Du lịch Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết để mạnh hơn

Liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, địa phương với địa phương sẽ tạo nên sức bật cho ngành du lịch của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Hội đủ tài nguyên, thế mạnh

Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng kinh tế - xã hội trọng điểm của cả nước, cửa ngõ ở phía biển Đông với thế giới và là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Nơi đây, tập trung nhiều tài nguyên du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch phong phú, đa dạng.

Đến đây, du khách sẽ được đến Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Cát Bà (Hải Phòng), Bái Tử Long (Quảng Ninh) với hệ sinh thái đa dạng. Những suối khoáng nóng có tác dụng chữa bệnh như: Kênh Gà (Ninh Bình), Quang Hanh (Quảng Ninh)…; những hang động kỳ thú như: Hương Sơn (Hà Nội), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), Thiên Cung (Quảng Ninh)… hay các bãi biển nổi tiếng như: Ti Tốp, Trà Cổ (Quảng Ninh), Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng), Quất Lâm, Hải Thịnh (Nam Định)...

Bên cạnh đó, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa với hàng ngàn đình, đền, chùa, miếu mạo cùng kho tàng kiến trúc, mỹ thuật độc đáo như chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Bút Tháp, đền Đô (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)… cũng khiến bao du khách phải trầm trồ. Đây cũng là quê hương của nhiều lễ hội truyền thống điển hình như lễ hội đền Trần, hội Gióng, hội Lim, lễ hội chùa Hương... cùng nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như chèo, quan họ, hát văn, tuồng, múa rối nước...

Đặc biệt, vùng này có rất nhiều di sản thế giới đã được UNESCO công nhận như: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội), Ca trù và Quan họ Bắc Ninh.

Phải xác định những giá trị cốt lõi và những hệ giá trị khác mà vùng đã có hoặc tạo lập mới để phát triển, duy trì. Những giá trị đặc trưng, riêng có của mỗi vùng là cơ sở để hình thành các chuỗi giá trị đặc trưng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng.

- TS. Trần Huy Đức, Khoa Du lịch và khách sạn, Trường đại học Kinh tế Quốc dân

Ngoài những tài nguyên kể trên, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel còn cho rằng, Vùng đồng bằng sông Hồng có ẩm thực đa dạng, phong phú với nhiều món ngon vang danh khắp trong và ngoài nước.

Về hạ tầng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh có cảng hàng không quốc tế. Cùng với đó, hệ thống giao thông trong Vùng đồng bộ, kết nối rất thuận tiện giữa thị trường khách, điểm trung chuyển và điểm đến du lịch. “Đây là những những lợi thế rất lớn so với các vùng khác”, ông Tài nhấn mạnh.

TS. Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch nhận định, sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch toàn cầu Covid-19, năm 2022, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc vẫn khẳng định được sức hút với khách du lịch, đã đón tiếp và phục vụ hơn 2,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hơn 51,6 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch là hơn 94.000 tỷ đồng, chiếm 21% doanh thu du lịch trên toàn quốc.

Hiện nay, các hãng lữ hành đã và đang khai thác rất nhiều sản phẩm du lịch trong Vùng với nhiều tuyến tour đa dạng gồm cả đích điểm như tour khám phá Hạ Long, tour ẩm thực và nghỉ dưỡng.

Điều phối liên kết vùng

Tuy nhiên, các kết quả kể trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Vùng. Hiện, sản phẩm du lịch còn trùng lặp, thiếu sản phẩm du lịch đặc thù. Hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng chưa cao. Sản phẩm vui chơi, giải trí nghèo nàn. Thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao…

Để ngành kinh tế xanh Vùng đồng bằng sông Hồng gia tăng được giá trị và trở thành điểm đến toàn cầu, CEO Nguyễn Văn Tài cho rằng, toàn Vùng cần nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến địa phương như môi trường an toàn, xanh sạch, cơ sở phục vụ du lịch đa dạng hơn như khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, quản lý triệt để các vấn nạn chặt chém, lừa đảo du khách. Đầu tư duy tu và trang trí các điểm thăm quan hợp lý đảm bảo giá trị bảo tồn và gia tăng thẩm mỹ ở những khu vực lân cận.

“Cần quốc tế hóa về truyền thông tiếp thị bằng cách mở rộng phạm vi marketing đến được nhiều nước trên thế giới, nhất là những thị trường mục tiêu”, ông Tài nhấn mạnh.

Vùng đồng bằng sông Hồng cũng cần tăng cường công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ du khách tốt nhất mang lại sự hài lòng và tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách. Tạo cơ chế và khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch lữ hành, các cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi giải kinh doanh hiệu quả làm đa dạng nguồn cung dịch vụ cao cấp đáp ứng nhu cầu của du khách.

Cùng với đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch cho rằng, thời gian tới, các cấp, các ngành cần hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách để điều phối liên kết vùng hiệu quả. Đồng thời, đổi mới mô hình tăng trưởng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường kinh doanh du lịch. Mặt khác, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển hạ tầng y tế, văn hóa, thể thao, công nghệ thông tin đồng thời với phát triển đội ngũ nhân lực; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vùng.

Để phát huy hiệu quả liên kết vùng, hoạt động liên kết du lịch trong phải có sự đồng thuận cao giữa các địa phương, có kế hoạch trung hạn, dài hạn trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và toàn vùng. Cần có hoạt động thường niên để tổng kết hoạt động liên kết du lịch trong vùng, kịp thời điều chỉnh một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình khai thác điểm đến ở các địa phương khác nhau.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-lich-vung-dong-bang-song-hong-lien-ket-de-manh-hon-d183416.html