Dự thảo thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Mê

Sở NN&PTNT Thanh Hóa vừa có công văn gửi các Sở, ban ngành về việc tham gia ý kiến nội dung Dự thảo tờ trình thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Mê (huyện Tĩnh Gia) để trình cấp trên xem xét, phê duyệt.

Toàn cảnh khu vưc đảo Hòn Mê.

Toàn cảnh khu vưc đảo Hòn Mê.

Việc thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Mê giúp quản lý, duy trì và bảo vệ hiệu quả đa dạng sinh học biển (các hệ sinh thái rạn san hô và rong biển); các loài thủy sinh vật biển; nguồn gen, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển kinh tế và phát triển du lịch sinh thái, cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân. Việc thành lập khu bảo tồn góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Cần thiết thành lập khu bảo tồn biển Hòn Mê

Mới đây, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có tờ trình dự thảo về việc đề nghị thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Mê gửi UBND tỉnh Thanh Hóa.

Khu bảo tồn biển Hòn Mê là 1 trong 16 khu bảo tồn biển được đề xuất trong Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 và đã được Bộ NN&PTNT lập quy hoạch.

Khu vực dự kiến đề xuất quy hoạch là vùng biển xung quanh quần đảo Hòn Mê, nằm ở phía nam tỉnh Thanh Hóa, nằm cách đất liền khoảng 11km thuộc xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia với diện tích khu bảo tồn được đề xuất là 6.700ha. Trong đó, diện tích đảo nổi khoảng 537,5ha, đảo Hòn Mê lớn 450ha và 10 hòn đảo nhỏ còn lại khác .

Đảo Hòn Mê nằm cách đất liền khoảng 11km thuộc xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa .

Bên cạnh đó, khí hậu tại khu vực này thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của 2 mùa gió là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Quần đảo Hòn Mê được đánh giá là nơi có giá trị về sinh học và sự đa dạng về sinh cảnh và là hòn đảo lớn nhất và duy nhất có rừng và động vật hoang dã cư trú đáng được quan tâm nghiên cứu (ADB, 1999) và được Viện Hải dương học Hải Phòng tập trung nghiên cứu các đối tượng sinh vật biển xung quanh đảo Hòn Mê. Trên cơ sở đó đảo Hòn Mê được đưa vào danh mục 16 khu bảo tồn được đề xuất.

Nơi đây cũng được xem là ngư trường đánh bắt quan trọng ở Vịnh Bắc Bộ, là khu vực khai thác thủy sản của đa số ngư dân huyện Tĩnh Gia và các huyện, thành phố ven biển của tỉnh Thanh Hóa cũng như ngư dân của các tỉnh khác.

Theo kết quả điều tra và ghi nhận trước đây khu vực xung quanh đảo Hòn Mê có nhiều loài sinh vật biển lên tới 440 loài thuộc 165 giống, bao gồm 133 loài thực vật phù du, 46 loài động vật phù du, 8 loài rong biển, 56 loài san hô, 141 loài động vật đáy và 55 loài cá san hô. Tuy nhiên hiện nay các rạn san hô đang bị suy thoái, nhiều nơi chỉ còn nhóm san hô rạn khối có độ che phủ không cao.

Ngoài ra, việc bảo vệ rừng nhiệt đới trên đảo được bảo tồn tốt với độ che phủ cao nên trên đảo cũng có nhiều loài động vật như khỉ, sóc, chồn… sinh sống.

Mặc dù nguồn sinh học biển đa dạng và phong phú nhưng hiện chưa được quản lý, khai thác hiệu quả và bền vững như vẫn còn xảy ra tình trạng sử dụng chất nổ và sử dụng lưới có kích thước nhỏ cũng như sử dụng công cụ trái phép đang trở thành vấn nạn và thách thức đối với công tác quản lý nguồn lợi thủy sản khu vực này.

Trước những sức ép ngày càng ra tăng từ các hoạt động khai thác hải sản, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là biến đổi khí hậu và nước biển dâng khiến cho khu vực này chịu nhiều khó khăn và thách thức đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của tài nguyên sinh học biển tại khu vực này. Qua đó cho thấy việc thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Mê là rất cần thiết.

Khu vực đảo Hòn Mê có sinh vật biển đa dạng.

Xây dựng nhiều vùng bảo vệ và phục hồi

Khu bảo tồn biển Hòn Mê với tổng diện tích dự kiến là 6.700ha trong đó được chia ra thành nhiều vùng bảo vệ, vùng phục hồi, vùng sinh thái khác nhau.

Cụ thể, vùng bảo vệ nghiêm ngặt với tổng số 674,0 ha (trong đó 662,1ha diện tích mặt biển; 11,9ha diện tích đảo được chia làm 2 vùng bảo vệ nghiêm ngặt 1 và 2). Vùng phục hồi sinh thái được đề xuất với tổng diện tích 1.070,0 ha với diện tích mặt nước là 994,4 ha và diện tích các đảo là 75,6 ha và được chia làm 3 vùng phục hồi sinh thái.

Ngoài ra, vùng phát triển là khu vực đảo Hòn Mê lớn là khu đảo quân sự, trên đảo không có dân sinh sống, chỉ có bộ đội đóng quân nên trên đảo chủ yếu là các công trình quân sự, chính vì vậy đảo Hòn Mê lớn được đề xuất vào vùng phát triển để không ảnh hưởng hạn chế đến các hoạt động quân sự trên đảo và được đề xuất với tổng diện tích 4.956,0ha. (bao gồm đảo Hòn Mê lớn 450 ha và 4.506 ha diện tích mặt nước).

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng lên 2 chương trình ưu tiên phát triển theo 2 giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, giai đoạn 2018-2020 được ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng trụ sở Khu bảo tồn biển Hòn Mê, xây dựng các trạm tuần tra bảo vệ, xây dựng hệ thống phao đánh dấu điểm mốc ranh giới khu bảo tồn và phân khu , điều chỉnh quy hoạch và hoàn thiện quy chế quản lý bảo tồn và hoạt động của BQL, triển khai điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học...

Giai đoạn 2020-2025 cụ thể hóa các dự án trong chiến lược hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững, tiếp tục triển khai dự án điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học, các dự án phát triển du lịch sinh thái.

Trần Nghị

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/du-thao-thanh-lap-khu-bao-ton-bien-hon-me-post272348.info