Du lịch sông Hồng: Tiềm năng lớn đang bị bỏ quên?

Mặc dù có tiềm năng lớn cho phát triển ngành công nghiệp không khói nhưng hiện nay du lịch sông Hồng vẫn chưa thực sự khởi sắc, chưa khai thác hết được lợi thế. Thực tế này khiến cho du lịch sông Hồng vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong nhóm tour đặc sắc của Thủ đô.

Cây cầu Long Biên hơn 100 năm tuổi. Ảnh: Quang Vinh.

Cây cầu Long Biên hơn 100 năm tuổi. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn

Có chiều dài chảy qua Hà Nội khoảng 160km, trong đó có tới 40km qua nội đô, sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan chủ đạo, không gian kết nối đô thị trung tâm Hà Nội.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng đề cập tới việc phát triển các mô hình nông nghiệp du lịch... thu hút các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao (dịch vụ, du lịch, thể thao...) phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Dọc tuyến sông Hồng còn có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa để khách dừng chân tham quan như: Đình Chèm ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, đền Ghềnh (quận Long Biên) nằm ven sông thờ công chúa Lê Ngọc Hân cũng là một di tích thu hút đông đảo khách thập phương…

Trên khúc sông chảy qua Thủ đô hiện diện những cây cầu vừa cổ kính, vừa hiện đại như cầu Long Biên có lịch sử hơn 100 năm, cầu Thăng Long - biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô, cầu Nhật Tân biểu tượng cho sức vươn của TP Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế…

Chưa hết, nhiều sản phẩm du lịch sinh thái giàu tiềm năng du lịch ven sông với mô hình các trang trại vườn ven sông dọc theo sông Hồng, hay các làng nghề truyền thống, làng chài ở khu vực Sơn Tây, Phúc Thọ, Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên… hứa hẹn hấp dẫn các du khách thích khám phá. Nằm kề sông Hồng, làng gốm cổ truyền Bát Tràng - nơi lưu giữ nghề truyền thống là một điểm du lịch thu hút du khách gần xa. Đến Bát Tràng bằng đường sông, du khách sẽ có một trải nghiệm mới, khi được cập vào bến nước cổ, đi qua những ngõ hẹp của làng gốm trước khi đến với phiên chợ sầm uất, vừa được chiêm ngưỡng những tác phẩm đồ gốm tinh xảo của làng nghề, du khách vừa được thử sức làm thợ gốm... đó là những trải nghiệm thú vị khi du ngoạn trên sông Hồng. Vườn hoa bãi đá sông Hồng (quận Tây Hồ) đang trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách khắp nơi đến vui chơi, chụp ảnh, ngắm hoàng hôn sông Hồng.

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, sông Hồng là địa danh có nhiều ý nghĩa với người dân Hà Nội và cả nước, vì vậy phát triển tour du thuyền cao cấp trên sông Hồng sẽ mang lại những chuyển biến lớn cho ngành du lịch Thủ đô. Nhiều thành phố lớn và Thủ đô các nước trên thế giới đã khai thác thành công sản phẩm du lịch trên sông, tuy nhiên, Hà Nội chưa tận dụng khai thác tiềm năng loại hình du lịch này.

Khách du lịch đến với sông Hồng có cơ hội trải nghiệm sông nước, những hình ảnh đời thường của cuộc sống người dân chài xóm chài.

Cần sự đầu tư đồng bộ

Mặc dù rất giàu tiềm năng, nhưng thực tế việc khai thác tour sông Hồng mới dừng ở mức nhỏ lẻ chưa đầu tư bài bản. Các doanh nghiệp lữ hành nhận định, tuyến du lịch này chủ yếu phục vụ khách đi theo đoàn, kết hợp giữa du lịch sinh thái với du lịch tâm linh, hầu như không có khách lẻ. Trong khi đó, dọc sông Hồng có nhiều điểm di tích chưa được đầu tư khai thác tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, nên khó thu hút khách quay lại lần thứ hai.

Do cơ sở hạ tầng thiếu và yếu nên hiện nay, các đơn vị khai thác gặp nhiều khó khăn về bến bãi, giao thông dẫn ra bến tàu. Khu vực sông Hồng có hai bến tàu, ở Chương Dương Độ và ở Bạch Đằng, song đường đi vào rất khó khăn.

Hoạt động du lịch trên sông Hồng vẫn ảm đạm, chưa khai thác được lợi thế.

Theo ông Thắng, để phát triển du lịch sông Hồng, không chỉ đơn giản một công ty du lịch làm được mà cần có chính sách nhất quán, đồng thuận từ thành phố đến huyện, xã sở tại. Thứ nhất là cần dọn dẹp khu vực bờ sông có tàu đi qua để có cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. Nếu như trước đây ven sông Hồng là những ngôi nhà mái ngói nhấp nhô, thơ mộng sau lũy tre làng thì bây giờ chỉ còn những ngôi nhà ống, thiếu sức hút, trong khi đó, hai bên bờ sông cần phải đầu tư để tạo sức hút thì lại đang phát triển một cách tự phát, hoàn toàn không có sự đầu tư.

Theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, để phát triển du lịch đường sông nói chung, du lịch sông Hồng nói riêng cần một quá trình đầu tư lâu dài. Cơ quan quản lý cần chuẩn bị rất nhiều các điều kiện cho sản phẩm du lịch đường sông như: Xây dựng và cấp phép hoạt động bến tàu du lịch đường sông; quy hoạch và đầu tư giao thông kết nối điểm đón từ đường sông lên đường bộ theo lịch trình…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch đường sông tại các thị trường trọng điểm để khách du lịch dễ tiếp cận; kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế vào cuộc đầu tư tàu du lịch chất lượng cao, kết hợp làm du thuyền với nhà hàng nổi, mở các văn phòng đại diện tại nước ngoài…

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp khai thác, vận hành tour du lịch sông Hồng quan tâm hơn nữa đến chất lượng dịch vụ, các loại hình trải nghiệm và sự an toàn của du khách.

Mặt khác, đảm bảo công khai, minh bạch trong xây dựng các sản phẩm, bán tour du lịch; thường xuyên nâng cấp, đa dạng hóa các sản phẩm, tour du lịch đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách. Đồng thời, các doanh nghiệp quan tâm, dành nguồn lực cho hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm, nhất là các nhóm khách lẻ, đối tượng khách du lịch trẻ.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich-song-hong-tiem-nang-lon-dang-bi-bo-quen-5701037.html