Du lịch Việt 'hồi sinh' sau Covid nhưng để bứt phá vẫn là... dấu hỏi

Trả lời ĐTTC, ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết kích cầu du lịch được xem là giải pháp tối ưu vào thời điểm này để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao.

Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận định thế nào về tình hình du lịch hiện nay?

Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH: - Thực tế, từ năm 2022 hoạt động du lịch trong cả nước đã sôi nổi trở lại. Trong đó, nổi bật nhất là sự vào cuộc hưởng ứng của các địa phương trong việc tổ chức nhiều sự kiện về du lịch để thu hút khách quay trở lại, cũng như có các chương trình kích cầu du lịch với các sản phẩm, hình thức đa dạng để hấp dẫn khách nội địa và quốc tế.

Ở đây, không thể không nhắc đến vai trò của doanh nghiệp (DN) du lịch đã chủ động kết nối lại thị trường, làm mới các sản phẩm, loại hình du lịch, cũng như làm mới hình ảnh và có những chương trình kích cầu hấp dẫn.

Vì vậy, kết thúc năm 2022 - năm đầu tiên chúng ta mở cửa trở lại ngành du lịch sau gần 3 năm đóng cửa vì đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, phân khúc khách du lịch nội địa có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí còn cao hơn năm 2019 - năm trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Trên đà tăng trưởng đó, những tháng đầu năm 2023 ngành du lịch đã thu được những kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến nay Việt Nam đã đón được khoảng 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt gần 50% so với kế hoạch cả năm 2023. Ngành cũng phục vụ khoảng 3,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, đạt khoảng 37% so với kế hoạch đề ra cho năm nay. Tổng doanh thu toàn ngành những tháng đầu năm đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, bằng khoảng 30% kế hoạch năm 2023.

Những chỉ số này cho thấy sự hồi sinh nhanh chóng của du lịch Việt Nam. Có được kết quả này, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ VH-TT-DL, sự phối hợp của các bộ, ngành và đặc biệt là sự vào cuộc hưởng ứng của các địa phương về phát triển du lịch, còn có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn về chính sách.

Đó là, chỉ trong vòng 3 tháng qua, Thủ tướng đã chủ trì 2 hội nghị toàn quốc về tăng cường thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, và hội nghị về đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch trong thời gian tới.

Ngày 18-5 vừa qua, Thủ tướng cũng đã ký ban hành Nghị quyết 82 về phát triển du lịch Việt Nam bền vững, với 7 nhóm giải pháp quan trọng và những định hướng cụ thể, sẽ là khung khổ pháp lý để du lịch các địa phương tăng tốc phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 đang diễn ra, trong các nội dung chương trình nghị sự của Quốc hội có cả việc xem xét điều chỉnh một số quy định trong một số luật có tác động đến ngành du lịch. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh một số văn bản pháp lý quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Xuất - Nhập cảnh để tạo thuận lợi hơn cho việc cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam, cũng như gia hạn thêm về thời gian lưu trú cho khách du lịch, hay áp dụng thị thực điện tử cùng một số cơ chế chính sách khác để tháo gỡ những khó khăn cho du lịch phát triển…

- Thời gian qua nhiều địa phương đã tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư và kết nối về du lịch. Vai trò chủ động kết nối du lịch của các tỉnh, thành có ý nghĩa thế nào với kích cầu du lịch nội địa, thưa ông?

- Vai trò của xúc tiến du lịch và nhất là kết nối du lịch giữa các địa phương, là giải pháp hữu hiệu nhất để kích cầu du lịch hiện nay. Nhiều địa phương đã có sự chuẩn bị rất kỹ, làm việc với Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch để phối hợp, thu hút, mời gọi các DN lữ hành đến khảo sát các tour, tuyến, điểm du lịch, quảng bá các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Trên cơ sở đó, các DN du lịch sẽ đề xuất với tỉnh, thành để có cơ chế thu hút khách du lịch, tạo nên những điểm nhấn, làm gia tăng lượng khách và thời gian lưu trú của khách trên địa bàn, tăng thêm nguồn thu cho địa phương.

Tôi cho rằng chính sách du lịch của địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Ở đây, các địa phương cần xác định loại hình nào, mô hình ra sao, phân khúc khách du lịch nhắm đến là gì. Từ đó đề ra các cơ chế, chính sách để ưu đãi, thu hút khách du lịch đến địa phương mình với những loại hình du lịch đặc thù đó.

- TPHCM được xem là một trong những trung tâm du lịch, là điểm đến hấp dẫn. Theo ông, để kích cầu du lịch, thời gian tới TP cần tập trung vào những biện pháp gì?

- Tôi đánh giá cao những nỗ lực tiên phong, thành công của ngành du lịch TPHCM trong phục hồi, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Hiện nay, TPHCM đang đi đầu trong liên kết với các vùng du lịch cả nước, phát huy vai trò là cực phát triển du lịch, ghi dấu ấn với công tác xúc tiến, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch của TP tới các vùng, miền trong nước và nhiều thị trường quốc tế.

Vừa qua, TPHCM đã tổ chức thành công Ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 19. Sự kiện này trở thành sản phẩm, điểm nhấn đặc sắc, quảng bá hình ảnh du lịch TPHCM.

Nghị quyết 82 của Chính phủ xác định rất rõ giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch, là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia, phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, hỗ trợ DN du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Do đó, TPHCM thời gian tới nên tập trung nguồn lực để quảng bá hiệu quả cho thương hiệu du lịch của mình, cùng với đó tăng cường liên kết với các vùng, miền, địa phương khác.

- Xin cảm ơn ông.

Du lịch TPHCM có lợi thế về hạ tầng, về các nền tảng sẵn có, đặc biệt là về thu hút khách quốc tế, tôi tin ngành du lịch TP sẽ đạt được những kết quả tốt.

Lưu Thủy (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/du-lich-viet-hoi-sinh-sau-covid-nhung-de-but-pha-van-la-dau-hoi-post105007.html