Du lịch xanh Cô Tô

Năm 2019, Cô Tô xây dựng chủ đề công tác là 'Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ du lịch; cải thiện cảnh quan đô thị, nông thôn'; trong đó tiếp tục đưa ra chỉ tiêu phấn đấu cho ngành mũi nhọn dịch vụ từ 50-60%.

Những ngày cao điểm, khách du lịch đến Cô Tô còn nhiều hơn dân số toàn huyện (hơn 6.800 nhân khẩu). Vì vậy, bên cạnh những giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp hơn, huyện đặc biệt coi trọng công tác vệ sinh môi trường, bởi lượng rác xả thải rất lớn. Huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở kinh doanh phục vụ du lịch, doanh nghiệp, người dân và du khách chung tay bảo vệ môi trường, nhất là tại các bãi biển. Đây là một giải pháp và là mục tiêu sống còn để huyện phát triển du lịch bền vững.

Trồng cỏ tạo màu xanh trước khu vực Khu Di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô.

Trên địa bàn huyện Cô Tô có nhiều bãi biển đẹp, như Hồng Vàn, Vàn Chảy, Cô Tô con, nằm ở xã Đồng Tiến; các bãi biển Ba Châu, Hải Quân nằm ở xã Thanh Lân; nhiều bãi biển khác có thể khai thác du lịch nằm rải rác trên địa bàn huyện. Từ đầu năm 2018, Cô Tô đã đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng theo Quy chế quản lý bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 2526/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh) để xây dựng bãi tắm du lịch Vàn Chảy, hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên nơi bãi biển, có một đơn vị thu gom, xử lý rác thải hằng ngày.

Bên cạnh đó, vào những tháng cao điểm du lịch, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ làm nòng cốt, thường xuyên tổ chức ra quân (năm 2018 có 27 đợt ra quân) dọn vệ sinh môi trường tại các bãi biển, điểm du lịch, khu trung tâm. Các đơn vị chức năng sắp xếp vị trí neo đậu tàu thuyền của ngư dân về cuối bãi Vàn Chảy, cách khu vực bãi tắm 300m; chỉnh sửa hệ thống biển hiệu, nội quy bãi tắm, biển chỉ dẫn, phao tiêu, cờ chỉ giới để du khách dễ nhận biết. Từ đó tạo ấn tượng với du khách với các bãi biển sạch, đẹp, thân thiện môi trường.

Mô hình homestay thân thiện môi trường ở Cô Tô được nhiều du khách lựa chọn.

Du lịch xanh mang tính bền vững ở Cô Tô còn được thể hiện qua mô hình homestay. Trên địa bàn huyện hiện có 70 nhà phát triển theo hướng này. Đây là hình thức nghỉ ngơi và sinh hoạt của du khách với người dân bản địa ngay chính trong nhà của họ. Du khách sẽ khám phá thêm về nếp ăn ở, sinh hoạt nơi mình đến. Du khách cũng đi bắt ốc, đánh hà ngoài bãi, theo ngư dân đi đánh cá ngoài biển. Đôi khi họ lại tự nấu ăn, thưởng thức món ăn từ các sản phẩm mình thu được sau cuộc trải nghiệm. Mô hình này giúp người dân có ý thức giữ gìn môi trường hơn, vì nếu môi trường không tốt, nguồn hải sản cạn kiệt thì khó phát triển được du lịch.

Mô hình nhà Bugalow của chị Vũ Thị Chuyên (thôn Nam, xã Đồng Tiến) cũng được nhiều du khách tìm đến.

