Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia bị 'vùi dập' như thế nào?

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia ban đầu được xây dựng với nhiều điểm mạnh kỳ vọng sẽ giúp làm giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia; quản lý chặt chẽ việc cung cấp và hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực để phòng chống tác hại của rượu bia, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ và nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh không lây nhiễm cho người dân. Thế nhưng…

Rượu bia là chất gây nghiện

Rượu bia là chất gây nghiện

Không kiểm soát quảng cáo và tiếp thị, không kiểm soát tính sẵn có

Những ngày vừa qua, toàn xã hội rúng động trước những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra mà nguyên nhân của nó xuất phát từ việc người điều khiển ô tô uống rượu bia. Đây không phải là những vụ việc hi hữu, nhưng nó như giọt nước làm tràn li, thức tỉnh mọi người về tác hại của bia rượu đối với người tham gia giao thông.

Lúc này, mọi người bắt đầu ào ào lên tiếng về việc cần phải có chế tài, có luật phấp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia – thủ phạm gây ra không chỉ tai nạn giao thông thảm khốc mà còn là nguyên nhân gây ra gần 200 loại bệnh, trong đó có nhiều loại ung thư. Chưa hết, rượu bia còn là hệ lụy của rất nhiều tệ nạn xã hội và cũng là nguyên nhân gây suy thoái nền kinh tế do chi phí khắc phục hậu quả vô cùng lớn.

Thế nhưng, ít ai biết, Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế chủ trì, ban đầu được xây dựng với nhiều điểm mạnh kỳ vọng sẽ giúp làm giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia; quản lý chặt chẽ việc cung cấp và hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực để PCTHRB, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân…, nhưng suốt mấy năm qua đã bị các ý kiến, từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp sản xuất rượu bia cho đến ngay cả nhiều đại biểu Quốc hội… làm cho trở thành một dự luật yếu đến mức có ban hành cũng chẳng thể có một tác động thực chất nào với tình trạng lạm dụng bia rượu hiện nay.

Theo các chuyên gia của tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Helth Bridge Canada tại Việt Nam, rượu bia là những hàng hóa tiêu dùng không bình thường gây nhiều tác hại về mặt sức khỏe, kinh tế và xã hội, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp rượu bia lại phụ thuộc vào việc mở dộng thị trường trong khi mục tiêu của y tế công cộng là giảm cầu. Do vậy, quyền lợi y tế công cộng và quyền lợi của doanh nghiệp là đối nghịch, không thể dung hòa.

Để đạt được mục tiêu của Luật, các nội dung của Luật cần được xây dựng dựa trên các nguyên tắc lấy sức khỏe cộng đồng là ưu tiên số một áp dụng những chính sách tốt trong kiểm soát tiêu dùng mà Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo.

Các chính sách có hiệu quả nhất trong kiểm soát tiêu dùng rượu bia mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là: thuế và giá; kiểm soát quảng cáo và tiếp thị; Kiểm soát tính sẵn có. Do chính sách thuế được điều chỉnh trong luật thuế tiêu thụ đặng biệt nên trong Dự thảo luật còn hai chính sách có hiệu quả quan trọng nhất: kiểm soát quảng cáo và tiếp thị; Kiểm soát tính sẵn có. Nếu các nội dung này yếu thì dù luật có được thông qua cũng sẽ ít tác dụng.

Ngoài ra, vì nguồn lực thực thi luật rất quan trọng nên bên cạnh các chính sách nói trên thì các điều liên quan đến đảm bảo nguồn lực thực thi luật cũng rất quan trọng.

Nhìn lại quá trình xây dựng Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ thấy, về chính sách “Kiểm soát quảng cáo và tiếp thị”; và “Kiểm soát tính sẵn có” thì cả hai nôi dung quan trọng này đã ngày càng trở nên yếu đi giữa các bản dự thảo.

Theo đó, so sánh phiên bản dự thảo trình Chính phủ ngày 11/7/2018 và Phiên bản hiện tại (Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ tại phiên họp 33 vừa qua) cho thấy, đối với các điều khoản liên quan đến kiểm soát quảng cáo, tiếp thị, và tài trợ, một số điều khoản mạnh đã bị đưa ra khỏi dự thảo hoặc điều chỉnh làm yếu đi.

Cụ thể, quy định cấm quảng cáo trên Internet, mạng xã hội (phiên bản dự thảo trình Chính phủ ngày 11/7/2018) đã bị loại ra.

Cùng với đó, quy định cấm “tài trợ cho các sự kiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, TDTT, vui chơi giải trí” (Phiên bản dự thảo ngày 15/2/2018) đã bị bỏ. Thay bằng là quy định hoạt động tài trợ tuân thủ các quy định PL có liên quan và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu bia; không được có tên sản phẩm rượu, bia; hình annhr, thông tin về sản phẩm rượu bia trên vật phẩm tài tài.

