Du lịch quốc tế đang hồi phục tích cực

Với chính sách mở cửa du lịch quốc tế thông thoáng, du lịch Việt Nam đang lan tỏa năng lượng phục hồi tích cực. Công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights hiển thị sự gia tăng mạnh mẽ lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam. Doanh nghiệp du lịch cũng đề xuất nhiều giải pháp để việc phục hồi và phát triển du lịch thời gian tới bền vững, hiệu quả hơn.

Du lịch quốc tế đang có xu hướng phục hồi tích cực

Theo báo cáo của Ban hỗ trợ chính sách APEC (PSU), Việt Nam là quốc gia duy nhất trong 21 nền kinh tế APEC không đưa ra hạn chế nào về đi lại, không yêu cầu chứng nhận tiêm phòng Covid-19, không yêu cầu xét nghiệm Covid-19, không yêu cầu cách ly, không yêu cầu khai báo y tế.

Dữ liệu từ Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 8.2022 đã tăng gần 7 lần so với thời điểm đầu tháng 3.2022. Trong khi đó, lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam đã tăng hơn 3 lần.

Top 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Pháp, Anh, Malaysia.

Các điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất đều là các trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam gồm: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, lượng tìm kiếm thông tin du lịch nước ngoài của người Việt Nam cũng đang tăng cao sau một thời gian dài bị dồn nén do dịch bệnh. Lượng tìm kiếm du lịch nước ngoài của người dân được ghi nhận tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8.2022.

Trong đó, các thị trường được du khách Việt tìm kiếm nhiều nhất bao gồm: Singapore, Thái Lan, Campuchia, Mỹ, Úc, Malaysia, Indonesia, Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nam Phi, Nhật Bản... Có thể thấy, các điểm đến gần ở khu vực Đông Nam Á đang là xu hướng ưu tiên của du khách Việt sau đại dịch.

Việt Nam là quốc gia duy nhất trong 21 nền kinh tế APEC không đưa ra hạn chế nào về đi lại, không yêu cầu chứng nhận tiêm phòng Covid-19, không yêu cầu xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, chính sách visa của Việt Nam chưa thực sự thông thoáng

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch SACO (TP.HCM) cho rằng: “Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 gây ra. Sau hơn 2 năm tàn phá, đại dịch đã khiến ngành Du lịch rơi vào khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ nhưng cũng mang lại cho chúng ta nhiều bài học khi đối mặt với khủng hoảng và việc cần thiết phải tích trữ, dự phòng. Đồng thời, cũng chỉ ra rằng Covid-19 đã làm mọi thứ đã thay đổi, chúng ta không thể làm du lịch như trước đây mà phải tư duy lại về du lịch, tăng cường sáng tạo, thêm nhiều ý tưởng và liên kết để tạo sức mạnh”.

Nhận định về việc phục hồi của ngành Du lịch, ông Tấn nói: Ngành Du lịch vừa trải qua một cuộc thanh lọc lớn chưa từng có trong lịch sử. Đến giờ này, các doanh nghiệp du lịch còn tồn tại, bước vào giai đoạn phát triển mới đều là những doanh nghiệp sống chết với ngành; những người đang còn làm du lịch đều là những người đầy đam mê và trách nhiệm. Du lịch không có đất cho những người làm ăn chụp giật nhưng lại truyền cảm hứng và tạo cơ hội cho nhiều người hơn từ việc khởi động lại hoạt động du lịch.

Qua cơn bão Covid-19 vừa qua mới thấy, du lịch có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế nhưng lại rất mong manh, thổn thất đầu tiên và phục hồi rất chật vật. Doanh nghiệp du lịch tới 80-90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực thiếu, vốn ít, nhân lực có thể “nhảy việc”, chuyển ngành ngay khi gặp khó khăn. Vì là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội hàm văn hóa sâu sắc nên ngành Du lịch cần có sự chung tay phục hồi của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cả nước đã kiên cường chống dịch, kiểm soát tốt dịch bệnh và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Trong xu thế đó, với lộ trình và bước đi vững chắc, ngành Du lịch đang dồn lực vượt qua những khó khăn, thách thức để phục hồi và phát triển bền vững, đưa du lịch trở thành động lực trung tâm của nền kinh tế xanh, kinh tế số.

