Du lịch Việt Nam sẽ còn gặp khó chừng nào khách vẫn mất 2 tiếng để nhập cảnh

Ở Việt Nam, nhiều người không thích làm trong ngành dịch vụ và không nhìn thấy sự ổn định, chính vì vậy chất lượng của lao động ngành du lịch còn nhiều vấn đề.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày hôm nay, không ít ý kiến bày tỏ quan ngại khi mà chỉ hai thị trường nguồn, riêng Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm hơn 50% tổng số khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam.

Theo trưởng nhóm công tác du lịch tại VBF, Việt Nam đã tăng 8 bậc về năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch nhờ chỉ số phê chuẩn hiệp ước môi trường tăng mạnh, tuy nhiên nhiều chỉ số khác giảm, ví như chỉ số thực thi phát triển môi trường giảm 23 bậc, mức độ nghiêm ngặt của quy định môi trường giảm 11 bậc, thay đổi độ che phủ của trường giảm 10 bậc.

Như vậy nhiều điểm đến du lịch của Việt Nam đang đối diện với rủi ro về môi trường trong khi điều này không phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch.

Qua du lịch sinh thái, phát triển thành phố thông minh, Việt Nam cần đa dạng hóa điểm đến du lịch. Các chính sách đầu tư cho ngành du lịch cần thực thi để đảm bảo cho tính bền vững, tài sản di sản. Các cơ quan quản lý cần nhận thức được giá trị của tài sản du lịch và tính mong manh của tài sản di sản.

Ở Việt Nam, nhiều người không thích làm trong ngành dịch vụ và không nhìn thấy sự ổn định, chính vì vậy chất lượng của lao động ngành du lịch còn nhiều vấn đề. Giáo dục đào tạo cần phải thay đổi điều này, ban đầu một người có thể chỉ đóng mở cửa khách sạn nhưng vẫn có tiềm năng trở thành giám đốc, chủ tịch tập đoàn. Tức là ngành du lịch – khách sạn hoàn toàn mang đến cơ hội việc làm bền vững và cơ hội thăng tiến

Hầu hết các cơ quan đã có kinh nghiệm quản lý nhưng cần phải cải thiện hơn nữa về nhiều mặt. Trước tiên chuyên gia cho rằng cần cải thiện hạ tầng ví như sân bay, thế nhưng trước khi giải quyết vấn đề lớn, cần chọn vấn đề dễ hơn giải quyết trước từ những vấn để nhỏ, ví dụ như tăng cường dịch vụ cho khách tự làm, giảm thời gian xếp hàng cho khách khi mà nhiều người phàn nàn họ phải chờ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ chỉ để nhập cảnh.

Đại diện các nhóm công tác tại diễn đàn VBF ngày hôm nay

Còn theo ông Fred Burke, trưởng nhóm đầu tư & thương mại tại VBF nhận xét ngày hôm nay, Việt Nam đã có cam kết về mở cửa ngành dịch vụ từ năm 2007 sau khi gia nhập WTO. Từ đó đến nay, nhiều loại hình dịch vụ mới được cung cấp.

Ngành năng lượng tái tạo cũng đã mở cửa chào đón nhà đầu tư nước ngoài, ngoài ra có một số dự án năng lượng để tăng cung năng lượng cho Việt Nam. Cần phải hướng đến cam kết bảo vệ nhà đầu tư. Trong quá trình chuyển đội, có rất nhiều yêu cầu chứng chỉ, xác nhận, cần phải làm thế nào để xem xét sửa đổi các quy định đó. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cần phải sửa đổi quy định liên quan đến lao động và việc làm, ví như hiện tại ký hợp đồng lao động chỉ trong thời hạn 2 năm và chỉ được gia hạn 1 lần.

Philipps Dowler, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Australia (AusCham), khen Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết từ hiệp định thương mại đã ký kết. Ông chỉ ra Việt Nam đã thể hiện cam kết của mình với thương mại tự do thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Các hiệp định thương mại đã đạt được có độ bao phủ rất lớn.

Tuy nhiên Việt Nam chỉ có thể phát huy được tối đa tác dụng của các hiệp định nếu mọi việc được thực hiện đúng lúc. AusCham hoan nghênh nghị định 57, thông tư 62. Cần khuyến khích các công ty sử dụng chứng nhận xuất xứ CPTPP. Ông Dowler cho biết doanh nghiệp của Australia gặp khó khăn trong việc chứng minh không nợ đọng thuế. Nhiều doanh nghiệp có thể phải phá sản. Vì vậy ông cho rằng Việt Nam cần phải xem xét lại quy trình đánh thuế tiêu tốn thời gian, công sức của doanh nghiệp và cơ quan thuế.

NGỌC DIỆP

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/du-lich-viet-nam-se-con-gap-kho-chung-nao-khach-van-mat-2-tieng-de-nhap-canh-3532515.html