Dư luận TQ phẫn nộ vì nhân viên y tế bỏ mặc sức khỏe để làm việc

Truyền thông Trung Quốc đã ra sức ca ngợi sự hy sinh hết mình của đội ngũ y tế trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc tuyên truyền quá mức là một sai lầm.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc trong chiến dịch virus corona đã liên tục khen ngợi sự hy sinh hết mình cho công việc của các nữ y tá.

Tuy nhiên, cộng đồng mạng và giới chuyên gia trong một số trường hợp đã chỉ trích tuyên truyền quá mức đồng nghĩa với việc “làm nhục” các nhân viên y tế, theo South China Morning Post.

Đài truyền hình trung ương bị “ném đá”

Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hồi tuần trước khi ngợi ca một y tá đang mang thai tháng cuối là một “bà mẹ tuyệt vời” hay “thiên thần khoác áo blouse trắng”, vì cô vẫn bám trụ công việc trong khoa cấp cứu của một bệnh viện quân đội ở Vũ Hán, tâm dịch viêm phổi Covid-19.

Y tá Zhao Yu được truyền thông ca tụng vì vẫn miệt mài làm việc trong 20 ngày trước cuối trước khi sinh. Theo truyền thông Trung Quốc, cô Yu vẫn bấp chấp để làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Chiến khu Trung Quốc, một trong các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân Covid-19 trong những ngày đỉnh điểm. Dù được đồng nghiệp hết lời khuyên răn, nữ y tá vẫn muốn chia sẻ gánh nặng với họ.

Tuy nhiên, chủ đề về sự tận tâm với công việc của Zhao Yu lại nhận được luồng ý kiến trái chiều, khác hẳn với mong đợi của nhà đài.

“Tôi không cảm động chút nào. Ngược lại, tôi thấy phẫn nộ”, người dùng Weibo bình luận về trường hợp của y tá Yu. “Không phải một người phụ nữ mang thai 9 tháng nên ở nhà sao? Cô ấy mặc quần áo bảo hộ dày như vậy sẽ rất khó để cử động. Điều đó có tốt cho em bé không?”.

 Cộng đồng mạng Trung Quốc phẫn nộ vì nữ y tá mang thai 9 tháng vẫn làm việc tại bệnh viện. Ảnh: SCMP.

Cộng đồng mạng Trung Quốc phẫn nộ vì nữ y tá mang thai 9 tháng vẫn làm việc tại bệnh viện. Ảnh: SCMP.

Những bình luận tương tự thể hiện sự lo ngại cho nữ y tá trong môi trường làm việc nặng nhọc và dễ lây lan đã được đưa ra. CCTV đã phải gỡ phóng sự khỏi trang web của họ.

Ngày hôm sau, Wuhan Evening News xuất bản câu chuyện về một nữ y tá khác.

Tờ nhật báo của Vũ Hán cho biết Huang Shan, 27 tuổi, nữ y tá của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, cần phải nghỉ ngơi 28 ngày sau ca phẫu thuật. Nhưng cô đã trở lại làm việc sớm hơn vì không an tâm nghỉ ngơi khi các đồng nghiệp vật lộn với dịch virus chết người.

Shan là y tá của khoa ung thư nhưng cô được phân công phụ trách khu cách ly bệnh nhân Covid-19, điều mà cô giấu giếm với gia đình vì sợ bị phản đối.

Ban đầu, Shan cảm thấy kiệt sức vì công việc nhưng đã nhanh chóng thích nghi sau vài ngày. Cộng đồng mạng đã chỉ trích cô vì coi thường sức khỏe khi tuổi còn trẻ.

Các nhà hoạt động nữ quyền lên án

Hou Hongbin, cây bút nữ quyền ở Quảng Châu, cho biết các việc ngợi ca những hành động như của hai nữ y tá trên là “vô nhân đạo”.

“Các bệnh viện không nên cho phép một y tá đang mang thai chín tháng hay một người vừa bị sẩy thai làm việc. Hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu và có khả năng cao nhiễm virus”, bà nói.

Huang Lin, nhà nghiên cứu nữ quyền và giáo sư tại Đại học Thủ đô Bắc Kinh, cũng đồng quan điểm với bà Hongbin khi cho rằng hành động của các nữ y tá là không phù hợp. “Kể cả giữa tâm dịch, nhân viên y tế cũng cần tự bảo vệ sức khỏe của mình trước”.

Một nữ y tá khóc khi bị cạo đầu để tránh lây nhiễm virus corona. Ảnh: SCMP.

Hình ảnh các nữ y tá Trung Quốc vừa khóc vừa bị cạo đầu nhằm tránh lây lan bệnh cũng vấp phải sự phản đối từ dư luận. Nhà nữ quyền Hou Hongbin cho rằng đó là hành động cực đoan không cần thiết.

Shen Yifei, Phó giáo sư Xã hội học từ Đại học Phục Đán (Thượng Hải) cũng phản đối cách thức truyền thông. Bà cho rằng điều này là sai lầm và có thể gây áp lực cho người khác.

Dư luận cũng chỉ trích việc các nữ nhân viên y tế tuyến đầu không sử dụng băng vệ sinh mà dùng thuốc tránh thai để đối phó với chu kỳ kinh nguyệt.

“Chính quyền hy vọng rằng mọi người sẽ bị lay động bởi những việc làm anh hùng này và quên đi rằng dịch bệnh phát triển một phần là do hành xử sơ xuất của các quan chức”, chuyên gia truyền thông Wei Wuhui từ Đại học Giao thông Thượng Hải, nói.

Hạnh Vũ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/du-luan-tq-phan-no-vi-nhan-vien-y-te-bo-mac-suc-khoe-de-lam-viec-post1050090.html