Dự phòng rủi ro 'bào mòn' lợi nhuận của nhà băng

Trước nguy cơ nợ xấu tăng được cảnh báo từ cuối năm 2022, nhiều nhà băng đã chuẩn bị ứng phó thông qua việc làm dày bộ đệm dự phòng rủi ro (DPRR). Tuy nhiên, với nhiều điểm bất lợi đang xuất hiện trên thị trường, nhiều thách thức vẫn đang tiềm ẩn cho 2023.

“Gia cố” bộ đệm dự phòng

Từ năm 2020, các NH đã tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Quá trình này kéo dài đến hết tháng 6-2022. Khi chấm dứt cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ sẽ nhảy nhóm.

Minh chứng là số liệu do NHNN công bố cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành NH cuối năm 2022 đã lên mức 1,92%. Thống kê từ 27 NH đã công bố báo cáo tài chính (BCTC), tổng số dư nợ xấu trong cả năm 2022 tăng đến 35%, lên hơn 136.400 tỷ đồng.

Để tránh “cú sốc” nợ xấu này, nhiều NH lớn đã chủ động trích lập DPRR từ năm 2021. Gần nhất số liệu từ BCTC hợp nhất quý IV-2022 cũng cho thấy trong năm ngoái ngành NH đã dành khoản chi khá lớn để làm dày bộ đệm đối phó rủi ro từ nợ xấu.

Theo thống kê, tổng DPRR cho vay khách hàng trong năm 2022 của 27 NH đạt hơn 168.200 tỷ đồng, tăng đến 17% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm 10 nhà băng trích lập DPRR cao nhất gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, VPBank, MB, SHB, Sacombank, LienVietPostBank, ACB và Techcombank, với tổng số tiền gần 145.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng trích lập của 27 nhà băng.

Trong 17 NH còn lại, số dư trích lập ít hơn hơn do quy mô tín dụng cũng như nợ xấu thấp hơn, nhưng một số NH cũng đã phải tăng mạnh trích lập so với năm 2021. Chẳng hạn, trong năm 2022 khoản trích lập DPRR tại SeABank tăng 37% lên mức 2.433 tỷ đồng, OCB tăng 42% lên mức 1.582 tỷ đồng hay Kienlongbank tăng 58% lên 580 tỷ đồng.

Đi cùng mức trích lập DPRR cao, vào cuối năm 2022 nhiều NH đã gia cố vững chắc bộ đệm dự phòng khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng của các khoản nợ xấu/nợ xấu) rất cao.

Chẳng hạn, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank tiếp tục cao nhất hệ thống với mức 317%. Có nghĩa, với mỗi 1 đồng nợ xấu, Vietcombank đã trích ra 3,17 đồng để dự phòng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tại BIDV đạt 217%, tại MB đạt 238%, VietinBank xấp xỉ 190%, ACB ở mức 155%, Techcombank 125%, TPBank 135%...

Sẽ phải bồi thêm bộ đệm cho 2023

2022 vẫn là năm các NH duy trì được mức lợi nhuận cao từ đà tăng của các năm trước đó. Do vậy, chi phí DPRR lớn nhưng đa số NH đều giữ được phong độ tăng trưởng lợi nhuận. Song năm 2023, hoạt động kinh doanh có thể sẽ không còn thuận lợi như trước. Chi phí vốn tăng do vốn huy động ở mức cao nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn.

Thêm vào đó, khả năng tiếp cận vốn vay của nhóm sản xuất kinh doanh khó khăn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng.

Số liệu mới nhất tính đến ngày 24-2, cho thấy tăng trưởng tín dụng đạt 0,77% so với cuối năm 2022. Nguyên nhân số đơn đặt hàng giảm ở các DN khiến nhu cầu tín dụng không cao, một số khác không đạt điều kiện vay vốn.

Ngoài ra, tín dụng bất động sản vốn chiếm 20% tổng dư nợ các NHTM đang tăng chậm do khó khăn của ngành. NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 15-16%. Trong khi đó, năm 2023 giải ngân tín dụng vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức, như mặt bằng lãi suất cao và nhu cầu tín dụng thấp, do đó dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ ở khoảng 13%.

Gần đây, nhiều NH đã công bố một loạt chương trình ưu đãi lãi suất cho vay khi tín dụng chảy quá chậm. Trong bối cảnh đó, NH chắc chắn sẽ phải chủ động thu hẹp biên lợi nhuận (NIM). Điều này tác động đến khả năng sinh lời từ thu nhập lãi thuần.

Bên cạnh đó, thu từ mảng dịch vụ dự kiến cũng vào thời khó khăn, khi mô hình hợp tác kinh doanh bảo hiểm - NH (bancassurance) vốn là “gà đẻ trứng vàng” đang bị siết lại. Cơ quan quản lý cho biết nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ xử lý nghiêm hoặc phối hợp với cơ quan công an để xử lý. Với sự đóng góp lớn của kênh này trong phần lợi nhuận, khi bị kiểm soát chặt sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của nhiều nhà băng, khiến lợi nhuận của họ bị tác động.

Đặc biệt, thị trường TPDN khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng… đang ảnh hưởng lên khả năng trả nợ của các DN, tác động xấu đến chất lượng tài sản của NH trong năm 2023.

Đầu năm nay, NHNN nhìn nhận năm 2022 đã cơ bản kiểm soát được nợ xấu nhưng vẫn lưu ý về nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023. Khi đó, khó khăn cũng chưa phủ rộng lên các DN bất động sản như hiện nay.

Còn ở thời điểm hiện tại, với nhiều khó khăn tích tụ, nợ xấu 2023 vẫn còn là ẩn số. Đi liền với ẩn số đó là áp lực tăng trích lập DPRR sẽ quay trở lại và không chỉ trong năm 2023 mà có thể kéo sang năm 2024.

Đứng trước khó khăn đó, dự báo năm nay những NH với chất lượng tài sản ổn định, đã sớm làm dày bộ đệm DPRR sẽ ở một vị thế tốt để đương đầu với rủi ro nợ xấu tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhóm có chuẩn bị tốt như vậy chỉ khoảng 10 NHTM. Còn lại có đến 12 NHTMCP đang có tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất thấp (trong khoảng 11-77%). Trong đó có các NH có tỷ lệ nằm dưới mức 50% như NCB, VietBank, BaoVietBank, PGBank, ABBank, SaigonBank. Với nhóm này, khả năng phản ứng với các biến động trong hoạt động kinh doanh sẽ kém hơn và có lẽ sẽ vất vả hơn trước các thách thức ở tương lai.

DPRR có thể bào mòn sâu vào phần lợi nhuận các NHTM, trước dự báo nguy cơ nợ xấu gia tăng nhưng “của để dành” lại quá ít.

Đỗ Linh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/du-phong-rui-ro-bao-mon-loi-nhuan-cua-nha-bang-post102875.html