Dự thảo Thông tư Hội thi khoa học, kĩ thuật học sinh: Cần tăng điểm nội dung sáng tạo, phỏng vấn

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Quy chế Hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông để lấy ý kiến xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến xã hội đóng góp cho quy chế hội thi khoa học, kĩ thuật học sinh sau nhiều bàn luận trái chiều về cuộc thi này.

Để hội thi khoa học, kĩ thuật học sinh đi vào thực chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát và chỉnh sửa một số nội dung trong dự thảo Thông tư sau đây.

Thứ nhất, Điều 2: Mục đích, yêu cầu, phần "mục đích" nên bỏ nội dung: "Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế".

Bởi vì, thực tiễn tổ chức cuộc thi khoa học, kĩ thuật hàng năm cho thấy, học sinh trong và ngoài tỉnh chưa "giới thiệu kết quả nghiên cứu" và cũng chưa "trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương".

Sau khi cuộc thi khoa học kĩ thuật có kết quả, các địa phương chỉ công bố dự án và tên học sinh đoạt giải. Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không công bố tên các dự án đoạt giải quốc gia như các năm trước.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên nội dung này, thiết nghĩ, cần công bố nội dung toàn văn các dự án đoạt giải từ cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế để học sinh, giáo viên có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Thứ hai, Điều 4: Yêu cầu đối với dự án dự thi quy định: "Bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hay trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là của mình".

Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm quy định về liêm chính khoa học để cụ thể hóa tính trung thực trong việc nghiên cứu khoa học, kĩ thuật. Chẳng hạn, nghiêm cấm giáo viên hướng dẫn và học sinh vi phạm các hành vi như đạo văn, tự đạo văn, bịa đặt, ngụy tạo…

Thứ ba, Điều 5: Đơn vị dự thi, thí sinh và người hướng dẫn nghiên cứu quy định: "Đối với các đơn vị dự thi là Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 03 (ba) dự án dự thi".

Việc khống chế "mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 03 (ba) dự án" khiến những trường phổ thông có tiềm năng về nghiên cứu khoa học, kĩ thuật chịu rất nhiều thiệt thòi so với các trường khác. Cụ thể, sẽ lãng phí chất xám của giáo viên hướng dẫn và học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.

Cùng với đó, quy định thí sinh là học sinh lớp: 8, 9, 10, 11, 12 cũng cần được xem xét lại. Học sinh lớp 8 (14 tuổi), lớp 9 (15 tuổi) liệu các em có đủ khả năng để nghiên cứu các lĩnh vực như dự thảo Thông tư: Toán; Vật lí và Thiên văn; Hóa học; Sinh học; Tin học; Kĩ thuật và Công nghệ; Khoa học Trái đất và Môi trường; Khoa học xã hội?

Thứ tư, Điều 19: Xếp giải Hội thi quy định: "Xếp giải theo lĩnh vực được tiến hành theo từng lĩnh vực dự thi trên cơ sở kết quả chấm dự án dự thi, không phân biệt dự án cá nhân hay dự án tập thể; được thực hiện theo nguyên tắc từ cao xuống thấp theo điểm của dự án dự thi ở từng lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực".

"Tỷ lệ xếp giải tính trên tổng số dự án dự thi theo từng lĩnh vực dự thi không quá 70%. Trong đó: huy chương Vàng không quá 10%; giải huy chương Bạc không quá 20% ; huy chương Đồng không quá 40%".

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có thêm quy định, dự án đạt tối thiểu 50 điểm/100 điểm thì mới được xem xét xếp giải. Cần giảm tổng số dự án dự thi theo từng lĩnh vực dự thi không quá 60% (thay vì 70%).

Thứ năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên điều chỉnh Tiêu chí đánh giá dự án dự thi (Phụ lục). Theo đó, dự thảo Thông tư quy định: câu hỏi nghiên cứu: 10 điểm; thiết kế và phương pháp: 15 điểm; thực hiện: thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu: 15 điểm; tính sáng tạo: 25 điểm; trình bày: 35 điểm, trong đó áp phích (poster): 10 điểm, phỏng vấn: 25 điểm.

Cần giảm điểm các nội dung: "thiết kế và phương pháp"; "trình bày" và tăng điểm "tính sáng tạo", "phỏng vấn". Tính sáng tạo chiếm 50% số điểm thì dự án mới có tính mới. Tăng điểm phỏng vấn cũng là cách giúp giám khảo biết được nội dung dự án có phù hợp với kiến thức, trình độ học sinh hay không.

Hơn nữa, nội dung phỏng vấn của ban giám khảo với học sinh thực hiện dự án cần được chú trọng. Các câu hỏi của ban giám khảo không chỉ giúp học sinh thể hiện được năng lực của bản thân mà còn xác minh tính trung thực của dự án.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/du-thao-thong-tu-hoi-thi-khoa-hoc-ki-thuat-hoc-sinh-can-tang-diem-noi-dung-sang-tao-phong-van-179231203094545226.htm