Đến nay, du lịch nội địa đã từng bước phục hồi với những kết quả khả quan. Tuy nhiên, với du lịch quốc tế vẫn còn nhiều dư địa. Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 60 triệu lượt khách nội địa. Thời điểm hiện nay, chúng ta đã đạt trên 79,8 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế mới chỉ đạt 1.220 nghìn lượt người so với mục tiêu 5 triệu lượt khách đặt ra cho cả năm 2022.

Việt Nam là một trong những nước mở cửa sớm trong khu vực và trên thế giới (từ 15.3)

Điều này đòi hỏi toàn ngành Du lịch phải đưa ra những định hướng phát triển mới để phục hồi và xây dựng du lịch bền vững hơn, toàn diện hơn và linh hoạt hơn. Để việc phục hồi và phát triển du lịch thực sự bền vững, phù hợp với tình hình mới, ông Nguyễn Ngọc Tấn đề xuất Bộ VHTTDL và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023, mức giảm từ 10% xuống 5% để thúc đẩy sức mua, tiêu dùng của người dân, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp du lịch cần có điều kiện vay vốn riêng, không cần thế chấp; tiếp cận dễ dàng hơn với gói hỗ trợ lãi suất 2%. Các chính sách hỗ trợ tài khóa cụ thể đã triển khai cần được xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng, liều lượng, thời gian hỗ trợ. Về dài hạn, các biện pháp tài khóa cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít… hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.

Thu hút nguồn lực các bên liên quan tại địa phương, bao gồm cả khu vực tư nhân ở cấp cộng đồng, với trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, thúc đẩy các cơ hội bình đẳng nhằm tăng cường cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương.

Các điểm đến đã xây dựng nhiều sản phẩm mới hoặc làm mới các sản phẩm để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Trong ảnh: Huế vừa đưa vào khai thác sản phẩm du lịch city tour bằng xe buýt 2 tầng

Kiến nghị Chính phủ về mở rộng diện miễn visa thị thực với các quốc gia: Australia, New Zealand, Ấn Độ, Canada, Hoa Kỳ, các quốc gia EU…; tăng số ngày miễn từ 15 lên 30 ngày; đơn giản hóa, linh hoạt thủ tục xuất nhập cảnh; miễn lệ phí visa cho các thị trường chưa được miễn visa đến hết năm 2023…

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng mức đầu tư cho công tác quảng bá xúc tiến, thể hiện vai trò dẫn dắt doanh nghiệp tham gia xúc tiến trực tiếp tại các thị trường trọng điểm, thị trường gần, thị trường có khả năng phục hồi sớm… Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong việc quảng bá xúc tiến ở các thị trường trong và ngoài nước.

Các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể bằng các chương trình đào tạo miễn phí cho nhân lực du lịch; cung cấp miễn phí các phần mềm ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình chuyển đổi số. Bất kể doanh nghiệp quy mô ra sao đều cần được khuyến khích ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để hỗ trợ du lịch phát triển theo hướng bền vững, đồng thời nâng cao năng lực và chuyên môn của đội ngũ nhân sự thông qua việc đào tạo và nâng cao kỹ năng.

Các doanh nghiệp chủ động xây dựng Chiến lược kinh doanh của đơn vị phù hợp với định hướng phát triển du lịch thông minh của thành phố, góp phần thiết thực vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng; đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số của đơn vị, hướng tới chia sẻ, tích hợp vào kho dữ liệu chung của Tổng cục Du lịch.

Các địa phương cần tăng cường các chương trình đối thoại, chia sẻ công - tư để doanh nghiệp nhận thức được tác dụng, hiệu quả của việc hỗ trợ và gia tăng sự ủng hộ với các hoạt động, chỉ đạo của địa phương với hoạt động du lịch.

CẨM TÚ

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/56020/du-lich-quoc-te-dang-hoi-phuc-tich-cuc