Dự thảo về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Muộn còn hơn không có

Sau nhiều lùm xùm liên quan đến việc sản phẩm dán nhãn mác 'Made in VietNam' khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần. Mới đây, Bộ Công Thương đã chính thức công bố và lấy ý kiến dư luận cho Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Trước thông tin trên nhiều người cho rằng, Dự thảo là cần thiết song vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được làm rõ.

Tiêu chí nào để xác định "hàng hóa Việt Nam"?

Không phải đến thời điểm này, câu chuyện về khái niệm hàng Việt Nam mới được Nhà nước và người tiêu dùng quan tâm. Để đảm bảo về nguồn gốc sản phẩm xuất xứ tại Việt Nam, từ lâu, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó nêu rõ khái niệm như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các quy định được ban hành hầu như chỉ được áp dụng cho mặt hàng xuất khẩu, nhằm giúp hàng hóa được hưởng lợi về thuế xuất ưu đãi… trong khi đó, đối với hàng hóa lưu thông trong nước, hầu như chưa có quy định cụ thể nào dẫn đến việc, xuất hiện hàng loạt vụ việc gian lận thương mại, mập mờ nguồn gốc xuất xứ.

Trước sự mập mờ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm lưu thông trong nước, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở, giả mạo nguồn gốc sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng. Nhắc đến việc giả mạo nguồn gốc xuất xứ, chắc hẳn nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quên sự việc cuối năm 2017, khi thương hiệu khăn lụa Khaisilk “dính chàm”. Cụ thể, người tiêu dùng đã phát hiện doanh nghiệp này đã cắt bỏ nhãn "made in China" để thay vào đó là nhãn "made in Vietnam". Sự việc bại lộ, người tiêu dùng quay lưng với thương hiệu...

Dự thảo hàng hóa Việt Nam giúp doanh nghiệp chân chính không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ"

Dự thảo hàng hóa Việt Nam giúp doanh nghiệp chân chính không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ"

Trường hợp Khaisilk dễ dàng quy kết doanh nghiệp giả mạo xuất xứ do khăn nhập hoàn toàn từ Trung Quốc, nhưng lại gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam". Tuy nhiên, có nhiều trường hợp hàng hóa trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam, còn linh phụ kiện, nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, thì các cơ quan chức năng lại thiếu căn cứ để phân xử. Trong đó, sự việc lùm xùm mới đây liên quan đến thương hiệu Asanzo đã và đang khiến dư luận quan tâm hơn bao giờ hết đến định nghĩa thế nào là hàng xuất xứ Việt Nam.

Nêu quan điểm về Dự thảo Thông tư trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, Dự thảo đã đưa ra các điều khoản chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích các thuật ngữ sử dụng trong thông tư. Các trường hợp được phép và không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam… Tuy nhiên, Dự thảo cần làm rõ khái niệm thế nào là "Hàng của Việt Nam” hoặc “Hàng Việt Nam”, cũng như khái niệm “Hàng sản xuất tại Việt Nam” hay "Made in Vietnam"…

Cùng chung quan điểm trên, luật sư Đào Đăng Sơn (đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, việc Bộ Công Thương ban hành Dự thảo Thông tư trên là cần thiết trong bối cảnh các hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi như hiện nay. Thế nhưng, để thực hiện những quy định trong thông tư này, cần có một cơ chế, đội ngũ có chuyên môn cao đồng thời áp dụng khoa học, kĩ thuật phục vụ giám định, kiểm tra chất lượng hàng hóa, phục vụ cho việc ghi nhãn để những hàng hóa này được lưu thông trên thị trường đúng với pháp luật và xuất xứ của nó.

Doanh nghiệp tránh được rủi ro, kiện tụng

Trước những ý kiến trái chiều liên quan đến Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có buổi trao đổi với các cơ quan báo chí, qua đó, làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến Dự thảo thông tư. Tài liệu hỏi đáp được các tác giả Trần Quốc Khánh, Phan Văn Chinh, Trịnh Thu Hiền soạn thảo cũng được đưa ra tại buổi trao đổi thông tin này.

Theo tài liệu này, nếu hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn mác thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam thì khi lưu thông trên thị trường, việc ghi nước xuất xứ sẽ được thực hiện theo Nghị định 43/2017. Thông tư của Bộ Công Thương không điều chỉnh các trường hợp này. Tuy nhiên, nếu hàng nhập khẩu lại gắn sẵn nhãn mác thể hiện đó là "hàng Việt Nam" thì Thông tư này sẽ được áp dụng. Cơ quan chức năng sẽ có quyền yêu cầu người nhập khẩu chứng minh đó là hàng Việt Nam trước khi cho phép hàng hóa được thông quan. Đây là điểm mới, rất đáng lưu ý của Thông tư.

Cùng với việc nêu rõ đối tượng áp dụng Thông tư, vấn đề hàng hóa được thể hiện là hàng hóa Việt Nam cũng được lý giải rõ ràng. Theo đó, hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trong 2 trường hợp: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Ngoài ra, hàng hóa được xem là hàng Việt Nam phải đạt tỉ lệ giá trị gia tăng 30% hàm lượng giá trị nội địa chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam. Do đó, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp giấy chứng nhận xuất xứ nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam. Việc đặt ra tỉ lệ 30% cũng để tránh tình huống "oái ăm" là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, các doanh nghiệp không được thể hiện các nội dung "lắp ráp tại Việt Nam", "gia công tại Việt Nam" hay "thiết kế bởi Việt Nam", mà chỉ được phép lựa chọn một trong các cách quy định như: Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam; hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam; sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất; chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo; chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác…

Dự thảo cũng thể hiện, hàng hóa không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, ví dụ "made in Vietnam” hay "product of Vietnam". Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. "Chúng ta là người Việt và không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau" - bản giải đáp nêu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với Thông tư này, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/du-thao-ve-san-pham-hang-hoa-viet-nam-muon-con-hon-khong-co-95155.html