Du lịch TP HCM chuyển mình

Du lịch là một ngành mà TP HCM có lợi thế thu hút du khách và kích cầu tiêu dùng

Sau khi đăng tải loạt bài "Tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM", Báo Người Lao Động tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia kinh tế góp ý giải pháp tăng tốc phục hồi du lịch nhằm thúc đẩy kinh tế thành phố.

Lĩnh vực kinh tế trọng yếu

Trong những giải pháp được TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đề cập để góp phần vực dậy kinh tế TP HCM, có kích cầu du lịch, bởi đây là lợi thế lớn của thành phố. Trong quý I/2023, du lịch là lĩnh vực dịch vụ phục hồi tốt, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế là tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 6,79% (đóng góp 89% vào mức tăng trưởng chung, không kể thuế sản phẩm), trong đó nổi bật là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 26% chủ yếu do du lịch phục hồi mạnh và chi tiêu dịp Tết… Do đó, cần triển khai hiệu quả các biện pháp kích cầu du lịch.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng nhận định thành phố cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trong các giải pháp phục hồi kinh tế. Bởi, nguồn tiền thu từ du lịch là nguồn tiền "tươi", riêng khách quốc tế đem lại nguồn ngoại tệ "xuất khẩu tại chỗ". Dòng tiền này sẽ trực tiếp giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dịch vụ nếu khai thác hiệu quả.

Du lịch TP HCM đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút du khách Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Du lịch TP HCM đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút du khách Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thực tế, du lịch TP HCM trước COVID-19 đóng góp tỉ trọng lớn về lượng khách quốc tế đến, là thị trường nguồn cung cấp lượng khách lớn cho các điểm đến trong nước. Số liệu thống kê của một đơn vị tư vấn chiến lược trước đại dịch cho thấy ngành du lịch TP HCM đóng góp khoảng 25% tổng GDP du lịch quốc gia năm 2019. Tỉ trọng đóng góp của ngành du lịch thành phố vào tổng sản phẩm nội địa trong năm 2019 là 6,9%, cao hơn mức trung bình quốc gia 5,9%. Tốc độ tăng trưởng của khách du lịch quốc tế tại TP HCM cũng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước.

Thành phố cũng là cửa ngõ lớn nhất của cả nước, chào đón khoảng 51% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam và vẫn còn tiềm năng để thu hút thêm khách du lịch từ các thị trường. Trong giai đoạn phục hồi, bên cạnh việc vẫn là thị trường nguồn khách, ngành du lịch TP HCM đang nỗ lực đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng trong chiến lược "mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng".

Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2023, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thành phố xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế dịch vụ trọng yếu, không chỉ nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh mà còn thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển. Đồng thời, du lịch của thành phố còn thúc đẩy phát triển kinh tế của nhiều địa phương, khu vực, đặc biệt là sự phát triển của chuỗi cung ứng hàng hóa - dịch vụ liên vùng. "Với vai trò trên, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành, hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp (DN) xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực để phục hồi hoạt động du lịch" - ông Dương Anh Đức nói.

Lợi thế từ sản phẩm du lịch đặc trưng

Quý I/2023, ngành du lịch TP HCM đã có sự tăng tốc tích cực, khách quốc tế đạt 1,04 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 7,5 triệu lượt. Tổng thu du lịch đạt 36.112 tỉ đồng, tăng 77,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một trong những điểm sáng của du lịch thành phố thời gian qua là chiến lược xây dựng "mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết tính đến nay với 366 tài nguyên du lịch, ngành du lịch thành phố đã kết nối, giới thiệu hơn 60 sản phẩm du lịch, trong đó có 30 sản phẩm mới của các quận, huyện làm phong phú, đa dạng sản phẩm phục vụ du khách trong và ngoài nước. Năm nay, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển "sản phẩm đặc trưng" thêm một bước là liên kết các quận, huyện hoặc từ các quận, huyện của thành phố với các điểm đến lân cận tạo thành tour, tuyến đa dạng giữ chân du khách lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn… "Chủ trương "mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" là giải pháp sáng tạo của ngành du lịch thành phố, thời gian qua đã tạo sự lan tỏa cho chiến dịch "Người thành phố đi du lịch thành phố" và được các quận, huyện hưởng ứng tích cực" - bà Ngọc Hiếu nói.

Tại Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2023, có tới 50 chương trình du lịch nội đô thành phố khám phá những công trình kiến trúc quan trọng và có giá trị lịch sử, văn hóa ngay giữa lòng thành phố đã công ty lữ hành xây dựng và giới thiệu. Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, cho hay chỉ riêng bộ sản phẩm Biệt động Sài Gòn của Vietluxtour đã có gần 10 tuyến độc đáo từ TP HCM liên tuyến Đông - Tây Nam Bộ, được tổ chức đa dạng nhằm khai thác thị phần nhóm khách Công đoàn, Đoàn Thanh niên, chi bộ của DN từ các tỉnh, thành khác đến TP HCM tham quan. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm Biệt động Sài Gòn, đa dạng ở tuyến điểm và thị phần khách để lan tỏa sinh động và độc đáo hơn nữa các giá trị ý nghĩa của điểm đến. Kỳ vọng chương trình Biệt động Sài Gòn không chỉ thu hút du khách địa phương mà sẽ trở thành sản phẩm đặc trưng của TP HCM, tạo dấu ấn độc đáo, ý nghĩa với du khách ở các tỉnh, thành khác trong nước và nước ngoài" - ông Trần Thế Dũng nói.

Phát huy vai trò trung tâm du lịch

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định TP HCM có vị trí quan trọng, giữ vai trò đầu tàu và ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch của các địa phương khác. "Mong muốn TP HCM sẽ làm tốt vai trò tâm điểm giao thoa, khẳng định vị thế, vai trò đầu tàu nhằm tạo sức lan tỏa tích cực đến các địa phương khác, góp phần đưa du lịch Việt Nam đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển bền vững" - ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

(Còn tiếp)

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/du-lich-tp-hcm-chuyen-minh-20230409220418952.htm