Dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP: Không nên trở thành bước lùi chính sách

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi sửa đổi Nghị định 86/2014/ND-CP, nội dung xã hội chờ đợi nhất là sự tiến bộ, trong đó ít nhất phải tạo môi trường thuận lợi, cho phép doanh nghiệp có môi trường ứng dụng công nghệ vào kinh doanh vận tải.

Trao đổi với phóng viên báo An ninh Thủ đô, ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong quá trình sửa đổi Nghị định 86/2014/ND-CP, vấn đề xã hội chờ đợi nhất là sự tiến bộ của quy định về kinh doanh vận tải, trong đó ít nhất phải tạo môi trường thuận lợi, cho phép doanh nghiệp có môi trường ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, mục tiêu này hoàn toàn không có được, thậm chí còn bó hẹp như một bước lùi so với Nghị định 86/NĐ-CP hiện hành.

- Vì sao ông lại đưa nhận định như vậy, thưa ông?

- Ông Phan Đức Hiếu: Thứ nhất, Dự thảo Nghị định không chỉ hạn chế quyền của doanh nghiệp mà còn hạn chế đến quyền của người tiêu dùng so với Nghị định hiện này.

Cụ thể, dự thảo quy định xe dưới 9 chỗ ngồi không được ứng dụng hợp đồng điện tử, nếu muốn ứng dụng thì phải chuyển sang kinh doanh taxi. Vậy, nếu người tiêu dùng muốn thuê một chiếc ô tô cá nhân có việc riêng, không muốn thuê xe taxi thì lại không có cơ hội thuê được xe một cách nhanh chóng và thuận tiện nhờ ứng dụng công nghệ.

Xe dưới 9 chỗ muốn kinh doanh hợp đồng thì phải ứng dụng hợp đồng giấy; nghĩa là nếu người tiêu dùng muốn thuê thì có thể phải đến tận nơi để ký kết hợp đồng. Rõ ràng là khó khăn hơn trong việc tiếp cận dịch vụ vận tải, ảnh hưởng đến lợi ích người dân. Đây là một bước tiến hay lùi? Theo tôi, rõ ràng là một bước lùi!

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP còn lúng túng

Còn đối với người kinh doanh thì nghiêm trọng hơn, nếu dùng ứng dụng công nghệ thì bị họ bị mất cơ hội kinh doanh. Trong khi đó, chủ trương của Chính phủ là thúc đẩy công nghệ vào kinh doanh trong mọi ngành, lĩnh vực thì đối với vận tải, nếu ứng dụng công nghệ họ lại không có cơ hội để kinh doanh (xe hợp đồng dưới 9 chỗ). Vậy, quyền của người kinh doanh đã bị thu hẹp, buộc doanh nghiệp phải kinh doanh với hình thức lạc hậu (hợp đồng giấy).

Lợi ích của xã hội, của người tiêu dùng là có quyền được lựa chọn hình thức, dịch vụ nào là phù hợp. Quyền này phải được tôn trọng và đảm bảo thực thi.

-Thưa ông, tại sao lại có xu hướng tụt lùi này khi Ban soạn thảo chắp bút xây dựng dự thảo?

- Dư luận cũng đã chia sẻ nhiều với đơn vị chắp bút soạn thảo. Việc sửa Nghị định 86/NĐ-CP là việc khó, chịu áp lực lớn từ nhiều bên, buộc Ban soạn thảo phải tìm ra cách nào đó để hài hòa lợi ích của các bên. Dù vậy, bản dự thảo trình Chính phủ vào đầu tháng 10 vừa qua thể hiện sự lúng túng của Ban soạn thảo trước sức ép về lợi ích của nhiều bên, giữa cái truyền thống và cái mới. Song, như vậy mới cần sự dũng cảm của cơ quan quản lý Nhà nước.

- Vậy theo ông, dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP nên tiếp cận theo hướng nào?

