Dự thảo Nghị quyết về các tội xâm hại tình dục cần có phương án bảo vệ từ xa cho nạn nhân

Luật sư góp ý cần bổ sung cả tội dâm ô người trên 16 tuổi để tránh tình trạng cùng hành vi xâm hại tình dục trong thang máy, người chỉ bị xử phạt 200.000 đồng, người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lần đầu tiên Tòa tối cao lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành Nghị quyết

TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng về các tội xâm hại tình dục của Bộ luật Hình sự.

Nhiều vụ án xâm hại tình dục đã được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật

Nhiều vụ án xâm hại tình dục đã được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật

Về phạm vi áp dụng, dự kiến nghị quyết chỉ hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điêù141 tội hiếp dâm; Điều 142 tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 143 tội cưỡng dâm; Điều 144 tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145 tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 146 tội dâm ô với người dưới 16 tuổi; Điều 147 tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm của BLHS.

Mục đích của việc này là nhằm hướng dẫn thống nhất trong việc áp dụng pháp luật; tăng cường hiệu quả trong việc phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm về tình dục.

Tuy vậy, một số quan điểm cho rằng nội dung dự thảo vẫn còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, khó áp dụng. Để có góc nhìn đa chiều về nội dung này, PV Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội.

Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội

Với nhiều năm công tác trong ngành pháp luật, trực tiếp xét xử nhiều vụ án, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết: Đây là lần đầu tiên Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành một Nghị quyết. Từ trước tới nay chưa hề có việc này.

Ông đánh giá: “Lần đầu tiên tòa Tối cao trước khi ban hành Nghị quyết đã lấy ý kiến rộng rãi của các tòa án địa phương, cũng như mở các cuộc hội thảo để thảo luận về dự thảo nghị quyết. Theo tôi đánh giá đó là việc làm rất dân chủ”.

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng về các tội xâm hại tình dục, thẩm phán Toàn đánh giá nội dung dự thảo Nghị quyết là rất đầy đủ, toàn diện, chi tiết và cũng rất phù hợp với các tội danh được quy định trong BLHS về tội xâm phạm tình dục.

“Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các tội phạm xâm hại tình dục tương đối rõ ràng, khi đưa vào áp dụng thì rất cụ thể, xóa tan ranh giới mập mờ giữa các tội danh. Theo tôi dự thảo không có gì để tranh cãi, nói chung là một dự thảo sâu sắc, toàn diện”, trích lời thẩm phán Toàn.

Trước câu hỏi, có bắt buộc hành vi giao cấu là do nam giới thực hiện? Thẩm phán Toàn cho biết: Trong dự thảo Nghị quyết cũng đã đưa ra khái niệm khái quát, rõ ràng, thế nào là hành vi giao cấu.

Trích nội dung dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, “Hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục không phân biệt chủ thể thực hiện là nam hay nữ, đồng giới hay khác giới vì điều luật quy định “người nào…” tức là bất cứ ai có năng lực hành vi, năng lực trách nhiệm hình sự”.

Cần bảo vệ từ xa cho nạn nhân

Cùng trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa ra quan điểm: Dự thảo Nghị quyết hội đồng thẩm phán mới của TAND tối cao cũng đã làm rõ được một số khái niệm về hành vi giao cấu, quan hệ khác và hành vi dâm ô. Tuy nhiên, với cách nhìn nhận, đánh giá như vậy là chưa phù hợp với thực tiễn, nhận thức, quan điểm xã hội về các hành vi dâm ô, giao cấu khác...

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối

Thứ hai, cần mở rộng phạm vi xử lý đối với hành vi dâm ô. “Chúng ta chỉ tập trung xử lý hành vi trực tiếp mà quên mất rằng, cần phải đấu tranh, phòng ngừa từ xa với các hành vi dâm ô như: Nhìn trộm người khác tắm, thay quần áo; gắn camera quay cảnh nhạy cảm (đi vệ sinh, thay quần áo, tắm rửa mà rất nhiều vụ việc đang xảy ra) hoặc các hành vi tương tự như vậy. Cần đưa các các hành vi phản cảm như tự sướng nơi công cộng, quấy rối tình dục bằng việc gửi các hình ảnh đồi trụy cho nạn nhân ... Chúng ta cần phải bảo vệ từ xa cho nạn nhân”, luật sư Hùng nói.

