Du lịch và ẩm thực An Giang

Để du lịch (DL) ở một địa phương phát triển, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng những điều kiện cần và đủ thì một nhân tố rất quan trọng để giữ chân du khách chính là ẩm thực. DL kết hợp với những trải nghiệm văn hóa ẩm thực không chỉ mang đến cảm giác thú vị cho du khách, mà còn tạo cơ hội để địa phương phát triển kinh tế thông qua giới thiệu ẩm thực đến du khách.

Ảnh: THANH HÙNG

Nói về An Giang, tôi có thể tự hào nói với bạn bè phương xa rằng nơi đây có dãy Thất Sơn hùng vĩ, có những cánh đồng lúa mênh mông, có cây thốt nốt đẹp nhất vào mùa hái mật, có những cổ vật Phù Nam huyền bí. Tất nhiên, ẩm thực là một trong những phần hấp dẫn nhất không thể bỏ qua.

An Giang từ lâu nổi tiếng với nhiều món ăn gắn liền với các địa danh và luôn có sức hấp dẫn đối với thực khách. Đó là bánh canh Vĩnh Trung (Tịnh Biên), cháo bò, cơm bò- “đặc sản” vùng Bảy Núi, bánh xèo núi Cấm (Tịnh Biên) lôi cuốn thực khách bởi vô số loại rau rừng tươi ngon ăn kèm. Rồi còn là bánh canh tép Thoại Sơn, bánh bò Tân Châu, bún cá Châu Đốc hay bánh phồng Phú Mỹ (Phú Tân)…

Nhiều lắm nếu muốn gọi tên những món ẩm thực độc đáo quê tôi. Và, nhắc về An Giang, nổi lên gần đây với những ẩm thực khá độc đáo, vừa lạ, vừa quen như: gà đốt Ô Thum hay cơm tấm Long Xuyên. Dường như những cái tên ấy trở thành từ khóa khá “hot” trên google cho những ai muốn khám phá, trải nghiệm với đất và người An Giang.

“Năm vừa rồi, khi món gà đốt Ô Thum bắt đầu “nổi lên như một hiện tượng” trong làng ẩm thực, nhóm bạn của tôi ở tỉnh khác về chơi. Sau khi được tôi dẫn đi tham quan miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc), thăm thú chợ biên giới Tịnh Biên, thì ẩm thực mà tôi giới thiệu bạn bè mình chính là gà đốt Ô Thum (Tri Tôn). Hồ Ô Thum là một trong những điểm DL thu hút khá nhiều du khách thời gian gần đây ở huyện miền núi Tri Tôn. Có người còn ví von hồ Ô Thum là “tuyệt tình cốc”.

Đường đi dẫu có xa, với những người chưa đặt chân đến lần nào thì lắm lúc cũng bị lạc đường chứ chẳng đùa. Nhưng cảnh núi non ẩn hiện giữa những đám mây lơ lửng, hững hờ in bóng xuống lòng hồ trong xanh dường như đã giải tỏa hết những cơn nóng oi bức của cái nắng chói chang khi du khách đến thăm. Du khách đến đây không chỉ để ngắm cảnh non xanh nước biếc mà còn là để thưởng thức món gà đốt Ô Thum nổi tiếng trong dân gian. Tất nhiên, nhóm bạn của tôi cũng bị lôi cuốn ngay với cảnh và ẩm thực nơi đây!” - anh Nguyễn Minh Phụng (31 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) nhớ lại.

Gà đốt Ô Thum

Gà đốt Ô Thum mang ra còn nóng hổi, nguyên con và được kèm một cái kéo và đôi bao tay ny-lon để khách tự cắt gà. Đương nhiên nếu sợ không khéo tay, bạn có thể nhờ quán cắt gà dùm. Đồng thời, mỗi con gà sẽ được kèm theo một dĩa gỏi rau để ăn kèm. Điều tạo nên vị ngon của món gà đốt Ô Thum không chỉ ở nguyên liệu mà chính là “bí quyết” chế biến riêng của mỗi quán, vì nơi đây có đến hàng chục quán ăn với món “đặc sản” là gà đốt Ô Thum.

