Du lịch tâm linh hồ Trị An: Sư thầy lo phá rừng

Việt Nam nên thiên trọng phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng của Việt Nam thay vì chạy đua với những cái nhất.

Ban quản lý chưa biết

Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (Công ty Cường Thuận) vừa lập đề án trình tỉnh Đồng Nai mong muốn đầu tư phát triển Hồ thủy điện Trị An (trong khu bảo tồn, tỉnh Đồng Nai) thành khu du lịch tầm cỡ.

Khung cảnh hồ Trị An. Ảnh: Mytour

“Chúng tôi muốn đầu tư lớn, thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch tại địa điểm này, đồng thời như là một điểm nhấn du lịch có thể sánh ngang với việc phát triển du lịch tại các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…” - Giám đốc Công ty Cường Thuận ông Nguyễn Xuân Quang nhấn mạnh trên báo chí.

Theo dự tính ban đầu, đơn vị này sẽ chia tổng thể không gian khu vực với diện tích khoảng 25 ha, chia thành 2 phân khu. Trong đó, khu “động” gồm có cầu tàu, công viên nước, nhà hàng, khu vui chơi giải trí và các hoạt động dưới nước, đặc biệt sẽ có cáp treo. Khu “tĩnh” sẽ là khu văn hóa tâm linh và xây chùa lớn để khách hành lễ.

Đáng nói, dù khẳng định dự án mới ở là ý tưởng mới hình thành nhưng theo thông tin trên Người Lao động, UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa chính thức đồng ý cho Công ty Cường Thuận triển khai thực hiện tuyến đường ven hồ Trị An dài hơn 27 km chạy dọc theo bìa rừng trong khu bảo tồn. Đường này được xây dựng nhằm phục vụ dự án du lịch nói trên.

Theo tính toán, việc xây dựng con đường này sẽ làm mất 17 ha rừng.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Tô Bá Thanh - Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết chưa được nghe thông tin gì về dự án này.

Theo ông Thanh, khu bảo tồn thiên nhiên Cát Tiên là khu vực được bảo tồn, không thể tự do khai thác, phát triển du lịch được.

"Chúng tôi chưa nghe nói gì về dự án này, nhưng chúng tôi không đồng ý phát triển du lịch tại khu vực rừng bảo tồn", ông Thanh nói.

Giá trị tâm linh không nằm ở cái to, cái lớn

Nhìn nhận ở góc độ tâm linh, sư thầy Thích Thanh Huân cũng cho rằng sự linh thiêng không nằm ở chùa to, lớn mà phải nằm ở nội hàm của nó.

Theo đó, sư thầy cho rằng, các cơ quan quản lý cũng như chủ đầu tư phải có sự trao đổi, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó phải tổ chức khảo sát, lấy ý kiến đánh giá tác động của các nhà chuyên môn. Sư thầy khẳng định, dù là khu du lịch tâm linh cũng phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự sinh trưởng tự nhiên, đảm bảo cân bằng cho hệ sinh thái, môi trường.

"Du lịch tâm linh được coi trọng chính ở nội hàm, không hẳn cứ thật nhiều chùa, chùa thật rộng lớn là linh thiêng", sư thầy nhấn mạnh.

Đồng ý với chủ trương cần phải có những nơi nghỉ chân hoặc có những điểm để du khách nán lại, dừng chân nhưng sư thầy Thích Thanh Huân vẫn không đồng tình với chủ trương quy hoạch cả một khu đất rừng rộng lớn để xây dựng công trình tâm linh của chủ đầu tư.

"Tôi luôn có suy nghĩ, trên rừng, dưới biển Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Phát triển thế nào, khai thác, xây dựng ở đâu các cơ quan quản lý, cụ thể là Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai phải có quan điểm làm sao để xây dựng, phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn được di sản thiên nhiên", thầy Huân chia sẻ.

Cũng theo thầy Huân, nếu phát triển du lịch mà không có sự tính toán cẩn trọng sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng lớn, không dễ có thể khắc phục trong một sớm, một ngày.

"Nhìn ngay ở Thủ đô Hà Nội sẽ thấy. Đất cứ hở là xây nhà cao tầng, bây giờ Thủ đô ngổn ngang, cao thấp, không còn giữ được vẻ đẹp của Thủ đô nữa", sư thầy lấy ví dụ.

Hơn nữa, theo sư thầy, nếu xây dựng một công trình du lịch rộng lớn như vậy khả năng phải đất rừng, làm đường giao thông đi lại cũng là vấn đề cần lưu ý. Vì theo giải thích của nhà sư, đi cùng với việc mở đường sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy như người đi lại đông, nguy cơ cháy rừng cao, thuận lợi cho lâm tặc hoạt động... nguy cơ phá vỡ sự cân bằng sinh thái, gây khó khăn, cản trở cho các cơ quan quản lý là rất lớn.

"Việt Nam không nên chạy theo những cái to, cái lớn để so đọ với thế giới, rất nhiều công trình còn to, lớn hơn Việt Nam rất nhiều. Vì vậy, Việt Nam nên thiên trọng phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc, đặt trưng của Việt Nam thay vì chạy đua với những cái nhất", thầy Huân nhắc nhở.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/du-lich-tam-linh-ho-tri-an-su-thay-lo-pha-rung-3330534/