Du lịch vừa kích cầu đã tạm dừng

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), chương trình kích cầu du lịch mới khởi động hồi giữa tháng 2 đã phải tạm thời dừng lại. Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch từ những tháng đầu năm 2020 này.

Hàng loạt hàng quán, khách sạn... tại phố Đinh Liệt, nơi thu hút nhiều du khách nước ngoài tại Hà Nội đã đồng loạt đóng cửa.

Hàng loạt hàng quán, khách sạn... tại phố Đinh Liệt, nơi thu hút nhiều du khách nước ngoài tại Hà Nội đã đồng loạt đóng cửa.

NDĐT - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), chương trình kích cầu du lịch mới khởi động hồi giữa tháng 2 đã phải tạm thời dừng lại. Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch từ những tháng đầu năm 2020 này.

Hàng loạt địa phương công bố dừng đón khách

Liên tiếp trong những ngày qua, các địa phương đang có ngành kinh tế du lịch phát triển mạnh trong nước đều lần lượt đưa ra các thông báo tạm dừng đón khách, tạm dừng bán vé tham quan. Sớm nhất có lẽ là Quảng Ngãi. Từ ngày 9-3, Lý Sơn đã dừng cấp phép cho du khách nước ngoài ra đảo, khuyến khích khách du lịch đang ở đảo sớm trở về đất liền và không thực hiện thủ tục cho người Việt đi du lịch Lý Sơn cho đến khi có thông báo tiếp theo. Trước đó một ngày, ngày 8-3, Hải Phòng đã có yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động nghỉ đêm trên biển đối với tàu du lịch và khuyến cáo hạn chế khách nước ngoài đối với các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn trong địa bàn. Sau đó hai ngày, vào ngày 10-3, Hải Phòng tiếp tục thông báo ngừng nhận khách du lịch đến Cát Bà.

Tỉnh Quảng Nam công bố dừng nhận khách lần lượt đối với từng điểm du lịch: ngày 10-3 là Cù Lao Chàm, 12-3, tạm dừng bán vé tham quan khu phố cổ và ngừng hoạt động phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ trong khu phố cổ Hội An. Trước đó, các địa điểm như rừng dừa Bảy Mẫu, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế đều đã ngừng nhận du khách. Tiếp đó, ngày 13-3, chính quyền thành phố Hội An đã có công văn gửi các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố, đến Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, khuyến cáo chủ cơ sở lưu trú chủ động từ chối và hạn chế đón khách nước ngoài.

Còn tại Khu Di sản thế giới Mỹ Sơn, Ban quản lý cũng đã quyết định đóng cửa, không đón khách từ 0 giờ ngày 16-3.

Cũng ngày 12-3, tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định tạm dừng dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, dừng đón khách tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, trên các đảo thuộc vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn; đồng thời dừng hoạt động của các khu di tích lịch sử danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh.

Muộn hơn một chút, Phú Yên ngày 13-3 đã thông báo m dừng hoạt động tham quan tại các di tích lịch sử-văn hóa và các danh lam thắng cảnh trên toàn tỉnh; đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng… theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tương tự, cũng trong ngày 13-3, Ninh Bình công bố tạm dừng đón du khách tại tất cả các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn. Đồng thời Ninh Bình cũng khuyến cáo các khách sạn, cơ sở lưu trú trong tỉnh ngừng đón du khách đến từ vùng dịch.

Ngày 14-3, đến lượt Thừa Thiên Huế tạm dừng hoạt động tham quan tại các di tích lịch sử-văn hóa và các danh lam thắng cảnh trên toàn tỉnh kể từ chiều ngày 14 cho đến khi có thông báo tiếp.

Một địa phương có di sản thế giới khác là Quảng Bình cũng đã có quyết định tạm dừng đón khách tham quan, du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn từ 0 giờ sáng 17-3. Quảng Bình là điểm đến yêu thích của nhiều du khách châu Âu, Mỹ với các tour du lịch thám hiểm hang động, khám phá thiên nhiên. Những hoạt động này sẽ được lùi lại vào thời điểm dịch bệnh đã được đẩy lùi, hoặc thậm chí sang năm 2021 nếu cần. Và tiếp sau Quảng Bình là An Giang cũng đã chính thức có thông báo tạm dừng đón du khách nước ngoài tham quan, du lịch và lưu trú trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 0 giờ gnày 15-3 cho đến khi có thông báo mới.

Phá sản chương trình kích cầu

Vào giữa tháng 2, Liên minh kích cầu du lịch gồm Hiệp hội du lịch Việt Nam, đại diện các hãng lữ hành lớn, hãng không, khách sạn, các hiệp hội du lịch địa phương… được thành lập với mục đích kích cầu du lịch, thúc đẩy ngành du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chương trình kích cầu tỏ ra rất có hiệu quả khi hàng loạt tour tháng 3 đã được bán hết, các tour trong các tháng 4, 5 được bán hết tới 70%. Tuy nhiên, kể từ khi Hà Nội có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và bắt đầu có những tác động xấu tới du lịch.Khách hủy tour, điểm du lịch dừng đón khách, dịch vụ tại điểm đến không bảo đảm phục vụ dukhách, tâm lý khách lo lắng khi di chuyển..., tất cả những lý do này đã khiến cho chương trình kích cầu du lịch phải tạm thời dừng lại.

Tình hình dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý du khách trong thời gian này. Số lượng du khách hủy tour, hủy phòng ở các địa phương liên tục tăng cao. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ cuối tháng 1 tới cuối tháng 2, có tới 20 nghìn lượt du khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội. Tại các cơ sở lưu trú và điểm đến, khách đều giảm tới 50%. Đặc biệt kể từ đầu tháng 3, khi bệnh nhân số 17 xuất hiện, thì công suất của các khách sạn, cơ sở lưu trú đã giảm xuống rất thấp. Nhiều địa điểm tham quan, di tích đã đóng cửa để bảo đảm an toàn trong mùa dịch. Tâm lý khách cũng lo sợ khi đi chuyển bằng các phương tiện vận tải công cộng cho nên số lượng khách hủy vé máy bay, hủy xe cũng giảm đáng kể.

Theo Tổng cục Thống kê, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 (21-1-20-2) ước tính đạt hơn 1,24 triệu lượt, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong hai tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 3,23 triệu lượt, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng thấp nhất của hai tháng trong giai đoạn 2016-2020…

Năm 2020 được đánh giá là một trong những năm khó khăn nhất đối với ngành du lịch. Trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, ước tính số lượng khách du lịch lưu trú tại khách sạn nói chung giảm 60%, ngành du lịch thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Điều mà các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch cần nhất hiện nay, là những giải pháp hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho du lịch trong thời điểm khó khăn này.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/du-lich/tin-tuc/item/43633702-du-lich-vua-kich-cau-da-pha-san.html