Du lịch Việt Nam cần những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới

Để du lịch Việt Nam lấy lại những gì đã mất trong 2 năm dịch bệnh, nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Diễn đàn du lịch cấp cao có chủ đề: “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”. Diễn đàn diễn ra ngày 8/9 tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 (ITE HCMC 2022).

Diễn đàn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức. Diễn đàn gồm 2 phiên: “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế” và “Du lịch MICE - Giải pháp phục hồi và phát triển”.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ và gửi lời cảm ơn đến các lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cả nước, bạn bè quốc tế đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp trong những thời khắc khó khăn do dịch bệnh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước đại dịch, du lịch thế giới đã tăng trưởng liên tục 10 năm, đóng góp 10,4% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam, năm 2019, du lịch tăng trưởng 16,5%, đóng góp 9,2% GDP, với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế, ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch thế giới bị thiệt hại rất nặng nề, ước tính khoảng 2.000 tỷ USD, 62 triệu việc làm bị mất. Khách quốc tế giảm 70%, khách trong nước giảm hơn 50%. Đến nay, du lịch thế giới đã từng bước phục hồi, có thêm 18 triệu việc làm, đóng góp khoảng 6,1% GDP toàn cầu. Với việc tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, một số nghiên cứu dự đoán đến hết năm 2023 du lịch thế giới mới đạt mức tăng trưởng như trước đại dịch.

Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được ban hành tháng 10/2021, cùng với việc nhanh chóng tăng tỉ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19, du lịch Việt Nam đã từng bước phục hồi, tiến tới mở cửa hoàn toàn vào ngày 15/3/2022, so với mục tiêu đặt ra trước đó là ngày 30/4/2022. Du lịch trong nước đã có bước khởi sắc rất tốt. Du lịch quốc tế đang từng bước phục hồi.

Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành du lịch, đã tranh thủ trong thời gian dịch bệnh để tập trung đổi mới sản phẩm, sửa sang cơ sở vật chất, nỗ lực vượt qua những khó khăn. Đó là cơ sở để Việt Nam tự tin thực hiện những giải pháp mở rộng, phát triển hơn nữa du lịch trong bối cảnh mới một cách an toàn, linh hoạt, mạnh mẽ.

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phục hồi du lịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương, doanh nghiệp cần có hỗ trợ cần thiết cho các lao động trong ngành du lịch quay trở lại; trợ giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá thể kinh doanh dịch vụ du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, qua đại dịch này cần xem lại toàn bộ các chính sách về phát triển du lịch để phát triển bền vững hơn.

“Trước đây khi nói du lịch bền vững, chúng ta thường chỉ quan tâm đến môi trường,… nhưng đại dịch vừa rồi là bài học xương máu là chúng ta phải làm sao có chính sách thật sự bền vững hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề nhân lực du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng phải huy động được các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo nguồn nhân lực. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, đề xuất cơ chế, báo cáo cấp thẩm quyền cho phép thí điểm những mô hình đào tạo mới.

Thứ hai là phát triển du lịch xanh tối đa để bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn. Trước hết là những sản phẩm, dịch vụ trong khu lưu trú bớt dùng đồ nhựa, đồ nylon, sau đó lan tỏa ra các khu dân cư xung quanh.

Thứ ba là đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số. Không chỉ việc giúp du khách tìm hiểu các sản phẩm, điểm đến, thanh toán các dịch vụ du lịch qua điện thoại thông mình, mà còn là số hóa các sản phẩm du lịch, các bảo tàng, di tích, điểm đến để du khách tìm hiểu thuận lợi trước khi đến.

Thứ tư là tăng cường kết nối hơn nữa giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, các quốc gia trong khu vực trên tinh thần cùng có lợi, không chỉ để phát triển du lịch, mà còn để cuộc sống của người dân thêm phong phú, nhiều trải nghiệm hơn.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Nhấn mạnh yêu cầu phải có các giải pháp mang tính đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chủ trì, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch để nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ rất cụ thể những khó khăn, vướng mắc.

"Trong lúc chưa sửa được luật thì xin làm thí điểm, chưa làm được toàn quốc thì làm ở những vùng có thế mạnh, vùng trọng điểm về du lịch. Có rất nhiều việc không chỉ ngành du lịch làm được như giá điện, thuế, đất đai, cấp thị thực nhập cảnh… nên rất cần sự chung tay của các bộ, ngành", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tất cả các khâu trong phát triển du lịch từ xúc tiến quảng bá, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm, nhân lực, xây dựng môi trường văn hóa… phải được thực hiện nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa nhằm lấy lại quãng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Việt Nam cần tận dụng lợi thế để phát triển du lịch MICE

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến trên toàn cầu ngày càng gay gắt, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.

“Trong bối cảnh thị trường du lịch dần sôi động trở lại, phát triển du lịch MICE đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp xác định là hướng đi chủ lực, tạo sức bật cho du lịch trên chặng đường phục hồi, phát triển sau thời gian dài trầm lắng do dịch bệnh. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm có khả năng đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp; liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch MICE.

Ông Martin Koerner, Chủ tịch Tiểu ban Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, nếu định vị Việt Nam là một trong những điểm đến MICE và điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, nên xem xét các điều chỉnh lập pháp quan trọng. Việt Nam có tất cả những gì du khách quốc tế đang tìm kiếm: lịch sử phong phú, thiên nhiên tươi đẹp, những thành phố sôi động và những người dân thân thiện, nồng ấm. Đây là những cốt lõi của ngành Du lịch.

Kết quả 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,4 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ gần 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 356 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và lao động quay trở lại hoạt động, làm việc trong lĩnh vực du lịch tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến nhận được lượng tìm kiếm tăng cao nhất thế giới, từ 50%-75%. Có thể khẳng định, ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, chủ động cấu trúc lại thị trường, qua đó từng bước phục hồi hoạt động toàn ngành.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-lich-viet-nam-can-nhung-giai-phap-dot-pha-manh-dan-thi-diem-cac-mo-hinh-co-che-moi-post714367.html