Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Có đáp ứng kỳ vọng của DN

Dự thảo thứ 12 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được đưa ra tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp cuối tuần qua, được ghi nhận đã có nhiều sửa đổi bổ sung, song nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn về tính khả thi…

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang mong chờ một đạo luật để tạo hành lang pháp lý trong hoạt động. Ảnh minh họa

Tiếng là phiên bản 12 song theo đại diện Ban soạn thảo, ông Hồ Sỹ Hùng – Cục trưởng Cục Đăng ký Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) thực ra đây là bản dự thảo sau hơn 20 lần chỉnh sửa.

Lúng túng cơ chế hỗ trợ

Theo ông Hùng, quá trình xây dựng luật này đầy khó khăn, vì phải làm sao hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để lực lượng này phát triển tốt, là động lực phát triển của đất nước nhưng lại không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược các nguyên tắc thị trường. Hỗ trợ phải công khai, minh bạch, không có xin – cho…

Trong khi đó tỷ lệ DNNVV thì lớn chiếm tới hơn 97% số DN trong cả nước, nguồn lực quốc gia lại có hạn… Hơn nữa, hỗ trợ làm sao phải có ưu tiên, có chọn lọc, không thể hỗ trợ tràn lan, cào bằng…

“Có thể nói, đây là một Luật mới, lần đầu tiên được xây dựng, nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đã có Luật này từ lâu. Nội dung hỗ trợ lại cắt ngang và liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực theo quá trình thành lập và hoạt động của DN. Luật được xây dựng trong bối cảnh thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận từ quản lý sang phục vụ, trong đó Nhà nước thành chủ thể cung cấp dịch vụ kinh doanh…”, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, ông Hồ Sỹ Dung chia sẻ một số đặc điểm khi xây dựng luật.

Ở phiên bản mới nhất này, Luật Hỗ trợ DNNVV gồm 6 chương, 45 điều, trong đó có 9 nội dung hỗ trợ. Theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hải Dương, dự thảo đã nêu được những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, một số quy định mang tính chung chung, hình thức; trong khi công tác triển khai như thế nào, đánh giá hiệu quả của việc triển khai ra sao… lại thiếu vắng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Cty Luật Basico, nếu luật này được ban hành sẽ phải sửa một loạt các luật khác. Đơn cử như hỗ trợ về tín dụng, dự thảo quy định các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua việc cung cấp thể loại, số lượng và lãi suất tín dụng phù hợp nhu cầu, đặc điểm và khả năng trả nợ của DNNVV…

Theo Luật sư Đức, việc này là hiển nhiên. Các ngân hàng đã, đang và sẽ làm để thu hút và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, chứ không phải chờ Luật quy định. Ngược lại, nếu ngân hàng chỉ đặt ra quy định để đối phó thì cũng không thể bắt bẻ, xử lý được. Đặc biệt, việc các tổ chức tín dụng cho vay hay không cho vay và cho vay với điều kiện, thế nào là hoàn toàn do sự xem xét quyết định của họ. Vì các tổ chức tín dụng cũng là các DN hoạt động theo cơ chế thị trường nên hoàn toàn có quyền từ chối cho vay nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả.

Cần cụ thể, sâu sắc hơn

Thực tế cho thấy, các DNNVV thường khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế; phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính, kế toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu; tài sản bảo đảm ít; dễ bị rủi ro, tổn thương;...

Và cũng do đó, nếu DNNVV được vay vốn thì cũng thường phải chịu lãi suất cao và các điều kiện khác một cách khó khăn, chặt chẽ. Nhiều DN phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hoặc không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thì phải vay vốn của các cá nhân, tổ chức khác thì lại bị luật cản trở. Chẳng hạn Luật Thuế TNDN hiện hành không cho phép DN hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm.

Tương tự như hỗ trợ tài chính (giảm thuế cho DNNVV), theo Luật sư Đức, điều này là không hợp lý, không bình đẳng, ảnh hưởng đến chính sách thuế, thậm chí còn dẫn đến việc kìm hãm DN vừa phát triền thành DN lớn, thay vào đó, cần xem xét các thay đổi các quy định bất hợp lý khác như mở rộng hơn nữa cho các DN nói chung, DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ nói riêng được hạch hoán vào chi phí các khoản chi thực tế, hợp lý, như lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật (hiện nay là 13,5%/năm và từ năm 2017 trở đi là 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015).

Băn khoăn tính thực thi của Luật, Luật sư Trần Văn Chương (Hiệp hội DNNVV Việt Nam) đề nghị dự thảo cần có một điều quy định khi có sự khác nhau về các bộ luật trong chính sách hỗ trợ DNNVV thì thống nhất áp dụng Luật DNNVV.

Về mục tiêu, nguyên tắc xây dựng các chương trình trọng tâm hỗ trợ DNNVV, Luật sư Chương đề nghị cần cụ thể, sâu sắc hơn để phát huy sáng tạo của bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội trên cơ sở nhu cầu thực tế của DN, chủ động xây dựng các chương trình hỗ trợ DNNVV. T.T

Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Chủ tịch Hiệp hội VINASME Nguyễn Văn Thân cho rằng, thực tế cho thấy các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ phát huy hiệu quả tối đa và đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững và toàn diện nếu được xây dựng thông qua đối thoại và tham vấn giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Vì vậy, Hỗ trợ DNNVV khi được thông qua sẽ đảm bảo tính khả thi, tương thích với các luật khác và không vi phạm với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam phát triển bền vững.

Đánh giá tác động của dự thảo Luật, Giám đốc Công ty Tư vấn quốc tế Economica Lê Duy Bình cho rằng, với mục tiêu 1 triệu DN thực sự hoạt động thì những hỗ trợ của dự thảo Luật sẽ mở rộng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Tổng thu nhập tăng thêm của người dân nhờ quá trình chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực DN trong 4 năm tới dự kiến có thể đạt 22,4 nghìn tỷ đồng. Tuy kỳ vọng Luật này sẽ cải thiện hiệu quả và sức cạnh tranh yếu kém của DNNVV, nhưng qua tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, để phát triển DNNVV, Luật Hỗ trợ DNNVV chỉ là một yếu tố đóng góp. “DNNVV cần một hệ thống pháp luật thuận lợi về nhiều phương diện và phải được thể hiện trong các luật khác nữa” – ông Bình nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội VINASME Tô Hoài Nam cũng kiến nghị, trong Luật cần quy định vị trí, vai trò của tổ chức hiệp hội chuyên biệt đại diện cho tất cả các DNNVV Việt Nam. Ông chia sẻ, đây sẽ là một trong những kênh kết nối quan trọng trong việc góp ý và truyền tải các chính sách hỗ trợ DNNVV nói chung, đồng thời thực hiện một số hoạt động xã hội hóa trong công tác hỗ trợ DNNVV như tổ chức tuần lễ quốc gia về DNNVV để tôn vinh các DN, góp ý phản biện xây dựng các chương trình hỗ trợ DNNVV …

Thanh Thanh - Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/du-thao-luat-ho-tro-dn-nho-va-vua-co-dap-ung-ky-vong-cua-dn-302519.html