Cùng với việc tạo ấn tượng nơi bãi biển, nhiều dịch vụ thân thiện khác cũng tạo nhiều hứng thú cho du khách khi đến du lịch tại Cô Tô. Xã Đồng Tiến còn nổi bật với mô hình nhà Bungalow năng động và gần gũi với thiên nhiên. Đây là kiểu nhà có nguồn gốc từ Ấn Độ vào thế kỷ XVII, diện tích nhỏ, riêng biệt, cơ cấu và các tính năng khá đơn giản, nhưng đầy đủ tiện nghi cho một phòng nghỉ. Mỗi nhà chỉ có 1 phòng thích hợp với 2 người, có mái hiên rộng. Xung quanh nhà nghỉ có vườn hoa hay vườn cây để tạo không gian cho du khách thích gần gũi với thiên nhiên. Ở thôn Hồng Vàn (xã Đồng Tiến) còn có mô hình nhà nghỉ từ các toa container cũ. Anh Đoàn Văn Thành, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Thủy Hoàng, chủ của mô hình nhà nghỉ container, cho biết: “Khu hiện có 12 phòng nghỉ container luôn có khách đặt trước. Những toa container loại ra môi trường tự nhiên rất khó xử lý, nhưng khi đưa vào áp dụng mô hình nhà nghỉ, nhiều du khách lại rất thích”.

Đường dẫn lên Hải đăng Cô Tô luôn dập dìu du khách.

Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, Cô Tô tập trung phát triển, nâng cao tỷ trọng và chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ du lịch. Cuối năm 2018, huyện khánh thành Khu dịch vụ thương mại huyện Cô Tô, được xây dựng khang trang trên diện tích 1,3ha, gồm 88 ki ốt bán hàng tạp hóa; ngoài ra còn khu đất trên 1.000m2 bố trí bán hàng hải sản. Trên những đường phố của thị trấn, người dân mở nhiều dịch vụ bán hàng. Đầu tháng 4 vừa qua, Hội Du lịch Cô Tô lần đầu tiên tổ chức chương trình Famtrip gặp gỡ các công ty lữ hành. Tại chương trình Famtrip, giữa các công ty lữ hành và Hội Du lịch Cô Tô đã thống nhất thông tin với nhau qua hệ thống mạng để tìm hiểu về hệ thống dịch vụ...

Anh Vũ Thanh Minh, Chủ tịch Hội Du lịch Cô Tô, cho biết: Phát triển tốt các dịch vụ trên đảo không chỉ tạo nhiều việc làm cho người dân Cô Tô, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chương trình Famtrip gặp gỡ các đơn vị lữ hành, sau đó họ là những người tuyên truyền cho du khách về dịch vụ của Cô Tô hiện nay. Du khách khi lên đảo không cần phải mang theo thực phẩm, nước uống từ đất liền rất mất công, tốn kém, vì hiện nay các dịch vụ đã phát triển tốt trên đảo với giá cả cạnh tranh ngang bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn chút ít so với đất liền. Dịch vụ phát triển tốt giúp hạn chế tối đa lượng chai lọ, túi nilon... từ đất liền mang ra, quản lý tốt hơn an toàn thực phẩm trên đảo.

Cô Tô chú trọng phát triển du lịch tham quan các di tích lịch sử trên đảo.

Cô Tô đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc khác phù hợp với địa phương, như: Du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp chữa bệnh, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện, tổ chức gala dinner, hoạt động xã hội, từ thiện...), du lịch tâm linh. Huyện đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị trong phát triển các sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết với các ngành, lĩnh vực liên quan hỗ trợ trực tiếp phát triển du lịch như: Nông nghiệp (khai thác, chế biến thủy sản là chủ đạo); giao thông vận tải (đầu tư hạ tầng giao thông đối ngoại; đường nội đảo, hạn chế các loại xe cơ giới sử dụng nhiên liệu đốt, khuyến khích đầu tư các phương tiện thân thiện với môi trường như xe ô tô điện, xe đạp); xây dựng (công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng phù hợp với từng vùng, địa điểm để tạo bộ mặt đô thị sinh thái biển hài hòa, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên).

Bên cạnh đó, huyện chú trọng đầu tư khôi phục và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn, di tích lịch sử (các hạng mục ruộng khoai, đồng muối, nhà lưu niệm Bác Hồ thuộc Khu Di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô, di tích lịch sử Đồn Cao). Đây là các điểm du lịch khai thác mang tính bền vững, giúp người dân hiểu thêm về lịch sử địa phương mình, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201904/du-lich-xanh-co-to-2438776/