Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia: Lý do cấm bán rượu sau 22 giờ...

Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có đưa ra 3 khung giờ được phép bán rượu, bia. Theo đó, việc mua bán này bị cấm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Theo Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Bộ Y tế đề xuất 3 phương án được phép bán rượu, bia gồm: Chỉ được bán rượu, bia từ 11 giờ - 14 giờ và 17 giờ - 22 giờ hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch; Được bán từ 6 giờ - 22 giờ hàng ngày trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch;

Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.

Theo TS.Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, các nước khác đều thành công trong việc quy định địa điểm bán và giờ bán. Chẳng hạn như Thái Lan quy định giờ bán là trong giờ ăn trưa, ăn tối, còn ngoài giờ ăn thì không được bán. Còn các nước khác thì không bán vào giờ khuya, từ 22 giờ - 23 giờ trở đi, trừ một số địa điểm.

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Quy định về địa điểm, thời gian bán rượu, bia chỉ là một trong những biện pháp để hạn chế tác hại. ảnh: V.Hà

“Các nghiên cứu cho thấy, 20 giờ - 24 giờ là lúc cơ địa con người cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì chúng ta lại vui chơi và uống chất kích thích. Điều này nếu tích lũy lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt tác động lớn đến hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hô hấp và tim mạch. Uống vào giờ đó mà tiếp tục tham gia giao thông thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng-một ví dụ điển hình về tác hại của việc uống rượu bia sau 22 giờ là sự việc người lái xe bán tải đã kéo lê xe máy hàng trăm mét trên phố Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội diễn ra ngày 11-4 vừa qua”, TS. Quang nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về việc quy định bán rượu, bia theo giờ có khả thi hay khi sau 22 giờ vẫn có người đến hỏi mua và ai sẽ giám sát việc mua bán rượu theo giờ, TS Nguyễn Huy Quang cho rằng: Dự thảo Luật chỉ quy định phạt người bán chứ không phạt người mua và đây là quy định của Nhà nước đã được thông qua vì gắn với lợi ích cộng đồng thì phải tuân thủ và chấp hành, chứ không phải tự do cá nhân. Nếu không chấp hành thì không còn gọi là trật tự pháp luật nữa.

Bên cạnh đó, có quan điểm rằng, trong khi chưa kiểm soát được chất lượng rượu, bia, rượu giả, kém chất lượng, rượu pha cồn công nghiệp… thì kiểm soát giờ bán có đạt hiệu quả hay không? Trả lời vấn đề này, TS Quang cho rằng: Vấn đề này cần hiểu rộng ra trong cái nhìn tổng thể, vì kiểm soát chất lượng, rượu giả… đã nằm rải rác ở các luật khác nhau, chẳng hạn là trong Luật Thương mại, nhưng ở góc độ nào đó vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì vậy, Luật Phòng chống rượu bia ban hành để có một cơ chế pháp lý để kiểm soát vấn đề này một cách tốt hơn.

Mục tiêu của Luật đầu tiên là giảm tác hại của rượu bia đối với sức khỏe không chỉ cho cá nhân người uống mà còn cho người xung quanh và cộng đồng; liên quan đến cả kinh tế của cá nhân người uống, sức khỏe để làm ra của cải, gánh nặng kinh tế của gia đình và xã hội khi có tai nạn, bệnh tật xảy ra. Về mặt xã hội thì giảm bạo lực gia đình, bạo lực ngoài đường phố…

Quy định về địa điểm, thời gian bán rượu, bia chỉ là một trong những biện pháp để hạn chế tác hại. Những quy định này đã thành công ở nước ngoài thì Việt Nam nên học tập. Nếu cứ đặt vấn đề ngược lại như có kiểm soát được không, có phạt được không thì sẽ không bao giờ xây dựng được một Luật nào. Đôi khi Luật đưa ra những quy định nhằm định hướng hành vi, chứ không phải xem xét là có vi phạm hay không để phạt. Khi Luật mới ra đời thì không thể tốt trong một sớm một chiều mà đòi hỏi cần phải có thời gian, TS. Quang bày tỏ.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/du-thao-luat-phong-chong-tac-hai-ruou-bia-ly-do-cam-ban-ruou-sau-22-gio-114014.html