Dư nợ tín dụng tiếp tục tăng cao

Nhiều năm qua, tín dụng thường tăng chậm trong quý đầu năm, nhưng năm nay bất ngờ tăng sớm. Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng (NH), khi 'sức khỏe' doanh nghiệp (DN) dần hồi phục sau kiểm soát dịch bệnh, mặt bằng lãi suất giảm... sẽ kích tăng nhu cầu vay vốn, nên dư nợ tín dụng sẽ tiếp tục tăng cao trong quý II - 2021.

Dư nợ tín dụng tiếp tục tăng cao

ĐẶNG HÀ MY

Thứ Sáu, 07-05-2021, 15:41

+ | Print

Tín dụng đã tăng cao trong quý đầu năm 2021. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tín dụng đã tăng cao trong quý đầu năm 2021. Ảnh: NGUYỆT ANH

Nhiều năm qua, tín dụng thường tăng chậm trong quý đầu năm, nhưng năm nay bất ngờ tăng sớm. Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng (NH), khi “sức khỏe” doanh nghiệp (DN) dần hồi phục sau kiểm soát dịch bệnh, mặt bằng lãi suất giảm... sẽ kích tăng nhu cầu vay vốn, nên dư nợ tín dụng sẽ tiếp tục tăng cao trong quý II - 2021.

Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cập nhật và công bố mới đây, tính đến ngày 16-4-2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 15,66% so cùng kỳ năm 2020 và tăng 2,9% so cuối năm 2020, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt. Theo đó, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,34% so cuối năm 2020. Riêng tại khu vực TP Hồ Chí Minh, ước đến hết quý I - 2021, tăng trưởng tín dụng (TTTD) trên địa bàn thành phố tăng khoảng 1,8% so đầu năm nay và cũng tăng so cùng kỳ năm 2020.

Trong báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng cho thấy, tín dụng đã tăng cao trong quý đầu năm 2021. Đơn cử, tại ACB, tín dụng đến hết tháng 3-2021 ước đạt 324.000 tỷ đồng, tăng hơn 4,1%; huy động đạt 352.000 tỷ đồng. Mục tiêu TTTD và huy động của ACB trong năm 2021 đều ở mức 9%.

Tại SeABank, tính đến cuối tháng 3-2021, TTTD ước tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2020, đạt 111.050 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng đạt 115.198 tỷ đồng, tăng 16,8%. Năm 2021, SeABank đặt mục tiêu huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,7%, lên 124.277 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng tăng 13% lên 122.978 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng quý đầu năm, tín dụng SeABank đã cao hơn so mục tiêu tăng trưởng đưa ra cho cả năm 2021.

Tương tự, tại HDBank, dư nợ tín dụng quý I - 2021 tăng khoảng 5,2%. Năm qua, tín dụng HDBank tăng 23% và kế hoạch năm nay dự kiến tăng 26%; huy động vốn năm 2021 tăng 25%.

Cũng trong ba tháng đầu năm 2021, tín dụng của Vietcombank đã tăng 3,69% - mức cao nhất so cùng kỳ nhiều năm qua. Năm 2021, hạn mức (room) TTTD được giao của Vietcombank là 10,5%. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành kỳ vọng, room TTTD năm 2021 của Vietcombank sẽ được nâng lên 14% nếu được NHNN cho phép. Thực tế, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng cao cho Vietcombank dựa trên nhiều yếu tố: Khả năng tăng tín dụng, nguồn vốn chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên, nợ xấu thấp, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) chỉ ở mức 71%, trong khi phần lớn số NH khác đều hơn 90%.

Năm 2021, VietinBank đã đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng 6 - 12%; nguồn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến đạt 8 - 12%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng kiểm soát không quá 2%...

Với thực tế thị trường tiền tệ (TTTT) hiện nay, theo các chuyên gia tài chính - NH, khi “sức khỏe” DN dần hồi phục sau kiểm soát dịch bệnh, mặt bằng lãi suất giảm... sẽ kích tăng nhu cầu vay vốn, nên dư nợ tín dụng sẽ tiếp tục tăng cao trong quý II - 2021. Với việc tín dụng sớm tăng, nhiều NH lên kế hoạch TTTD cao trong năm 2021. Chẳng hạn, VIB đặt mục tiêu TTTD ở mức 31%, trong khi room được cấp chỉ 8%; MSB và OCB cùng có tham vọng tín dụng tăng 25% năm nay...

Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh cho hay, thời gian tới sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế. Tín dụng tăng trưởng theo hướng mở rộng, tập trung cho vay với lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong báo cáo TTTT tuần từ ngày 12-4 đến 16-4 vừa qua, SSI Research cũng nhận định, tín dụng sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Theo ước tính của SSI Research, TTTD năm nay có thể đạt mức 13 - 14%, cao hơn mục tiêu tín dụng ngành NH đưa ra ở mức 12% cho cả năm 2021. Hiện tại, thanh khoản hệ thống NH vẫn khá dồi dào và mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay vẫn ổn định. Tuy nhiên, cầu tín dụng và lạm phát có xu hướng tăng cao hơn từ nửa cuối năm 2021, sẽ khiến lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng từ 0,3 - 0,5%/năm.

Kết quả của một cuộc khảo sát vừa được NHNN thực hiện cuối quý I - 2021 cũng cho thấy, các TCTD dự báo TTTD quý II - 2021 sẽ đạt khoảng 5,09% và đạt gần 15% vào cuối năm nay (tăng so mức 13% dự báo trước đó).

Về vấn đề này, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà chia sẻ, kỳ vọng lạm phát đang tăng do chính sách ở nhiều nước, ở trong nước, thời gian qua NHNN liên tục mua một lượng lớn ngoại tệ nên cũng có một lượng tiền được đẩy ra nền kinh tế. Về việc cấp room tín dụng cả năm (lần 1), NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng TCTD để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu linh hoạt. Cụ thể, ở khối NH có vốn nhà nước chi phối, các NH: Agribank, BIDV, VietinBank được cấp hạn mức 6,5 - 7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Tại khối NHCP tư nhân, các NH: VIB, ACB, Sacombank được cấp hạn mức 8,5 - 9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5 - 12%. Thực tế, sau khi giao hạn mức TTTD cho từng NH vào đầu năm, NHNN sẽ điều chỉnh room tín dụng lần hai trong nửa cuối năm tùy vào tình hình hoạt động thực tế của mỗi NH.

Theo ông Phạm Thanh Hà, nguyên tắc năm nay, NHNN phân bổ chỉ tiêu tín dụng trên cơ sở ưu tiên các TCTD giảm lãi suất cho vay và tham gia hỗ trợ khách hàng. Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh chỉ tiêu TTTD đối với các NH trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, năng lực quản trị, khả năng TTTD lành mạnh… Theo đó, các NH ưu tiên rót vốn vào lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích, quản trị rủi ro tốt… sẽ được NHNN ưu ái cấp hạn mức tín dụng cao hơn.

NHNN đã xây dựng ba kịch bản TTTD cho năm 2021: Kịch bản thứ nhất, trường hợp tiêm chủng vaccine đại trà và dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế, tín dụng ước tăng 12 - 13%, thậm chí có thể đạt 14%; kịch bản thứ hai, dịch kéo dài đến tháng 6-2021, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, thời gian tiêm vaccine kéo dài, tín dụng ước tăng 10 - 12%; kịch bản thứ ba, dịch kéo dài đến hết năm, tín dụng ước tăng 7 - 8%.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/du-no-tin-dung-tiep-tuc-tang-cao-645036/