Du lịch Việt Nam kỳ vọng gì trong năm 2024?

Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Việc đặt mục tiêu cao kỳ vọng sẽ tạo động lực để du lịch Việt Nam bùng nổ, bứt phá trong thời gian sắp tới.

Năm 2023 khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng của du lịch Việt Nam. Hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực, hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Đây là tiền đề, cơ sở vững chắc để du lịch Việt Nam hướng tới những kết quả cao hơn nữa trong năm 2024.

DU LỊCH TĂNG TRƯỞNG NHANH, VƯỢT CHỈ TIÊU ĐẶT RA

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL, trong năm 2023, ngành Du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành một số chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi phát triển du lịch, tiêu biểu như Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Nghị quyết 127/NQ-CP của Chính phủ về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chủ trì 3 hội nghị quan trọng: Hội nghị "Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam" (tháng 12/2022); Hội nghị toàn quốc về du lịch (tháng 3/2023); Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững (tháng 11/2023). Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục kéo dài chính sách ưu đãi giảm lệ phí cấp phép và cấp thẻ hướng dẫn viên cho đối tượng doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn theo Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023. Đồng thời, năm 2023, doanh nghiệp lữ hành vẫn tiếp tục giảm 80% tiền ký quỹ theo Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021.

Với những chỉ đạo đó, cùng sự nỗ lực, cố gắng của Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2023, hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,6 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt) của năm. Khách du lịch nội địa ước đạt 108,2 triệu lượt, vượt 6,0% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 678,3 nghìn tỷ đồng, vượt 4,35% so với kế hoạch năm 2023.

Hình ảnh Du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á" lần thứ 4. Tại lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới"; nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá khác.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản quản lý nhà nước được xác định là một trong những trọng tâm triển khai trong giai đoạn phục hồi. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được tham mưu rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời. Công tác quản lý hoạt động lữ hành; quản lý khu, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch được diễn ra thường xuyên, liên tục; Công tác xúc tiến, quảng bá được tập trung đẩy mạnh; Công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch diễn ra mạnh mẽ...

Đến nay cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022), với nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng hơn. 37.331 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ; 573 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 07 khu du lịch cấp quốc gia được công nhận; 90 cơ sở đào tạo được ủy quyền cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Về cơ sở lưu trú cả nước hiện có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 780.000 buồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, năm 2023 hoạt động du lịch cũng còn tồn tại một số hạn chế. Một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên không còn phù hợp với thực tiễn. Thiếu cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao. Doanh nghiệp trong ngành nhìn chung có quy mô nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh trong khu vực còn hạn chế. Đáng chú ý, vẫn còn hiện tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch (kinh doanh không có giấy phép, kinh doanh không đủ điều kiện theo quy định pháp luật, vi phạm về điều kiện ký quỹ, người điều hành, quảng cáo sai sự thật…).

MỤC TIÊU CAO, THÁCH THỨC LỚN ĐỂ TẠO ĐỘT PHÁ

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2023 du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, dẫu vậy đến hết tháng 10 chúng ta đã vượt kế hoạch đề ra và tăng 17% so với năm ngoái. Với khoảng 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã cao gấp hơn 1,5 lần so với chỉ tiêu đặt ra ban đầu (8 triệu lượt) và hoàn thành mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt) của năm 2023.

Tuy nhiên, dù năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng cao, vượt chỉ tiêu ban đầu đặt ra nhưng so với năm 2019, mới chỉ tương đương 69%. Chính vì vậy, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mạnh dạn đề xuất với Bộ VHTTDL đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, phục hồi hoàn toàn như trước dịch Covid-19 (năm 2019).

Ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, Du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế, cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra:

1. Thứ nhất, về tình hình trong nước, chúng ta đảm bảo sự ổn định chính trị, đó là điều kiện quan trọng, tiên quyết. Bên cạnh đó, chúng ta có một môi trường thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh du lịch đang rất sáng so với khu vực và trên thế giới.

2. Thứ hai, chúng ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa đa dạng, phong phú, được quốc tế công nhận. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, là tiền đề để chúng ta thúc đẩy phát triển du lịch.

3. Thứ ba, du lịch Việt Nam trong năm qua đã được quốc tế ghi nhận với rất nhiều giải thưởng. Đó là sự đánh giá rất cao của các tổ chức quốc tế cho sự đóng góp của du lịch Việt Nam với du lịch thế giới. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian tới và thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế, bởi việc được các tổ chức quốc tế ghi nhận sẽ giúp cho các quốc gia khác tin tưởng và ưu tiên lựa chọn gửi khách sang Việt Nam.

Ngoài ra, trong năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa việc xúc tiến, quảng bá du lịch đến thị trường quốc tế. Trong đó, sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương trong nước để tạo ra các sản phẩm chất lượng có thể đem đi xúc tiến, quảng bá.

Nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải có sự vào cuộc của tất các các ngành và có sự liên kết, thống nhất của các cơ quan, các địa phương, ông Phạm Văn Thủy cho rằng, nếu các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, cùng với Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nỗ lực để tạo dựng được hình ảnh du lịch Việt Nam hấp dẫn thì mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 là hoàn toàn khả thi.

Đánh giá về mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2024, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt được con số 18 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số hợp lý, đảm bảo tính khả thi. Nếu đặt mục tiêu thấp, quá "an toàn" sẽ có thể làm giảm động lực phát triển. Việc đặt ra mục tiêu cao, thách thức lớn cũng sẽ tạo động lực để toàn ngành du lịch nỗ lực hơn trong năm 2024.

Thực chất con số 18 triệu mới chỉ bằng con số chúng ta đã đạt được trong năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, do vậy, du lịch Việt Nam có nhiều cơ sở, điều kiện để đạt được con số này trong năm 2024. Trong giai đoạn cuối năm 2022, nhờ việc "cởi nút thắt" về visa, các biện pháp tháo gỡ khó khăn của du lịch, cùng với sự phục hồi chung của du lịch thế giới, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ để vượt chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023.

Chính vì vậy, để đạt được cũng như vượt xa hơn nữa mục tiêu mới đề ra, bên cạnh những công việc đang làm, ngành du lịch cần chú trọng hơn nữa việc truyền thông, quảng bá về những chính sách mới để tạo hiệu ứng giúp tiếp cận các thị trường tốt hơn, bên cạnh đó, tạo ra các sản phẩm du lịch thực sự đặc sắc, hấp dẫn nhất là du lịch đêm để từ đó thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hơn.

Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/du-lich-viet-nam-ky-vong-gi-trong-nam-2024-20240206121939683.htm