Dự phòng bệnh dại trên người

Bệnh dại là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Theo báo cáo của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2013 đến tháng 11-2019, cả nước có 593 ca tử vong do bệnh dại. Tại khu vực phía Nam, tính từ đầu năm đến tháng 11-2019, có 16 ca tử vong do bệnh dại (chiếm 21% so với cả nước).

Gánh nặng bệnh tật

Người dân đến tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ.

Người dân đến tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi-rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Theo báo cáo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, bệnh dại gây tử vong 100% nếu không tiêm phòng sau phơi nhiễm; đồng thời, chi phí cho điều trị dự phòng rất cao, để lại tổn thương thực thể và tâm lý người bệnh. Nguyên nhân tử vong của người bệnh dại đa phần là do người dân chủ quan, cho rằng chó mèo nhà cắn thì không sao, không đi tiêm ngừa sau phơi nhiễm; dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại; thiếu hiểu biết về bệnh dại; hoặc trẻ nhỏ bị cắn mà không nói với gia đình...

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh dại là nhân viên làm trong phòng thí nghiệm; cán bộ thú y, kiểm lâm; người chế biến thực phẩm đặc biệt từ chó mèo; đặc biệt, trẻ em dưới 15 tuổi có tỷ lệ mắc khá cao (30%) do trẻ em rong chơi, tiếp xúc nhiều với chó mèo, tầm cao thấp, ngang tầm với chó mèo và bị cắn vào vùng gần với thần kinh trung ương như: đầu, mặt...

ThS. BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho biết: Bệnh dại lây nhiễm qua vết cắn, sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi-rút nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương. Vi-rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động ở người bệnh. Thời kỳ ủ bệnh dại kéo dài từ 1 – 3 tháng sau phơi nhiễm, phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi-rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Thời kỳ toàn phát, bệnh dại có thể tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng. Thể liệt với biểu hiện là bệnh nhân bị liệt lan tỏa từ trên xuống dưới, tử vong chậm và hiếm gặp. Ở thể cuồng, bệnh nhân có những biểu hiện, như: tăng kích thích, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, tử vong nhanh, phổ biến ở người bệnh dại. Giữa 2 cơn dại, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại.

Tiêm phòng vắc-xin để loại trừ bệnh dại

Tại Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh dại là do chó nuôi không được tiêm phòng dại triệt để, hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và cắn người ở nơi công cộng vẫn phổ biến. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

BS. CKI Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ, cho biết: không phải 100% số người bị chó, mèo cắn đều phát bệnh dại. Tuy nhiên, không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, nên tất cả các trường hợp phải đến cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương và tiêm ngừa dại. Nếu bị chó, mèo cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà bông liên tục trong 15 phút, nếu không có xà bông thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu số lượng vi-rút dại lây nhiễm, giảm nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iốt hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Hiện nay vắc-xin ngừa dại đều là vắc-xin thế hệ mới, không còn tác dụng phụ gây biến chứng, rất an toàn. Nếu tiêm ngừa sớm, đúng lịch và đủ mũi, hiệu quả bảo vệ gần tuyệt đối (97%).

Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay (trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy) để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh. Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi. Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các địa phương tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm. Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và tiêm ngừa đầy đủ tại cơ sở y tế. Không được điều trị bằng thuốc nam, các biện pháp dân gian.

ThS. BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn khuyến cáo người dân nên tiêm ngừa bệnh dại trước phơi nhiễm, để có kháng thể, được bảo vệ tốt hơn và độ an toàn cao hơn, đồng thời có thể tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2021.

Bài, ảnh: ANH THY

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/du-phong-benh-dai-tren-nguoi-a117090.html