Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có chất lượng và xuất sắc

Đó là nhận xét của Thẩm phán Hwang Seung Tae, Tòa án cấp cao Seoul (Hàn Quốc) về Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do TANDTC Việt Nam xây dựng.

Để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TANDTC đã tổ chức Tọa đàm “Kinh nghiệm hòa giải, đối thoại của Hàn Quốc và góp ý Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Việt Nam”.

Buổi Tọa đàm do Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền chủ trì. Tham dự Tọa đàm có các Thẩm phán Tòa án Hàn Quốc; các Thẩm phán TANDTC Việt Nam và đại diện các đơn vị thuộc TANDTC.

Chia sẻ kinh nghiệm về hòa giải, đối thoại

Tại buổi Tọa đàm, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC trình bày khái quát về Dự thảo 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Dự thảo Luật quy định những nguyên tắc cơ bản, phạm vi, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, Đối thoại viên; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Luật này không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định. Phạm vi hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên không phản đối hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc.

 Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền chủ trì buổi Tọa đàm.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền chủ trì buổi Tọa đàm.

Quy định theo hướng trên phù hợp với mục tiêu xây dựng cơ chế pháp lý mới để cá nhân, cơ quan, tổ chức lựa chọn giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua hòa giải, đối thoại, giảm số lượng tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính mà Tòa án phải thụ lý, xét xử; phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng Hòa giải viên, Đối thoại viên; không chồng chéo hoặc mâu thuẫn với các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện có.

Các nguyên tắc cơ bản của hòa giải, đối thoại của Dự thảo Luật quy định việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải tuân thủ các nguyên tắc: Các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại; nội dung thỏa thuận hòa giải, đối thoại không vi phạm điều cấm của Luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại được giữ bí mật theo quy định. Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tinh hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc… Xuất phát từ ưu điểm của hòa giải, đối thoại, Nhà nước có những chính sách hợp lý để khuyến khích các bên lựa chọn cơ chế này để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Khuyến khích những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định làm Hòa giải viên, Đối thoại viên.

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, các Thẩm phán Tòa án Hàn Quốc đã giới thiệu về pháp luật liên quan đến Luật Hòa giải ở Hàn Quốc gồm: Luật Hòa giải dân sự; Luật Tố tụng hôn nhân và gia đình; hòa giải vụ án hành chính; hòa giải dưới hình thức liên kết ngoài Tòa án… Các Thẩm phán, chuyên gia Hàn Quốc đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thủ tục hòa giải dân sự, hành chính; án phí của yêu cầu hòa giải; vai trò và thành phần Hòa giải viên; đào tạo Hòa giải viên; góp ý đối với Dự thảo 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Việt Nam.

Đánh giá cao Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Nhận xét về Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do TANDTC Việt Nam xây dựng, Thẩm phán Hwang Seung Tae, Tòa án cấp cao Seoul (Hàn Quốc) cho rằng, đây là một Dự thảo Luật có chất lượng và xuất sắc. Dự thảo này vượt trội hơn so với Luật Hòa giải dân sự của Hàn Quốc được ban hành vào năm 1990 và đã được sửa đổi 10 lần. Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Việt Nam không có gì thiếu sót so với Luật liên quan đến hòa giải của phương Tây.

Theo Thẩm phán Hwang Seung Tae, hòa giải là chế độ giải quyết tranh chấp một cách tự nguyện giữa các bên, nên trọng tâm của hòa giải là quyền tự định đoạt của các bên. Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Việt Nam đã thể hiện rõ điều đó như: Coi việc tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên; lấy việc các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại làm nguyên tắc; giữ bí mật các thông tin có liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại để đương sự có thể trình bày quan điểm của mình một cách trung thực mà không phải chịu áp lực; tôn trọng ý kiến của các bên về việc tham gia, tiến hành và kết thúc thủ tục hòa giải; cho phép đương sự lựa chọn thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải, đối thoại; được đề nghị thay đổi Hòa giải viên, Đối thoại viên. Hòa giải viên, Đối thoại viên phải phổ biến và giải thích cho đương sự biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình…

Các Thẩm phán Tòa án Hàn Quốc tham dự Tọa đàm

Ngoài ra, Dự thảo Luật còn quy định khá đầy đủ về thủ tục hòa giải; tính trung lập của người hòa giải để tránh xung đột quan hệ lợi ích. Ngay cả trong quá trình lập pháp của các nước phương Tây thì đây cũng là phần rất khó quy định một cách ngắn gọn, bởi bị trùng lặp giữa nguyên tắc và ngoại lệ. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do TANDTC Việt Nam xây dựng đã khắc phục điều này và quy định các vấn đề một cách hài hòa.

