Du lịch, nhìn từ lễ hội

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương từ TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) quê hương của ông đến thành phố biển Vũng Tàu, đúng dịp lễ hội. Ông nói vui mà cũng là nói thực với tôi: 'Cái số của ông nó sướng, sướng quanh năm, suốt bốn mùa'. Tôi hỏi lại giáo sư: 'Ông có thể nói rõ hơn cái số của tôi, sướng quanh năm, suốt bốn mùa ra làm sao?'. Giáo sư TS Tạ Ngọc Tấn nhìn tôi, trìu mến và mỉm cười: 'Chỉ đơn giản thế này, dịp giỗ Tổ Hùng Vương 2019, mùng Mười tháng Ba (âm lịch), thời tiết nắng - nóng, oi bức, gần 185 ngàn lượt người từ TP. HCM, Đông Nam bộ, nhiều vùng miền chen chân đổ về Vũng Tàu tắm biển, nghỉ dưỡng.

Bãi tắm nào cũng nghìn nghịt người. Ở Vũng Tàu, ông tận hưởng thứ tài sản vô giá trời cho, là vậy!”.

Thì ra giáo sư TS Tạ Ngọc Tấn nói ra điều rất đơn giản và hiển nhiên, chỉ có vậy. Dân Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có tôi tận hưởng khí hậu biển ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Có khi, chỉ cho đó là điều bình thường, chứ người ngoài trông vào, mới thấy hết giá trị của nó, quá chuẩn - nói theo ngôn ngữ tuổi teen thời @, đúng là “chuẩn không cần chỉnh”. Tôi cười và đối đáp lại: “Thì quê hương Phú Thọ dịp này có cả triệu lượt người đổ về núi Nghĩa Lĩnh vái Tổ. Du khách thập phương, như câu ca ngàn đời nay “buôn đâu - bán đâu” mùng Mười tháng Ba đều hướng về với nguồn cội dân tộc... Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đánh trống khai hội: “Du lịch tâm linh, gắn với lễ hội càng phải xứng đáng với đất Tổ Hùng Vương”.

Trước thềm giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 12-4, tại TP. HCM đã diễn ra tọa đàm phát triển du lịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn, phát biểu nhấn mạnh 3 điểm cốt lõi - 3 chữ C - để phát triển du lịch. Đó là về con người - đào tạo nguồn nhân lực của ngành du lịch; Phát triển hạ tầng du lịch; Chiến lược phát triển du lịch đúng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhiều đại biểu tham gia diễn đàn chỉ ra là “Việt Nam thiếu căn cơ trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao”. Mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40 ngàn lao động, nhưng số lượng sinh viên ra trường mỗi năm chỉ có khoảng 15 ngàn người, chất lượng sinh viên du lịch ra trường thấp, kỹ năng nghiệp vụ yếu, khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế. Thủ tướng nhấn mạnh: “Nguyên nhân cơ bản vẫn là đào tạo nhưng không gắn với thực hành, xa rời thực tế”.

Du khách thập phương đến TP. Vũng Tàu ngày càng đông, năm sau cao hơn năm trước. Chất lượng phục vụ khá hơn, sản phẩm du lịch đa dạng hơn. Và người BR-VT đã “cười” với du khách nhiều hơn, không chặt chém giá; vệ sinh môi trường bãi tắm sạch đẹp.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nói đến nguồn nhân lực du lịch là phải tính đến sự nhiệt thành của người lái xe taxi, sự niềm nở như bác bán nước trên vỉa hè Hà Nội dịp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách. Du khách đến Vũng Tàu đâu chỉ có một nhu cầu về tắm biển, nghỉ dưỡng; họ còn có nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức ý nghĩa, tính nhân văn các lễ hội, nâng cao kiến thức. Đặc trưng của du lịch Việt Nam là gắn nhiều với các lễ hội dân tộc, nhất là những lễ hội có yếu tố tâm linh, lịch sử địa phương, mảnh đất mà du khách cần khám phá, gắn với truyền thống dân tộc. Du khách hướng nhiều đến lễ hội, nhưng nhân lực cho loại hình này dường như lại ít được chú trọng đào tạo và thực hành kỹ năng, rèn dũa tri thức.

Du lịch gắn với lễ hội, hướng tới văn hóa lễ hội. Tại diễn đàn du lịch tại TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ và các diễn giả du lịch đã bàn tới, chỉ ra những ưu điểm nổi trội, những hạn chế yếu kém đâu đó. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong vòng vài ba năm tới du lịch Việt Nam phải phấn đấu đuổi kịp du lịch Thái Lan, Singapore, Malaysia… để dăm bảy năm tới đuổi kịp du lịch các quốc gia khu vực Đông Bắc Á. Một bài toán khó, nhưng không thể không vượt lên, bởi đất nước ta “dẹp hơn tranh vẽ”, người Việt Nam thân thiện, giàu bản sắc văn hóa! Ý chí và quyết tâm, có giải pháp đúng, không gì là không thể.

TRIÊU DƯƠNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/thoi-su-binh-luan/201904/du-lich-nhin-tu-le-hoi-850095/