tích tụ nhiều trầm tích văn hóa: từ kiến trúc, môi trường, cảnh quan đến phong tục tập quán, lễ hội văn hóa… nói theo ngôn ngữ dân gian là những địa phương “có lịch, có lễ”, “dân khang, vật thịnh”…

Do vậy du lịch làng nghề du khách không chỉ mua được những sản vật nổi tiếng, riêng có của làng nghề… mà còn được chứng kiến, trải nghiệm quá trình nghệ nhân sản xuất, chế tác ra những sản vật ấy. Đến với những làng sản xuất tơ lụa ở Lâm Đồng, làng chè ở Thái Nguyên, Tuyên Quang… Du khách hiểu hơn sự khắc nghiệt của nghệ thuật, đồng thời cũng chứng kiến bàn tay tài khéo, điệu nghệ, “sinh nghề tử nghiệp” của các nghệ nhân dân gian, từ đó mà thêm yêu quý, kính trọng những sản phẩm được làm ra từ tài năng và tâm huyết của nghệ nhân. Hầu hết những làng nghề cổ truyền đều có lễ hội riêng của mình.

Do vậy khách du lịch có thể đến tham quan làng nghề quanh năm, nhưng vui nhất, và có ý nghĩa nhất là đến đúng vào dịp làng mở hội. Đó là lễ hội tôn vinh tổ nghề, hoặc tưởng nhớ những người có công với làng, với nước, với cộng đồng. Các công ty du lịch tổ chức tour vào những dịp này dễ thành công và thu được lợi nhuận cao.

Trước nay nói đến các làng nghề người ta thường chỉ chú trọng đến những làng nghề nghiêng về tính chất kinh tế, tức là những làng nghề lưu giữ những di sản vật thể (tuy cũng có yếu tố văn hóa trong đó), mà ít chú ý đến những làng nghề phi vật thể, như làng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, làng rối nước Đào Thục, rối Chàng Sơn (Hà Nội), làng hát đám Thủy Nguyên (Hải Phòng), hát ví phường vải (Nghệ Tĩnh)… Tất nhiên là nói tách bạch như thế cho dễ hiểu, dễ quan niệm, chứ ở mỗi làng nghề yếu tố kinh tế và văn hóa là không dễ tách bạch, nhiều khi chúng có mối quan hệ hữu cơ, khó phân biệt.

Chỉ biết là không có làng nghề nào mà “dẫm chân” ở đó lại nghèo, không có làng nghề nào mà người dân ở đó lại không có năng khiếu và hưởng thụ văn hóa cao. Cho nên, theo người viết, không nên dùng khái niệm Liên hoan Du lịch làng nghề, bởi chúng có tính chất thời vụ, tính chất tập trung nhất thời, mà nên dùng khái niệm du lịch làng nghề, có nghĩa là diễn ra quanh năm (tất nhiên là có trọng tâm, trọng điểm, chẳng hạn như dịp lễ, tết, hoặc dịp làng mở hội…). Du lịch làng nghề vì thế cũng là di sản văn hóa của dân tộc, bởi vì toàn bộ di sản kinh tế - văn hóa ơ hoạt động lễ hội của đất nước được tập trung đậm đặc và khá đầy đủ ở các làng nghề. Nói như thế để phân biệt với du lịch hiện đại, bao gồm du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, các lễ hội kinh tế, các triển lãm khoa học, kỹ thuật hiện đại…

Du lịch làng nghề chỉ có hiệu quả (và cũng chỉ đủ sức) khi liên kết các vùng miền. Chẳng hạn có thể có các công ty du lịch liên kết tổ chức du lịch ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc… với các làng nghề tiêu biểu và nổi trội của một vùng cũng như cả nước. Chẳng hạn ở Bắc Bộ là các tour du lịch tới các làng tranh, làng đúc, làng gốm, làng rèn, làng quan họ, làng hát xoan, (nói tóm lại là các làng dân ca), làng lụa, làng cốm, làng bánh gai, làng làm tương… Tất nhiên một tour không thể trải nghiệm hết, mà có thể nói đó là các liên hiệp tour…

Thử tưởng tượng nếu chúng ta tổ chức được những tour như thế và du khách cũng được lần lượt trải nghiệm những tour như thế thì toàn bộ di sản kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Bộ sẽ trở thành những kiến thức lý thú và toàn diện về một vùng đất, một vùng lãnh thổ mà mình đã đi qua. Cũng như thế nếu có những liên hiệp công ty du lịch của miền Trung, miền Nam, miền Tây Nam Bộ, Tây Bắc, Việt Bắc… thì việc liên kết là tất nhiên, mỗi vùng miền sẽ khoe những nét đẹp nhất, khả dĩ nhất của mình. Sẽ không còn sự lặp lại cả về cảnh quan, môi sinh, phong tục tập quán và văn hóa ẩm thực… khiến cho du khách nhàm chán với cảm giác quen thuộc như đã làm quen, đã trải nghiệm ở đâu đó rồi…

Có nghĩa là chúng ta phải tiến tới tổ chức du lịch theo chủ đề, yêu cầu và mong muốn trải nghiệm của du khách, chứ không chỉ tổ chức theo vùng miền. Mỗi vùng miền sẽ có sản vật sáng giá nhất của mình (mà đại diện là các làng nghề) trong các tour du lịch và du khách luôn luôn được trải nghiệm, hưởng thụ những sản phẩm loại một và đó cũng là niềm vui sướng, đồng thời là niềm mong ước được quay trở lại của du khách.

Minh Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich/du-lich-lang-nghe-tintuc422114