Mặt khác, theo Dự thảo Luật thì đương sự không yêu cầu hòa giải, đối thoại riêng, mà Tòa án đưa các vụ án do đương sự đã nộp đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu ra hòa giải, đây là một phương án mang tính thiết thực.

Dự thảo Luật cũng quy định việc tiến hành đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hòa giải viên, Đối thoại viên là trách nhiệm của Tòa án, vì trong công tác hòa giải, đối thoại cần có sự linh hoạt, nên phẩm chất và năng lực của người tiến hành thủ tục hòa giải càng trở nên quan trọng. Hơn nữa, việc công khai danh sách Hòa giải viên, Đối thoại viên trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo quy định của Dự thảo Luật cũng góp phần nâng cao tính minh bạch và sự tin tưởng vào công tác hòa giải, đối thoại; đồng thời giúp đảm bảo quyền lựa chọn Hòa giải viên, Đối thoại viên của đương sự.

Thẩm phán Park Jeong Woon, Thẩm phán phụ trách hòa giải Tòa án địa phương trung tâm Seoul (Hàn Quốc) thì cho rằng: Dự thảo Luật đã quy định một cách cụ thể và chi tiết về trình tự, thủ tục và cách thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và hành chính bằng hình thức ngoài tố tụng (trước khi thụ lý vụ án). Hòa giải viên, Đối thoại viên do Tòa án Việt Nam bổ nhiệm phụ trách, xử lý vụ việc hòa giải, đối thoại khi đã hòa giải, đối thoại thành thì Thẩm phán của Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành đối với vụ việc đó là phù hợp.

Thẩm phán Park Jeong Woon đề xuất với TANDTC Việt Nam hình thức khuyến khích hòa giải bằng cách thức giống với Quyết định thay cho hòa giải. Theo đó, khi tiến hành thủ tục hòa giải, có trường hợp các bên chưa đi đến thống nhất nhưng đã có sự tiếp cận ý kiến và cân nhắc ở một mức nhất định. Cũng có trường hợp đương sự thể hiện ý chí rằng, nếu Tòa án đưa ra ý kiến khuyến khích nhất định thì sẽ cân nhắc một cách tích cực. Đây là trường hợp đương sự muốn nhận được đề xuất ý kiến của Tòa án và cân nhắc nó, hơn là có mặt và tiến hành lại phiên hòa giải vì lý do nào đó.

Hiện nay, Tòa án Hàn Quốc ra quyết định thay cho hòa giải trong trường hợp đến khi kết thúc phiên hòa giải mà các bên đương sự chưa đạt được thỏa thuận nhưng đang cân nhắc, để cho các bên có cơ hội để có thể thỏa thuận thêm lần nữa.

Quyết định thay cho hòa giải là thủ tục mà trong đó Tòa án (Thẩm phán) khuyến khích việc thỏa thuận với nội dung nhất định đối với các bên đương sự đã thực hiện thủ tục hòa giải nhưng không đi đến thỏa thuận được.Trong một thời gian nhất định, nếu các bên không có ý kiến phản đối về khuyến khích của Tòa án thì Tòa án sẽ xem nội dung Tòa án đề xuất là kết quả hòa giải thành giữa các đương sự.

Tuy nhiên, đối với Quyết định thay cho hòa giải, đương sự có thể chấp nhận với kết luận mà Tòa án đưa ra về vụ án, nhưng cũng phân biệt thủ tục hòa giải và thủ tục tố tụng. Về vấn đề này, Thẩm phán Park Jeong Woon đề xuất Tòa án Việt Nam có thể xây dựng theo hướng dù Tòa án có ra quyết định thay cho hòa giải nhưng cũng cần cân nhắc kỹ. Do đó, nên để chủ thể ra quyết định không phải là Tòa án có thẩm quyền được phân công vụ án, mà là Thẩm phán phụ trách hòa giải hoặc Hòa giải viên ra quyết định.

Trên cơ sở trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án Hàn Quốc và góp ý của các đại biểu tham dự Tọa đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền giao cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC tiếp thu, nghiên cứu để chỉnh sửa Dự thảo 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Trần Quang Huy

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-nganh/du-thao-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-co-chat-luong-va-xuat-sac-300022.html