Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Cần có thêm hình thức xử phạt 'cảnh cáo'

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã nhận ý kiến nhiều chiều từ dư luận.

Ông Mai Tấn Linh- Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng.

P.V: Ông có thể cho bạn đọc biết, Dự thảo có quy định nộp phạt cụ thể như thế nào? mục đích của quy định này là gì?

Ông Mai Tấn Linh: Dự thảo có quy định phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Ngoài ra, nếu xúc phạm học sinh, giáo viên có thể bị phạt hàng chục triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Ngoài phạt tiền, sẽ đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên. Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học. Nghị định này là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý điều chỉnh, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực giáo dục, nhằm tạo môi trường giáo dục công bằng, lành mạnh.

P.V: Theo ông, các quy định này đã rõ ràng, cụ thể hay chưa? Đặc biệt là quy định về dạy thêm?

Ông Mai Tấn Linh: Dự thảo sửa đổi lần này đã bổ sung thêm một số nội dung, hành vi vi phạm và mức phạt tương ứng, rất rõ ràng, thuận lợi cho người có thẩm quyền xử phạt áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Nói riêng quy định về dạy thêm, đã bổ sung nội dung phạt, mức phạt đối với các hành vi: Người tham gia dạy thêm không đạt chuẩn đào tạo; thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa; dạy thêm không đúng địa điểm cấp phép; tổ chức dạy thêm khi giấy phép hết hạn; ép buộc học sinh học thêm; dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc đã học 2 buổi/ngày. Về mức phạt, tăng từ 1,5 đến 2,0 lần so với mức cũ.

P.V: Nhiều ý kiến cho rằng, phạt tiền nặng sẽ gây áp lực tâm lý giáo viên, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng giáo dục), quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Mai Tấn Linh: Việc Chính phủ đề ra các biện pháp chế tài đối với các chủ thể có hành vi làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người học là thật sự cần thiết, nhằm đảm bảo công bằng trong hoạt động giáo dục. Ở những thời điểm cụ thể, tình hình vi phạm đến quyền lợi người học mang tính phức tạp, xảy ra trên diện rộng, tần suất nhiều thì cần phải có những chế tài mạnh hơn. Như thời gian vừa qua, có tình trạng xâm phạm đến thân thể, xúc phạm danh dự người học diễn ra nhiều nơi với các hành vi gây bức xúc, phẫn nộ của dư luận thì cần có mức phạt cao hơn để răn đe. Việc xử phạt một người có hành vi vi phạm các quy định về giáo dục sẽ có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh nhiều người.

P.V: Theo ông, Bộ GD&ĐT có Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT, Luật GD 2005 dành hẳn chương IV với 13 điều quy định về "Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo"…, nay có thêm quy định xử phạt hành chính liệu có chồng chéo, cần thiết hay không?

Ông Mai Tấn Linh: Việc xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết và không chồng chéo. Theo Điều 75 của Luật Giáo dục 2005: Nhà giáo không được có các hành vi: " … xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền …" hay chương IV với 13 điều của Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về "Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo" đó là những quy định, nếu chủ thể nào có hành vi vi phạm các điều đã nêu thì cần có hình thức chế tài, xử phạt.

P.V: Ông có thể cho biết, ý kiến của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đối với dự thảo này?

Ông Mai Tấn Linh: Tại thành phố Đà Nẵng, qua thanh tra, phát hiện chủ thể vi phạm, tùy mức độ, tính chất, nội dung sai phạm để áp dụng các điều khoản theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP tiến hành xử phạt. Chánh Thanh tra Sở đã ban hành quyết định xử phạt đối với 38 trường hợp, tổng số tiền xử phạt là 151,9 triệu đồng. Các hành vi vi phạm gồm: Về dạy thêm, học thêm: 24 trường hợp/77 triệu đồng; về cấp chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện: 03 trường hợp/27 triệu đồng; về tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học: 01 trường hợp/0,5 triệu đồng; về không sử dụng thiết bị dạy học đã được trang bị: 02 trường hợp/0,4 triệu đồng; về sử dụng giáo viên không đạt chuẩn: 02 trường hợp/4 triệu đồng; về xúc phạm thân thể người học: 02 trường hợp/10 triệu đồng; về xúc phạm thân thể người dạy: 01 trường hợp/7 triệu đồng; về không thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục: 02 trường hợp/16 triệu đồng; về tự ý thành lập cơ sở giáo dục: 01 trường hợp/10 triệu đồng. Đối tượng vi phạm đã thực hiện nghiêm túc quyết định xử phạt, không có trường hợp nào phải cưỡng chế thi hành; số tiền xử phạt đã được nộp đầy đủ, đúng thời hạn vào Kho bạc nhà nước theo quy định.

Như vậy, có thể nói, tại Đà Nẵng việc xử phạt vi phạm hành chính đã được áp dụng thường xuyên và có những tác động chấn chỉnh, ổn định hoạt động quản lý dạy học ở nhiều nội dung, nhiều đối tượng. Đây chỉ là Dự thảo được lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội, với nhiều chủ thể, nhiều cách nhìn khác nhau. Đứng ở góc độ người học (người được hưởng lợi) hay cơ quan quản lý sẽ có cách nhìn khác; đối tượng bị điều chỉnh, bị xử phạt sẽ có cách nghĩ khác. Theo chúng tôi, Dự thảo lần này có nhiều điểm mới, bao quát cơ bản các nội dung giáo dục, hành vi vi phạm và đề ra các mức xử phạt hợp lý. Mặc dù vậy, một số điều của dự thảo Nghị định sửa đổi cần có thêm hình thức xử phạt "Cảnh cáo" để tùy theo mức độ, tính chất, hoàn cảnh, không gian, tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm mà người có thẩm quyền xử phạt áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính tiến hành áp dụng hình thức phạt cảnh cáo hay phạt tiền, mức phạt phù hợp nhất.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TRANG TRẦN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_196583_du-thao-nghi-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-giao-duc-can-co-them-hinh-thuc-xu-phat-canh-cao-.aspx