Du lịch phượt và những mối nguy

Vừa qua, một phượt thủ bị trượt chân, mắc kẹt 7 ngày dưới vực sâu khi khám phá đèo Hải Vân (TP Đà Nẵng) may mắn được giải cứu. Đây cũng là sự nhắc nhở về những rủi ro gặp phải khi du lịch phượt.

Du khách đi phượt bất chấp địa hình đường ngoằn nghèo, thời tiết sương mù bủa vây

Phượt với… tử thần

Một tháng trôi qua, anh Bùi Lê Xuân Huy (27 tuổi, ngụ TPHCM) vẫn không quên được cảm giác gần 7 ngày đêm nằm trong hốc đá, dưới vực sâu của bãi Sủng Cỏ (đèo Hải Vân, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Nhớ lại chặng đường, anh Huy kể, từ TPHCM anh bắt đầu xuyên Việt đến đèo Hải Vân vào chiều ngày 21-1 (Mùng 1 Tết). Qua lời chỉ dẫn của người dân, Huy lần theo, tìm đến vị trí khu vực Bãi Chuối. Tuy nhiên, do không tìm hiểu trước đó nên anh bị lạc đường. Địa hình đồi núi hiểm trở khiến anh bất ngờ bị trượt chân khi trèo qua vách đá và bất tỉnh ngay sau đó.

Xe máy anh Huy bỏ lại trên đường trước khi đi phượt

“Tấp xe máy vào lề đường, tôi leo xuống tìm đến khu vực Bãi Chuối. Trên đường đi, tôi có gặp và hỏi một người dân địa phương đi làm về. Tuy vậy, họ chỉ nhầm sang bãi Sủng Cỏ nên tôi phải tìm lối đi khác. Trong lúc leo qua một vách đá, tôi hụt chân và té”, anh Huy kể.

Sau tai nạn, tay trái bị thương do mảnh sành cắt, vai trái và chân phải đau nên Huy không thể di chuyển. Nằm ở vực sâu suốt thời gian dài, cơ thể bị mất sức. Đôi tay Huy nhăn nheo tím tái vì lạnh. Quần và tay áo đã thấm nước mưa. May mắn, nhờ hốc đá che mưa và lạnh nên anh mới cầm cự được. Sau vài ngày, lương thực dần cạn kiệt, tưởng chừng như hy vọng đã không còn, anh Huy dò được sóng điện thoại và báo tin với gia đình qua một người bạn. Nhận được tin, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Liên Chiểu và Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng tổ chức tìm kiếm và đưa anh Huy khỏi vực sâu vào rạng sáng 28-1 (Mùng 8 Tết).

Khi lực lượng phát hiện, anh Huy đã kiệt sức sau 5 ngày gặp nạn

Kỳ tích xảy ra, thế nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Trải qua vụ việc, theo anh Huy, nguyên nhân chính là muốn tìm cảm giác mới lạ, tự do về điểm đến nên anh chưa tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng mà vội vàng bắt đầu chuyến đi. Không chỉ thiếu kinh nghiệm đối với loại hình này, anh chủ quan khi không đề cập ý định của bản thân đối với gia đình, bạn bè,…

“Trước khi đi, phượt thủ phải tìm hiểu rõ về nơi mình sẽ đi qua, tìm đến, nhất là về địa hình và thời tiết cũng như chuẩn bị mọi thứ khi phát sinh các tình huống như hỏng xe, tai nạn, lạc đường,… Việc đi mạo hiểm ít nhất phải có thêm một người bạn đồng hành. Thời điểm đi, trúng vào đợt Tết, hầu như người địa phương mưu sinh (đi cạo mứt) ở khu vực này đều ở nhà vào ngày đó. Sau khi bị tai nạn, tôi không thể cầu cứu người dân địa phương và nằm dưới vực trong vài ngày”, anh Huy nói.

Chú ý biển báo, chỉ dẫn

Bãi Sủng Cỏ (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là khu vực nằm biệt lập, giữa núi rừng Hải Vân và vịnh Đà Nẵng. Cũng chính vì sự biệt lập và vẻ đẹp hoang sơ, bãi biển này thu hút nhiều phượt thủ đặt chân khám phá.

Lực lượng chức năng lội rừng để đến bãi Sủng Cỏ

Để đến bãi Sủng Cỏ, du khách có thể đi theo đường bộ và đường thủy. Đường bộ xuống Sủng Cỏ dài 7 cây số đường rừng, rất khó di chuyển và phải men theo đường mòn quanh co. Tuyến này được lực lượng chức năng khuyến cáo không phù hợp với du khách vì dễ đi lạc, phải có người địa phương có kinh nghiệm dẫn đường, cần sức khỏe và cả kỹ năng sinh tồn.

Không chỉ bãi Sủng Cỏ, khu vực Đèo Hải Vân (nằm giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế) có nhiều điểm rất đẹp, độc và là điểm lý tưởng của phượt thủ như Làng Vân, bãi So… Nhưng, địa hình có rất nhiều ghềnh đá kết hợp với dòng chảy nước phức tạp, tiềm ẩn rủi ro đối với du khách và lực lượng cứu nạn cứu hộ khi tiếp cận hiện trường.

Người dân, du khách đứng ở khu vực đèo Hải Vân để tham quan, check-in

Thiếu tá Nguyễn Văn Thạnh, Đội phó PCCC&CNCH - Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho biết, địa hình tìm kiếm, cứu nạn là khu vực đèo rất rộng, nhiều vách đá, vực sâu, con đường ngoằn ngoèo. Lúc ấy, sương mù dày đặc và trời tối nên tầm nhìn xa bị hạn chế. Lực lượng, phương tiện có hạn nên chủ yếu dựa vào sức người. Thời gian tiếp cận hiện trường rất lâu do chỉ có thể di chuyển bằng đường bộ. Người bị nạn sẽ gặp nguy nếu như trường hợp vết thương nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc xác định thông tin cứu hộ qua rất nhiều nguồn, đến khi liên hệ với người nhận tin trực tiếp thì nạn nhân đã gặp nạn 6 ngày.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, Đội PCCC&CNCH - Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã tham gia giải cứu 5 trường hợp du khách gặp nạn trên đèo Hải Vân, trong đó có 3 người tử vong và 2 người bị thương. Phớt lờ những tấm biển cảnh cáo, người bị nạn chủ yếu đi vào các vị trí nguy hiểm, bị trượt chân và mắc kẹt chỉ để kiếm một bức hình độc, lạ.

Lực lượng chức năng vẽ, tạo thêm các tín hiệu cảnh báo, số điện thoại đường dây nóng tại các vị trí nguy hiểm

Từ công tác cứu nạn, cứu hộ, Đại tá Lê Thọ, Phó trưởng Công an quận Liên Chiểu khuyến cáo, người đi phượt nên đi trong mùa nắng ấm, ban ngày. Không chỉ tìm hiểu kỹ về địa hình, địa giới, họ phải chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc phượt. Cần đi theo từng top, từng nhóm và chú ý các số điện thoại, biển báo mà lực lượng chức năng đã ghi trên các mõm đá để nhanh chóng liên hệ khi gặp nạn.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-lich-phuot-va-nhung-moi-nguy-post679634.html