Cũng theo quan điểm của luật sư Hùng: Trong nhóm các hành vi trực tiếp, chúng ta cần đưa cả hành vi hôn, thơm có chủ ý bất cứ bộ phận nào trên cơ thể nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục, và các hành vi đụng chạm cố ý vào những bộ phận nhạy cảm bằng bất cứ bộ phận nào trên cơ thể ...Hoặc ép nạn nhân đụng chạm những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể đối tượng...

“Như vậy, chúng ta cần đánh giá trên cơ sở thuần phong mỹ tục, thực tế xã hội để có cách nhìn nhận, đánh giá chi tiết hơn nữa về các hành vi dâm ô phù hợp với sự phát triển, nhận thức của xã hội”, luật sư Hùng nói.

Đưa ra quan điểm góp ý, luật sư Hùng cho rằng, cần bổ sung cả tội dâm ô người trên 16 tuổi.

Luật sư Hùng cho biết, hành vi dâm ô người trên 16 tuổi đã được quy định trong bộ luật hình sự năm 1999, nhưng đến bộ luật hình sự mới 2015 (có hiệu lực 1/1/2018) lại bỏ quy định này. Đây là một điều thiếu sót trong quá trình xây dựng, ban hành quy định pháp luật. Trong khi đó, đối với nạn nhân trên 16 tuổi cũng cần phải được pháp luật bảo vệ chống lại các hành vi dâm ô, quấy rối tình dục.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLHS thì "người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác" là dấu hiệu định tội của tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Như vậy, chủ thể của tội dâm ô này phải là người đủ 18 tuổi và nạn nhân phải là người dưới 16 tuổi (trẻ em).

“Chính vì BLHS chưa có quy định về tội dâm ô với người từ 16 tuổi trở lên, nên mới dẫn đến vụ việc sàm sỡ trong thang máy đối với nữ sinh ở Hà Nội (nạn nhân trên 16 tuổi) thì "kẻ biến thái" chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 200.000 đồng! Trong khi đó, hành vi "nựng" cháu bé trong thang máy của Nguyễn Hữu Linh tại TP.HCM thì đã bị khởi tố, truy tố về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi”, luật sư Hùng dẫn chứng 2 sự việc xâm hại tình dục xảy ra gần đây nhưng cách giải quyết lại hoàn toàn khác nhau.

“Buộc tội “yêu râu xanh” trên cơ sở đong, đếm tổn hại của nạn nhân là không cần thiết”

Đưa ra quan điểm pháp lý về dự thảo Nghị quyết đối với tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc đưa cụm từ “nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội” là không phù hợp với Điều 146 BLHS. Hướng dẫn như vậy là không cần thiết mà còn làm khó cho cơ quan tố tụng khi chứng minh tội phạm. Bởi, đối tượng thực hiện hành vi sẽ cãi phăng rằng đó là tình cờ… chứ chẳng dại gì nhận “nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục”.

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín

Theo quy định tạiĐiều 146 BLHS 2015 thì, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là tội phạm có cấu thành hình thức; tức căn cứ vào hành vi vi phạm để xác định trách nhiệm hình sự chứ không dựa vào hậu quả hay những tổn hại từ hành vi dâm ô gây ra.

Theo luật sư Hiền, Nghị quyết dùng để hướng dẫn luật chứ không được sửa đổi hay bổ sung luật. Hành vi dâm ô không chỉ gây nên những tổn hại cho sức khỏe mà còn gây nên những chấn thương tâm lý đối với sự phát triển sau này của trẻ. Do vậy, việc đong, đếm hậu quả của bị hại để buộc tội là không cần thiết.

Tư Viễn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-thao-nghi-quyet-ve-cac-toi-xam-hai-tinh-duc-can-co-phuong-an-bao-ve-tu-xa-cho-nan-nhan-a442942.html