Dự thảo Thông tư về quản lý tiền công đức: Nên lấy ý kiến của các tổ chức tôn giáo

Bộ Tài chính nên lấy ý kiến của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận khi xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích.

Theo nguồn tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội nghị trao đổi về Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 30/6.

Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Trần Thị Minh Nga cho biết, sau khi Bộ Tài chính ban hành Công văn số 4269 ngày 28/4/2021 về việc lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào Dự thảo Thông tư nêu trên, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến bằng văn bản từ Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các địa phương và các tổ chức tôn giáo nhằm góp ý các nội dung của Dự thảo.

Tuy nhiên, một số tổ chức tôn giáo dù là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Dự thảo Thông tư nhưng lại không được Bộ Tài chính lấy ý kiến theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Nhiều ý kiến cho rằng cần ban hành văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong quản lý thu chi của các cơ sở tín ngưỡng. Ảnh: Ngọc Mai

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của Ban Tôn giáo các địa phương và các tổ chức tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hội nghị lần này nhằm lấy ý kiến một số bộ, ban, ngành về các nội dung liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được quy định trong Dự thảo Thông tư, đặc biệt là nội dung về việc quản lý thu chi tiền công đức đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội và tổ chức tôn giáo.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Thông tư nhằm hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng tài chính trong các cơ sở di tích, tín ngưỡng để phù hợp với các quy định của pháp luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 110 về quản lý và tổ chức lễ hội, chứ không nhằm quản lý, thu hồi về ngân sách Nhà nước, hay can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ chức, cơ sở. Thế nhưng hiện nay, một số tổ chức, cá nhân đang có cách hiểu chưa đúng về mục đích và nội dung của Dự thảo Thông tư.

Tính đến cuối tháng 6/2021, Bộ Tài chính đã nhận được tổng cộng 1.333 ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư của các cá nhân, cơ quan, tổ chức tôn giáo bằng văn bản và thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ. Sau hội nghị lần này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp, tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa Dự thảo Thông tư và gửi lấy ý kiến các bộ, ban, ngành và tổ chức tôn giáo trước khi trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Góp ý tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí về việc cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong quản lý thu chi của các cơ sở tín ngưỡng do hoặc không do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần cân nhắc về hình thức văn bản, các quy định của văn bản phải bảo đảm tính khả thi trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Đặc biệt, Bộ Tài chính nên lấy ý kiến góp ý của tất cả các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.

Nhiều góp ý cụ thể cho Dự thảo cũng đã được nêu rõ, chẳng hạn như góp ý về tên gọi của Dự thảo Thông tư; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Thông tư (cơ sở tín ngưỡng hay cơ sở tôn giáo, di tích tín ngưỡng, di tích tôn giáo hay cả hai, lễ hội tín ngưỡng, lễ hội tôn giáo hay cả hai, di tích không thuộc quản lý nhà nước có chịu điều chỉnh không); các khái niệm cần được định nghĩa nhằm bảo đảm cách hiểu thống nhất trong thực hiện (khái niệm “tiền công đức”, “hòm công đức”, tiền được đóng góp trực tiếp hay thông qua các hình thức chuyển khoản…).

Ngọc Mai

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/dai-doan-ket/nhieu-y-kien-cho-rang-can-ban-hanh-van-ban-huong-dan-nham-bao-dam-tinh-minh-bach-thong-nhat-trong-quan-ly-thu-chi-cua-cac-co-so-tin-nguong-anh-ngoc-mai-289974.html