Du lịch NN sinh thái bền vững: Tạo sinh kế bền vững cho nông dân

Ngày 18.5, tại TP. Hội An, Quảng Nam, Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam và Báo NTNN/Dân Việt đã phối hợp tổ chức hội thảo 'Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn'.

Gần 200 đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch, UBND và Sở VHTTDL, Sở NNPTNT các tỉnh/thành phố cùng nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành... dự hội thảo đã cùng thảo luận, tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp.

Tăng thu nhập cho nông dân

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng sự kết hợp giữa du lịch với nông nghiệp chắc chắn sẽ cộng hưởng để tạo ra những sản phẩm độc đáo, kết tinh trong đó những giá trị về lịch sử - văn hóa - thiên nhiên đặc thù của mỗi miền quê, làm thay đổi nhận thức và tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung và Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt Lưu Quang Định (từ trái) điều hành hội thảo. Ảnh: Đ.T

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho hay, để phát huy tốt tiềm năng du lịch sinh thái nông nghiệp, ngành du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn. “Du lịch và nông nghiệp đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển. Chính sách phát triển nông thôn mới gắn với du lịch tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Nam, Đồng Tháp...; chương trình mỗi làng một sản phẩm (OCOP); xu hướng đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước là điều kiện thúc đẩy du lịch sinh thái nông nghiệp phát triển, tạo điểm đến thu hút khách” - ông Phương cho biết.

Tại TP.HCM, nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%. Tại Quảng Nam, các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách, đóng góp không nhỏ vào tổng du khách năm 2017 tăng trưởng 85,1% so với cùng kỳ năm 2007.

Ông Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo NTNN/Dân Việt nhấn mạnh: “Việt Nam có nền nông nghiệp bản địa lâu đời và truyền thống văn hóa độc đáo chính là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái với những hình thức như: Cho du khách nước ngoài trực tiếp tham gia trồng lúa, quay tơ dệt vải, thưởng thức các bài hát, điệu nhạc, sống trong môi trường nông thôn... Tôi tin rằng trong vài năm tới Việt Nam sẽ bùng nổ du lịch sinh thái nông nghiệp, mang lại giá trị gia tăng, tạo sinh kế bền vững cho nông dân bên cạnh những giá trị từ trồng trọt, chăn nuôi…”.

Cần có định hướng rõ ràng, cụ thể

Tại hội thảo, ông Phạm Hà - CEO Luxury Travel cho rằng: Thực tế khách du lịch Âu - Mỹ rất thích các tour nông nghiệp và dựa vào nông nghiệp. “Điều hấp dẫn du khách nước ngoài có khi chỉ đơn giản như việc họ được mặc quần áo của nông dân, áo tứ thân, áo dài; học cách ăn bằng đũa, vào bếp nấu cơm bằng rơm rạ... Đôi khi những vật dụng của người nông dân dùng để bắt gà, bắt lợn cũng khiến nhiều khách Tây vô cùng thích thú” - ông Hà chia sẻ.

Ông Phạm Hà cũng cho rằng, phải có định hướng rõ ràng, cụ thể, nhất là chính sách thông thoáng và phát triển hạ tầng.

Cụ thể, cần tổ chức xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, các thị trường mục tiêu; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch và môi trường sinh thái phát triển bền vững. Mỗi địa phương chọn một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Gạo Điện Biên; hạt tiêu, hạt điều Phú Quốc; trà Thái Nguyên, Mộc Châu; cà phê Buôn Ma Thuột... tạo thành chuỗi kết nối các điểm đến hấp dẫn du khách đi từ Bắc vào Nam.

Còn theo tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - chuyên gia du lịch nông nghiệp: “Một trong những mấu chốt để mở mũi đột phá là phải tìm được đầu ra và quản lý được chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Nếu tại vùng sản xuất nông nghiệp song song xây dựng được vùng du lịch nông nghiệp thì vấn đề này được giải quyết rất triệt để. Có du lịch nông nghiệp, việc bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa lịch sử, bộ mặt nông thôn, lối sống văn minh tại các làng quê sẽ được hình thành và cải thiện nhanh chóng”.

“Việc quan trọng nhất hiện nay vẫn là bài toán “được mùa mất giá” của nông nghiệp chưa giải quyết rốt ráo. Hy vọng qua hội thảo này, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp cần được tính toán cụ thể giúp nông dân nói chung và nông dân làm du lịch nói riêng có vùng đầu tư sản xuất và tài chính dài hơi, chứ đừng để nói hay mà làm không ra sao”.

Ông Lê Đức Thành - Giám đốc HTX nông nghiệp Điện Quang,
Điện Bàn,Quảng Nam

“Phát triển du lịch nhưng phải chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc tại các vùng nông thôn như: chợ quê, sản vật đặc trưng, xây dựng các bảo tàng nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn làng nghề... Ngoài ra, cần có kế hoạch kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhất là công tác truyền thông, marketting cần đẩy mạnh, bởi người nông dân không thể làm được việc này”

Bà Huỳnh Thị Phương Hoa - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi

Cần cơ chế riêng để “bơm vốn” đầu tư du lịch nông nghiệp

Kết luận Hội thảo “Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn”, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Hội thảo đã có 11 ý kiến đóng góp, tham luận rất tâm huyết, chất lượng và có trách nhiệm cao, cùng chung mục đích giúp du lịch sinh thái nông nghiệp ngày càng phát triển”.

Những trải nghiệm làm nông dân rất hấp dẫn du khách nước ngoài . Ảnh: T.H

Theo ông Chung, việc quan trọng trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian tới vẫn là giá trị cốt lõi của nông nghiệp bản địa. Bản sắc, văn hóa truyền thống, sự tinh tế, dấu ấn đặc trưng vùng miền trong các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp cần phải có chiều sâu, chuyên nghiệp. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp cần được đầu tư hoàn chỉnh nhằm đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, theo ông Chung, sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến du lịch nông nghiệp phải ngày càng được liên kết mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, nhiều điểm du lịch nông nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

“Việc quan trọng nữa là vai trò phối hợp liên ngành của nông nghiệp, du lịch, công thương. Thời gian tới cũng cần có cơ chế, chính sách riêng để “bơm vốn”, đầu tư nguồn lực phát triển cho du lịch nông nghiệp. Đặc biệt, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho bà con nông dân về kỹ năng, thái độ phục vụ khách phải được đặt lên hàng đầu. Nếu làm được việc này sẽ tạo được sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định.

Ông Chung cũng lưu ý đến việc đầu tư cho truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp. “Xây dựng thương hiệu cho du lịch nông nghiệp cần được đầu tư bài bản trên cơ sở đặc trưng vùng miền. Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông để quảng bá. Chỉ có như vậy du lịch nông nghiệp mới khẳng định được vị trí của mình” - ông Chung nói.

Trương Hồng

Hồng Phong

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/du-lich-nn-sinh-thai-ben-vung-tao-sinh-ke-ben-vung-cho-nong-dan-877058.html