Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Cần giảm bớt thủ tục khi các nhà máy điện chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Trung ương Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) đã có một số góp ý xác thực, đề nghị Tổ soạn thảo bổ sung, sửa đổi trong đầu tư các dự án điện.

Theo VPA, trong một số điều khoản của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) vẫn đang tồn tại những điểm chưa rõ, thiếu hướng dẫn cụ thể hoặc yêu cầu không cần thiết đối với chủ đầu tư các dự án nguồn điện.

Các nhà máy điện khí cần quyền tự chủ trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu sao cho hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo khoản 3 Điều 10 dự thảo có nêu: “Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực theo quy định của pháp luật về quy hoạch”.

Nhưng theo Luật Quy hoạch tại Điều 53 lại nêu: “Việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây: Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch; Có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn làm thay đổi nội dung quy hoạch hoặc có sự mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp; Có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch: Do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch; Do biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch; Do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch; Do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Còn tại Điều 54, khoản 2 nêu: “Trình tự, thủ tục điều chỉnh, công bố và cung cấp thông tin điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và cung cấp thông tin quy hoạch quy định tại Chương II và Chương III của Luật này”.

Trong thực tế, chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục việc thẩm định, trình phê duyệt, phê duyệt bổ sung... đối với các dự án không có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt nhưng không thuộc các căn cứ được nêu tại Điều 53 của Luật Quy hoạch và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đặc biệt là việc được điều chỉnh cục bộ/một phần cục bộ của dự án điện có trong Quy hoạch cho phù hợp với thực tế trong lúc triển khai dự án. Bởi vậy, VPA đề nghị Tổ soạn thảo dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần bổ sung hướng dẫn, làm rõ tại điều khoản này.

Về đầu tư xây dựng dự án điện lực, tại khoản 2 Điều 13: “Dự án đầu tư xây dựng điện lực chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực hoặc kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực thì phải thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển điện lực theo Luật Quy hoạch hoặc kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực theo quy định tại Điều 11 Luật này, trừ các trường hợp các dự án sản xuất điện sử dụng nguồn nhiệt dư từ dây chuyền sản xuất sản phẩm, nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện cho mục đích tiêu thụ tại chỗ không bán điện và không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, các dự án lưới điện hạ áp và việc chuyển đổi nhiên liệu phát thải khí Cacbonic (CO2) thấp hơn của các nhà máy điện đã vận hành thương mại”.

Trong thực tế, các nhà máy điện hiện hữu trong nước có thể sử dụng một phần khí LNG hoặc toàn bộ nguyên liệu bằng khí LNG khi các mỏ khí trong nước cạn kiệt mà không phải xin điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực về việc chuyển đổi nguyên liệu đó. Việc chuyển sang nguyên liệu sạch hơn không làm thay đổi công suất phát điện của nhà máy điện đó mà còn khắc phục được việc thiếu nhiên liệu phát điện và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong quy hoạch điện. Như vậy, sẽ không phát sinh thủ tục bổ sung, thay đổi quy hoạch điện lực, đồng thời giảm chi phí, thời gian cho nhà đầu tư.

Có thể thấy rằng, điều khoản yêu cầu các dự án nguồn điện cần phải thực hiện điều chỉnh càng ít càng tốt đối với các chủ đầu tư. Chỉ trong những trường hợp bắt buộc như thay đổi công suất, công nghệ (gây phát thải khí nhà kính cao hơn so với dự án được phê duyệt), hoặc những thay đổi làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện quốc gia thì mới cần phải thực hiện “xin phép” điều chỉnh, phê duyệt của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan. Còn lại Luật nên để nhà đầu tư có quyền điều chỉnh theo định hướng về năng lượng xanh, sạch của Chính phủ, vừa tăng tính chủ động cho nhà đầu tư, vừa giảm chi phí và thời gian.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/du-thao-luat-dien-luc-sua-doi-can-giam-bot-thu-tuc-khi-cac-nha-may-dien-chuyen-sang-su-dung-nhien-lieu-sach-hon-710241.html