Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi): Đề xuất giữ nguyên thanh tra cấp huyện

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) có nhiều nội dung đổi mới. Một trong những nội dung thay đổi quan trọng là các cơ quan thanh tra được tổ chức, sắp xếp lại, trong đó có cơ quan tiếp công dân cấp tỉnh và cấp huyện. Dự thảo Luật Thanh tra dự kiến sẽ đưa Ban Tiếp công dân cấp tỉnh thuộc cơ cấu của thanh tra tỉnh, do một Phó chánh Thanh tra tỉnh làm Trưởng ban.

Theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đề xuất ban đầu không tổ chức thanh tra huyện sẽ giảm được đầu mối cơ quan thanh tra và các chức danh lãnh đạo cơ quan này; góp phần tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước, chi phí vận hành thường xuyên khác. Tuy nhiên huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có giúp UBND thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng. Vì vậy, nhiều ý kiến đồng tình tổ chức thanh tra huyện được giữ nguyên như Luật hiện hành.

Ông PHẠM HỒNG THU, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc: “Thanh tra cấp huyện là hết sức cần thiết, đó là công cụ của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện để giúp cho các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, thứ 2 nó cũng là ” chân rết” ngành dọc của cơ quan thanh tra cấp tỉnh để giúp cho cơ quan thanh tra cấp tỉnh xử lý việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ”.

Ông NGUYỄN AN HUY, Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội: “Thanh tra cấp huyện có vai trò rất lớn trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là trong các quân huyện ở Hà Nội họ tổ chức 2-4 lần thanh tra 1 năm, như vậy rất là tốt trong khi nếu bỏ thanh tra cấp huyện đưa về cấp tỉnh thì rất khó thực hiện được việc đó.”

Đối với Ban tiếp công dân, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND sẽ đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND và có nhiều thuận lợi trong phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như bảo đảm hiệu lực thi hành của các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi đã giữ nguyên tổ chức các Ban tiếp công dân ở địa phương thuộc Văn phòng UBND.

Ông PHẠM HỒNG THU, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc: “Về Ban tiếp công dân cấp tỉnh nên chuyển về đầu mối cơ quan thanh tra cấp tỉnh để thống nhất việc tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Làm vậy sẽ tập trung và có hiệu quả hơn.”

Ông NGUYỄN AN HUY, Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội: “Tôi đề nghị nên có quy định cụ thể cho một số Sở là nên có thanh tra hay không có thanh tra thì nó sẽ hiệu quả hơn trong hoạt động quản lý của chúng ta”.

Thực tế việc tổ chức thanh tra Sở theo nhu cầu quản lý của từng địa phương sẽ phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được xác định tại các Văn kiện của Đảng và nhà nước, phù hợp với thẩm quyền của UBND trong việc tổ chức cơ quan chuyên môn theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Thực hiện : Bích Liên Phạm Kiên

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/to-chuc-sap-xep-lai-co-quan-tiep-cong-dan-cap-tinh-va-cap-huyen