Dự thảo hướng dẫn xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em: Sờ vào đâu mới là dâm ô?

Dự thảo 4 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em có nhiều điểm mới.

TAND Tối cao vừa gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về dự thảo 4 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ Luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Dự thảo lần này có rất nhiều điểm mới so với những dự thảo trước đó. Dự thảo này tiếp thu hầu hết khuyến nghị quan trọng của UNICEF Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, nội dung khuyến nghị của UNICEF Việt Nam phân tích những lỗ hổng và kèm theo khuyến nghị về những biện pháp ngắn hạn và dài hạn để khắc phục những khiếm khuyết này. UNICEF cũng khuyến nghị việc rà soát và sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự trong thời gian tới để tăng cường bảo vệ người chưa thành niên. Tuy nhiên, tài liệu này chỉ tập trung đề cập đến Bộ luật Hình sự.

Đáng chú ý, dự thảo 4 nghị quyết dành một điều để giải thích từ ngữ thế nào là xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột tình dục trẻ em, quan hệ tình dục, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục và dụng cụ khác.

Theo dự thảo, "xâm hại tình dục trẻ em" là hoạt động tình dục xâm hại trẻ em hoặc dụ dỗ, tổ chức cho trẻ em tham gia hoạt động tình dục. Độ tuổi xác định trẻ em là dưới 16 tuổi.

Hoạt động xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện do đồng thuận với trẻ em dưới 13 tuổi; do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ…).

Cũng theo dự thảo, “bộ phận nhạy cảm” được xác định bao gồm bìu, mu, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực.

"Bộ phận khác trên cơ thể" là bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm.

“Dụng cụ tình dục” là những dụng cụ được sản xuất chuyên dùng cho hoạt động tình dục (ví dụ dương vật giả, âm hộ giả, âm đạo giả…). Còn “dụng cụ khác” được giải thích là những đồ vật không phải dụng cụ tình dục nhưng có thể sử dụng cho hoạt động tình dục.

Về một số tình tiết định tội, dự thảo nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán quy định giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

“Giao cấu với trẻ em dưới 10 tuổi được xác định là đã hoàn thành không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập”, dự thảo nêu rõ.

Hành vi quan hệ tình dục khác, theo dự thảo, là một trong các hành vi như quan hệ tình dục của người cùng giới tính. Quan hệ tình dục của người khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục tiếp xúc về thể chất với cơ thể trẻ em nhưng không có mục đích giao cấu.

Hành vi quan hệ tình dục của những người khác giới tính thuộc một trong các trường hợp: sử dụng bộ phận sinh dục xâm nhập vào bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể; sử dụng bộ phận khác trên cơ thể xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm; sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể.

Cũng theo dự thảo, dâm ô là một trong các hành vi như dùng bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác tiếp xúc về thể chất (trực tiếp hay gián tiếp qua áo quần) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của trẻ em (vuốt ve, sờ mó, bóp, cấu véo, hôn, liếm) có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

Sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

Ngoài ra, dự thảo cũng dành hai điều quy định về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục trẻ em và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là trẻ em…

Hoàng Mai

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-thao-huong-dan-xet-xu-vu-an-xam-hai-tinh-duc-tre-em-so-vao-dau-moi-la-dam-o-a445403.html