- Dự thảo cần tiếp cận theo cách thức, phải đặt được lợi ích chung của xã hội lên trên hết. Thứ nữa, cần tạo ra mội trường để các bên có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây là hai mục tiêu phải được đặt lên cao nhất. Song, để đáp ứng hai mục tiêu này thì cũng có thể gây tác động bất lợi cho mô hình kinh doanh truyền thống khi xuất hiện mô hình kinh doanh mới, đây là câu chuyện cần giải quyết.

Trong trường hợp cái mới có thể gây tác động xấu đến cái cũ thì Nhà nước một mặt "cởi trói" quy định hiện hành; mặt khác nên suy nghĩ về chính sách hỗ trợ cho mô hình kinh doanh truyền thống chuyển đổi kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại. Hỗ trợ có thể về chính sách, về kỹ thuật…

Đó là vì lợi ích chung của xã hội, chứ không phải tiếp cận theo cách thức hiện nay, là bắt các mô hình kinh doanh mới gò vào cái cũ. Làm như vậy không những xảy ra thiệt hại trước mắt mà về lâu dài, môi trường đầu tư kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng;chủ trương khuyến khích thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng không đạt được.

- Dự thảo có đưa ra quy định, một số doanh nghiệp công nghệ như Grab, Uber hay Fastgo sẽ phải là doanh nghiệp vận tải, quan điểm của ông?

- Quy định này rất không hợp lý. Hiện nay xuất hiện những mô hình và phương thức kinh doanh rất mới, thậm chí không tồn tại trong suy nghĩ của những nhà làm luật. Dù vậy, không thể đưa những phương thức rất mới này vào những phương thức kinh doanh mà chúng ta đã áp đặt nhiều năm nay.

Trong khi đó, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều doanh nghiệp sẽ không lựa chọn kinh doanh theo cách truyền thống, là kinh doanh tất cả các khâu, mà chỉ chọn một khâu. Như Grab, chỉ chọn khâu xây dựng một phần mềm, sau đó sử dụng phần mềm này để kết nối giữa phương tiện, người lái xe chuyên nghiệp và người tiêu dùng. Doanh nghiệp chỉ kinh doanh ở khâu kết nối, nền tảng.

Trong mô hình kinh tế hiện nay xuất hiện mô hình kinh doanh dịch vụ nền tảng (Platform), rất nhiều doanh nghiệp hình thành chỉ làm vai trò trung gian, kết nối. Còn nếu theo cách tiếp cận của dự thảo Nghị định của Bộ GTVT thì các doanh nghiệp kết nối khách sạn thì cũng buộc phải có Giấy phép kinh doanh khách sạn; hay sắp tới có thể có dịch vụ kết nối trong y tế khám chữa bệnh cũng phải là doanh nghiệp kinh doanh y tế hay sao? Càng ngày, sự phân hóa càng rất rõ rệt, chứ không còn đi theo mô hình truyền thống, một doanh nghiệp làm từ A đến Z.

- Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về Dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP lần này?

- Tôi mong muốn Chính phủ không thông qua dự thảo Nghị định này. Bản chất của việc ứng dụng khoa học công nghệ cho phương thức kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng giúp loại hình này linh hoạt hơn, dễ dàng hơn, còn bản chất không khác gì với ngày xưa.

Song vì linh hoạt, kịp thời và thuận tiện hơn nên cạnh tranh hơn với các loại hình khác như taxi, xe cố định. Nếu chúng ta vẫn giữ tư duy "thấy mô hình này cạnh tranh mạnh hơn lại bắt phải kinh doanh như taxi" hay phải khác với tuyến cố định, thì theo tôi đây là một tư duy thụt lùi chứ không phải tiến bộ.

Khung pháp luật phải tạo điều kiện cho người kinh doanh có quyền lựa chọn chứ không phải đưa ra những ràng buộc chéo ngoe để họ không thể kinh doanh được, hạn chế cạnh tranh.

Khuôn khổ pháp luật phải tạo ra được một môi trường kinh doanh bình đẳng, tùy vào năng lực, chiến lược kinh doanh mà có thể linh hoạt, tự do lựa chọn hình thức phù hợp nhất.

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/du-thao-nghi-dinh-86-ndcp-khong-nen-tro-thanh-buoc-lui-chinh-sach/788922.antd