Ngoài các loại gia vị thường thấy như: muối, sả, ớt, tỏi thì lá chúc như một loại gia vị đặc biệt không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được của món ăn.

Chị Quế Quên (32 tuổi, du khách đến từ tỉnh Long An) chia sẻ: “Nghe mọi người truyền tai món gà đốt Ô Thum này đã từ lâu nhưng hôm nay mới có dịp thưởng thức. Quả là “danh bất hư truyền”. Con gà vàng giòn, dai nhưng không ngán, thơm vị đặc trưng của trái chúc được cộng hưởng với cách bày trí hấp dẫn và dĩa gỏi trộn ăn kèm thật quá ấn tượng. Nhìn dĩa gà đốt thơm ngon bày ra trước mắt thì có phải đi đoạn đường xa mấy cũng thấy xứng đáng!”.

Nói đến đây, bạn đã thấy ẩm thực của An Giang lôi cuốn chưa? Hay là để chúng tôi chia sẻ thêm về món ăn bình dân hơn nhưng sức hấp dẫn và độ “nóng” thì không hề kém cạnh món ngon nào khác - đó là cơm tấm Long Xuyên. Nói đến món ăn này, ai là người con của vùng đất Long Xuyên hẳn sẽ thấy rất tự hào! Nói không ngoa, nếu cơm tấm Long Xuyên không có gì đặc biệt thì đã không làm nhiều thực khách nao lòng rồi! Có người sẽ bảo là, cơm tấm thì ở đâu không có. Đúng là như vậy, nhưng dĩa cơm tấm bình dân của đất Long Xuyên vẫn làm nhiều người xuýt xoa.

Đầu tiên phải kể đến, cơm tấm ở đây được nấu bằng tấm nhuyễn. Cũng là các nguyên liệu như: bì, thịt, trứng cơ bản, nhưng cách nấu, cách bày trí và sự kỳ công ẩn chứa trong mỗi chén nước mắm là điều khiến người ta nhớ nhiều đến cơm tấm Long Xuyên nhất. Với giá bình dân, ta có thể ăn cơm lót dạ cho buổi sáng, chắc bụng cho buổi trưa, no nê cho bữa chiều tối. Vậy đó, những quán cơm tấm ở Long Xuyên lúc nào cũng đông khách. Về Long Xuyên mà chưa ăn cơm tấm coi như… chưa trọn vẹn.

Cơm tấm Long Xuyên

Cơm tấm bao gồm có sợi bì dai dai, thịt nướng hay thịt khìa tẩm ướp công phu với những công thức riêng biệt ăn kèm với trứng kho thơm phức và dưa món chua ngọt... thật kích thích vị giác.

“Tuyệt chiêu” nhất vẫn là chén nước mắm kẹo nẹo thơm lừng, không quá mặn, ngọt ngọt vừa phải, cũng không hăng vị tỏi. Điều thú vị là hầu như du khách chỉ có thể thưởng thức món ngon đặc sản này ngay tại Long Xuyên, chứ ít khi tìm thấy ở các vùng khác. Một dĩa cơm tấm bình dân trên đất Long Xuyên nhưng làm no lòng người, giúp ta hiểu thêm về ẩm thực vùng, miền và sự khác nhau của từng nơi thì tại sao lại không thử.

“Bạn bè tôi có dịp đi công tác về Long Xuyên, tôi thường giới thiệu cơm tấm ở đây vào những buổi ăn sáng. Trước là cơm tấm ngon, vừa miệng lại giúp chắc dạ, cho ta một ngày tràn đầy năng lượng. Sau là để tôi giới thiệu thêm về ẩm thực bình dị nhưng được nhiều người yêu thích ở xứ mình” - anh Trung Hiếu (37 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) bày tỏ.

Ẩm thực quê tôi nào phải món ngon gì xa lạ, chỉ là những nguyên liệu sẵn có nhưng qua sự sáng tạo và đôi tay khéo léo của người chế biến, món ăn bình dân đã nâng tầm, được nhiều người ưu ái gọi “đặc sản”. Thế mới nói, ẩm thực là một phần không thể thiếu trong phát triển DL, giữ chân và hẹn gặp lại du khách lần sau!

Bánh xèo núi Cấm

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/du-lich-va-am-thuc-an-giang-a290330.html