Du lịch TP. Hồ Chí Minh: Ngày càng được khẳng định trong bản đồ du lịch khu vực và thế giới

TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại văn hóa lớn của khu vực và cũng là thành phố thu hút nhiều nhà đầu tư, khách quốc tế, khách du lịch trong và ngoài nước.

Năm 2016, Mastercard đã xếp TP. Hồ Chí Minh vào top 20 thành phố có mức tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới. Năm 2017 Airbnb xếp hạng TP. Hồ Chí Minh là top 10 địa điểm tốt nhất cho khách đi du lịch một mình. Năm 2018, Lonely Planet xếp hạng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 điểm đến châu Á tuyệt vời; TripAdvisor chọn Thành phố Hồ Chí Minh là top 25 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á.

Thông tin trên, được bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du Lịch TP. Hồ Chí Minh đưa ra trong báo cáo đề dẫn của Sở tại buổi Tọa đàm chuyên đề “ Công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP. Hồ Chí Minh - 25 năm thành công và thách thức” được tổ chức sáng nay, ngày 16/08 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty Du lịch Vietravel chia sẽ tại buổi Tọa đàm

Hfnh ảnh buổi Tọa đàm " Công tác quản lý nhà nước về Du lịch TP. Hồ Chí Minh - 25 năm thành công và thách thức"

Lượng khách quốc tế tăng hơn 14 lần trong 25 năm qua

Chia sẻ về mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Thành phố trong 25 năm qua, bà Ánh Hoa cho biết, nếu như năm 1993, khách quốc tế đến Thành phố là 519 ngàn lượt thì dến năm 2017 đã đạt gần 6,4 triệu lượt. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách quốc tế đạt 3,8 triệu lượt, theo dự báo, đến hết năm 2018 lượng khách quốc tế đạt khoảng 7,5 triệu lượt. Tính chung trong 25 năm qua, lượng khách quốc tế đã tăng hơn 14 lần, chiếm khoảng 50% lượng khách quốc tế đến cả nước.

Lượng khách nội địa tăng 24 lần trong 25 năm

Về khách du lịch nội địa, từ khoảng một triệu lượt vào cuối năm 1990, đến năm 2017 khách du lịch nội địa đã đạt 24,9 triệu lượt, tăng 24 lần qua 25 năm, chiếm khoảng 1/3 lượng khách du lịch nội địa của cả nước. Tổng thu du lịch có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 40 lần trong giai đoạn 1997 -2017. Cụ thể, năm 1997 là 2.887 tỷ đồng, thì đến năm 2017 đạt 115.978 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp từ doanh thu toàn ngành du lịch trong cơ cấu GRDP của Thành phố chiếm khoảng 11%.

Ngành du lịch Thành phố vẫn còn nhiều thách thức

Bên cạnh những thành tựu trên, ngành Du lịch Thành phố vẫn còn nhiều thách thức, cụ thể như: Về công tác quản lý, chưa có Chiến lược phát triển ngành du lịch Thành phố; Công tác phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có lúc có nơi chưa đồng bộ; Công tác quảng bá còn thiếu chuyên nghiệp nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng 4.0; Các sản phẩm du lịch và các dịch vụ bổ trợ cho du lịch chưa phong phú; Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng; Hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch như hệ thống giao thông, cấp thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố...

Chia sẻ thêm tại buổi tọa đàm, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Viettravel nhận định, đối với các quốc gia đang phát triển, như Việt Nam cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội phát triển nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Ông Kỳ dẫn chứng, trong xu thể ngành sản xuất công nghiệp phải đối mặt với thách thức của robot hóa, thì kinh tế Việt Nam có nhiều tiềm năng khác để phát triển, nhất lả ngành nghề dịch vụ, với hơn 3.200 km bờ biển và 11 di sản phi vật thể và 15 di sản khác đã được UNESCO công nhận.

Riêng TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại văn hóa lớn của khu vực và cũng là thành phố thu hút nhiều nhà đầu tư, khách quốc tế, khách du lịch trong và ngoài nước. Ngành du lịch Thành phố cũng được xác định là một trong những ngành ưu tiên đầu tư phát triển, thành phố có nhiều doanh nghiệp lớn và những start up trong và ngoài nước của ngành du lịch hoạt động tại đây và các doanh nghiệp khá chủ động tiếp cận cách mạng 4.0, coi đây là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thay đổi tư duy khu vực Công thường chậm hơn khu vực Tư

Tuy nhiên, ông Kỳ cũng khẳng định đây cũng là một thách thức lớn nhất đối với cơ quan quản lý nhà nước, đó là chất lượng nguồn nhân lực, với những áp lực thay đổi cách tiếp cận hiện tại trong hoạch định và thực hiện chính sách, việc thay đổi tư duy và tác phong làm việc ở khu vực Công thường diễn ra khó khăn và chậm hơn so với khu vực Tư.

Tại buổi tọa đàm, ông Kỳ kiến nghị ngành Du lịch Thành phố cần có quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các Đề án đô thị thông minh và du lịch thông minh của Thành phố cần tích cực triển khai và ưu tiên để Đề án này đạt được những kỳ vọng như ban đầu, song song đó, Thành phố cần chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực để có thể tiếp cận, quản lý và vận hành hiệu quả bộ máy trong nền tảng công nghệ mới.

Hệ thống các quy định pháp luật để quản lý lĩnh vực du lịch cũng cẩn phải nghiên cứu, xây dựng theo hướng linh hoạt đón nhận và ủng hộ đổi mới, sáng tạo. Ngành du lịch Thành phố phải dự báo và đi trước một bước để có thể chuẩn bi đối phó, xử lý đối với những hảnh vi lợi dụng công nghệ gây thiệt hại, tác động xấu đến ngành du lịch. Thành phố cũng cần đặc biệt chú trọng đến an ninh mạng, cần thiết lập những cơ chế phòng thủ đủ mạnh để bảo đảm an toàn thông tin cho các dịch vụ thông tin có tính mở, tính công khai.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/du-lich-tp-ho-chi-minh-ngay-cang-duoc-khang-dinh-trong-ban-do-du-lich-khu-vuc-va-the-gioi-2018081601055797p0c77.htm