Du lịch nông trại - điểm đến hút khách du lịch

Ngày 22-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó nội dung phát triển sản phẩm du lịch gồm phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn...

Trang trại T-farm ở xã Đông Thịnh (Đông Sơn) thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Là địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, du lịch, Thanh Hóa đang thu hút nhiều cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, “ông chủ”, “bà chủ” trẻ mạnh dạn đầu tư phát triển vào loại hình còn “non trẻ” này...

Chỉ cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng gần 3 km, khu sinh thái nông trại giáo dục Linh Kỳ Mộc, thôn Vạn Thịnh, phường Quảng Thịnh đang nổi lên như một điểm sáng xứ Thanh về các dịch vụ trải nghiệm thực tế nông trại dành cho trẻ em và du khách. Với khoảng không gian rộng lên đến gần 8 ha, cùng sự đa dạng về các dịch vụ trải nghiệm, du khách đến đây sẽ có cơ hội thỏa sức, hòa mình với thiên cảnh đồng quê xanh mát. Nhiều du khách đánh giá đây là khu du lịch sinh thái mang tính giáo dục sâu sắc tại xứ Thanh, bởi khu sinh thái nông trại giáo dục Linh Kỳ Mộc không chỉ là điểm đến trải nghiệm du lịch sinh thái cho tất cả du khách mà còn là nơi truyền tải nền văn hóa lâu đời của con người xứ Thanh nơi đây như: tham quan và trải nghiệm khu làm gốm; bảo tàng đồ đồng Đông Sơn; bảo tàng gốm cổ Tam Thọ; khu vườn kỳ quái; hồ cá koi và cây cổ thụ 1.500 năm tuổi; nhà gỗ và thưởng thức cà phê; trải nghiệm sân chơi thiếu nhi, vườn hoa Di Lặc; đường nón và con đường muông thú; trải nghiệm chụp ảnh cùng các loài thú quý; trải nghiệm bắt cá đồng quê; cày cấy, cưỡi trâu...

Giới trẻ xứ Thanh thời gian gần đây cũng đang nhắc nhiều đến cụm từ có một “Đà Lạt giữa lòng Cẩm Thủy”. Thông tin từ Huyện đoàn Cẩm Thủy cho biết đây chính là xuất phát từ ý tưởng vườn dâu Đà Lạt giữa lòng Cẩm Thủy - sáng tạo mới của chàng trai trẻ Dương Văn Khoa. Vẫn ý tưởng làm nông nghiệp sạch, sản xuất ra những thực phẩm an toàn, chàng trai trẻ Dương Văn Khoa đã tự mày mò, thử nghiệm và trồng dâu tây trên đất đồi Song Nga, xã Cẩm Ngọc. Dâu tây đơm hoa, kết trái đúng vào dịp Tết Dương lịch năm 2021 vừa qua, trở thành địa điểm check-in lý tưởng cho những bạn trẻ Cẩm Thủy và hút khách du lịch khắp nơi. Đến vườn dâu, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được hương vị của thiên nhiên ngập tràn trong từng chi tiết nhỏ nhất. Đó là những nhà vườn ươm rau xanh, quả ngọt, những triền đồi trải dài xanh mướt cao su; luống rau xanh mướt được chăm chút tỉ mỉ... trong cái rét đậm và bảng lảng sương mù. Đó như những hình ảnh hiện hữu, đặc trưng riêng của Đà Lạt nên các bạn trẻ đã ví là “Đà Lạt trong lòng Cẩm Thủy”. Chỉ cách trung tâm thị trấn Phong Sơn, Cẩm Thủy, khoảng 15 phút di chuyển, trong các dịp nghỉ lễ, vườn dâu tây của anh Khoa đã đón hàng trăm lượt du khách đến tham quan và trực tiếp tiêu thụ. Theo chia sẻ của chủ nhân vườn dâu tây, có thể anh sẽ vẫn tiếp tục đi theo hướng làm nông nghiệp công nghệ cao, cũng có thể từ sức hút của vườn dâu này, chàng trai trẻ sẽ có thêm gợi ý để thử sức ở lĩnh vực du lịch sinh thái...

Du lịch nông trại hay du lịch nông thôn là loại hình du lịch phục vụ du khách dựa trên những hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, điểm độc đáo của sản phẩm này đó là du khách sẽ được về với đồng ruộng, vườn cây và tìm hiểu về thiên nhiên. Lựa chọn hình thức du lịch này, du khách sẽ được thư giãn, giải trí và rèn luyện thể lực cũng như tìm hiểu về công việc và cuộc sống của nhà nông. Hiện nay, hình thức du lịch nông trại này đã nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Nhiều người cho biết thay vì bỏ ra hàng núi tiền để đi đến những nơi ăn chơi xa xỉ, họ có thể đến những khu du lịch trang trại để có những trải nghiệm vừa thú vị, mới mẻ, vừa gần gũi với thiên nhiên. Rất nhiều du khách đã chia sẻ rằng: Đến với loại hình này, chúng tôi được ra vườn hái rau sạch, quan sát cách chăn nuôi gia súc, gia cầm... và thưởng thức những thực phẩm an toàn. Điều này rất quan trọng và có ý nghĩa đối với những người đến từ khu vực thành thị, nhất là các con trẻ. Và ý nghĩa, thiết thực hơn nữa là sau những buổi du lịch nông trại, chúng ta càng thấy việc cần thiết phải chung tay bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều hơn.

Để phát huy tiềm năng lợi thế và khai thác hiệu quả giá trị kinh tế từ một loại hình phát triển nông nghiệp - du lịch mới này, nên chăng cần sớm có quy hoạch, chủ trương, chính sách, đầu tư để loại hình du lịch nông trại có bước phát triển và là địa điểm du lịch hấp dẫn cho nhiều du khách.

Bài và ảnh: Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/du-lich-nong-trai-diem-den-hut-khach-du-lich/134864.htm