Du lịch Việt Nam vượt khó để tăng trưởng

Số liệu chính thức từ Tổng cục Du lịch cho thấy, năm 2019, ước tính số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 đạt hơn 18 triệu lượt khách, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018; khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt khách, trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018…

Nhìn lại một năm 2019 để thấy ngành du lịch đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa đột phá. Đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam tăng chậm do diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Điều này đã tác động đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành du lịch. Những tháng cuối năm 2019 là thời điểm để vươn đến mục tiêu đạt 18 triệu lượt khách quốc tế. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: "Việc mỗi tháng đạt được 1,8 triệu lượt khách quốc tế trong hai tháng liên tiếp là thành tích ấn tượng. Đến hết tháng 9-2019, tôi vẫn không dám mong đạt được 18 triệu mà chỉ nghĩ tới con số 17,5 triệu lượt khách quốc tế cả năm 2019".

Khách du lịch tham quan Yên Tử (Quảng Ninh). Ảnh: HÒA BÌNH.

Những kết quả này không đến tự nhiên mà là một quá trình ngành du lịch đã nỗ lực thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong chủ động, đổi mới quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa và tổng thu về khách du lịch năm 2019. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2019 và trong các năm liên tiếp 2016-2019 đạt 22%/năm. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Chất lượng dịch vụ du lịch cải thiện đáng kể. Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tiếp tục làm thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, góp phần hình thành nhiều khu du lịch đẳng cấp quốc tế. Một số doanh nghiệp du lịch bước đầu thành lập các hãng hàng không tạo sự liên kết, phát triển mạnh mẽ giữa du lịch-hàng không. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm đến liên tiếp lọt vào danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do những hãng thông tấn và tạp chí uy tín bình chọn... Bên cạnh đó, sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò quan trọng của kinh tế du lịch tạo điều kiện cho phát triển du lịch, trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Các địa phương trong cả nước, nhất là nhiều tỉnh trọng điểm về du lịch đã có những chính sách, giải pháp cụ thể, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, như: Chưa tạo được sản phẩm mang thương hiệu quốc gia; môi trường du lịch còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; công tác xúc tiến, quảng bá còn thiếu bài bản; nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo còn thiếu... Do đó, nhiệm vụ năm 2020 ngành du lịch đặt mục tiêu đạt 20,5 triệu lượt khách là một nhiệm vụ rất khó khăn so với năm 2019 và cần một sự nỗ lực lớn đến từ các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Du lịch cũng như người làm du lịch nói chung. Trong năm 2020, Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường công tác đổi mới về nhận thức, cách làm, cách tiếp cận và đổi mới về phương pháp để đạt mục tiêu này.

MINH HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/du-lich-viet-nam-vuot-kho-de-tang-truong-606610