Dự thảo trước đây (các dự thảo trước 11/7/2018) quy định các biện pháp kiểm soát như nhau với quảng cáo, khuyến mại đối với sản phẩm rượu bia dưới 15 độ cồn. Tuy nhiên hiện tại, dự thảo phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5,5 độ, từ 5,5 đến dưới 15 độ), trong đó các quy định kiểm soát quảng cáo đối với sản phẩm có độ cồn dưới 5,5 độ lỏng lẻo hơn so với các sản phẩm có độ cồn từ 5,5 đến dưới 15 độ.

Theo đó, sản phẩm có độ cồn dưới 5,5 độ không bị cấm quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời; trong các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh.

Điều này dẫn đến nới lỏng các quy định kiểm soát đối với phần lớn các sản phẩm bia trên thị trường hiện nay, vì bia có độ cồn phổ biến từ 4-5 độ. Trong khi đó, phải lưu ý rằng, 97% lượng cồn nguyên chất tiêu thụ ở Việt Nam là từ bia.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Bộ công thương, sản lượng tiêu thụ bia ở Việt Nam đã và đang trên đà gia tăng một cách báo động từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên tới 4,7 tỷ lít năm 2018. Nếu Luật không đưa vào các quy định kiểm soát quảng cáo mạnh với sản phẩm có nồng độ cồn dưới 5,5%, chủ yếu là bia, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi tiêu dùng rượu bia, đặc biệt là giới trẻ bởi những người trẻ tuổi thường bắt đầu uống các loại đồ uống có độ cồn thấp như bia, và chịu ảnh hưởng lớn bởi các chiến lược quảng cáo, tiếp thị của ngành công nghiệp.

Một điểm vô cùng đáng tiếc nữa đã không còn nằm trong Dự thảo Luật như lúc đầu Ban soạn thảo trình, theo đó, không có hạn chế nào với quảng cáo bia rượu trên báo in (ngoại trừ ấn phẩm dành cho trẻ em), điều này sẽ khiến báo in sẽ được sử dụng để quảng cáo rộng rãi.

Liên quan đến chính sách kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, phiên bản Dự thảo ngày 15/2/2017 quy định “Cấm bán rượu bia tại trạm dừng đỗ xe”, tuy nhiên, hiện tại quy định này đã bị đưa ra khỏi Dự thảo.

Cùng với đó, một số phiên bản của Dự thảo Luật đã từng có quy định cấm bán rượu bia sau 22h nhưng hiện nay, quy định này cũng đã bị bỏ.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng trong việc phòng chống tác hại của rượu bia, đó là phải có nguồn lực về tài chính để thực thi các quy định. Dự thảo Luật lúc đầu đã đưa ra phương án thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe, được trích từ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia. Tuy nhiên quy định này cũng đã bị “đánh cho tơi bời”, và hiện không còn trong Dự thảo luật mới nhất. Nhiều ý kiến đã không đồng tình thành lập quỹ này, mà đề nghị lấy từ tiền ngân sách – một khoản vô cùng eo hẹp khiến cho việc thực thi Luật sẽ hết sức khó khăn.

Rượu bia là chất gây nghiện, đừng nói chuyện "uống có trách nhiệm"

Bình luận về vấn đề này, BS.TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Cơ quan điều phối liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm NCDs-VN, Trưởng khoa Khoa học Sức khỏe, Đại học Tây Bắc cho rằng, chương trình "uống có trách nhiệm" chính là “bài” của các doanh nghiệp rượu bia.

“Tại các cuộc họp phát triển luật, họ luôn phản đối việc ra các điều luật hạn chế tiếp cận rượu bia như điểm bán, giờ bán, lượng bán... Thay vào đó, họ dùng "giáo dục người uống"! Chiêu trò này không phải chỉ ở Việt Nam, mà là chiến lược họ làm với các nước đang phát triển!” – TS Trần Tuấn chia sẻ với VnMedia.

Theo BS Tuấn, rượu bia là chất gây nghiện, muốn trách tác hại, phải ngăn chặn được dòng người “bập” vào uống bằng các điều luật hướng tới chặn giới trẻ! Do đó, cần thêm vào các điều luật giới hạn giờ bán, điểm bán, lượng bán cho một lần tiêu thụ, và cả điều luật xử phạt nặng người bán vi phạm.

“Ngành công nghiệp rượu bia ngăn chặn việc ra các điều luật này (nội dung mà các nước phát triển đã làm), và đưa ra "chiêu trò" uống có trách nhiệm để gạt bỏ các kiến nghị ra điều luật kiểm soát như quốc tế làm! Trên thực tế, với những người đã “bập” vào rượu bia, họ sẽ chạy theo "nộp tiền tự nguyện suốt đời", bởi đơn giản rượu bia là chất gây nghiện!” – TS Trần Tuấn nhấn mạnh.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201905/du-thao-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-bi-vui-dap-nhu-the-nao-632493/