Dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục, không thao túng tiền tệ

Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có ngành Công Thương, cung cấp cho các đối tác thương mại lớn về chính sách tỷ giá với quan điểm mục tiêu điều hành không dùng tỷ giá để giành lợi thế thương mại không công bằng, Ngân hàng Nhà nước đã có một năm thành công trong tăng trưởng tín dụng và giữ ổn định thị trường, đặc biệt là dự trữ ngoại hối đã lên mức kỷ lục.

Kiểm soát được mặt bằng lãi suất, tỷ giá

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết ngành Ngân hàng năm 2019, diễn ra sáng 2/1/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần vào kiểm soát lạm phát, giữ nền tảng vĩ mô ổn định, tạo dư địa cho Chính phủ, các bộ ngành điều hành giúp kinh tế tăng trưởng tốt. Tín dụng tăng trưởng xấp xỉ 14%. Thành công nữa theo Thống đốc là chúng ta cũng kiểm soát được mặt bằng lãi suất ổn định và thời điểm phù hợp đã điều chỉnh lãi suất điều hành, giảm được lãi suất cho vay; Cân đối hài hòa giữa người vay và người gửi tiền, nguồn vốn đảm bảo để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: NHNN đã phối hợp cùng các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao… để làm việc với các đối tác thương mại lớn, cung cấp các nội dung về điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: NHNN đã phối hợp cùng các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao… để làm việc với các đối tác thương mại lớn, cung cấp các nội dung về điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam

Đặc biệt, đánh giá cao vai trò phối hợp giữa các Bộ trong việc điều hành chính sách tiền tệ, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã phối hợp cùng các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao… để làm việc với các đối tác thương mại lớn, cung cấp các nội dung về điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt là chính sách tỷ giá, với thông điệp: Việt Nam chưa bao giờ điều hành và dùng chính sách tiền tệ để làm sai mục đích, giành lợi thế thương mại không công bằng, hay giảm giá đồng Việt Nam để nâng cao giá trị hàng xuất khẩu, không có vấn đề thao túng tiền tệ. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, các đơn vị chức năng của NHNN và Bộ Công Thương liên tục có những cuộc họp, cùng xây dựng các kịch bản để đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác và minh bạch cho các đối tác thương mại, cũng như có những tham mưu cho công tác điều hành chính sách tỷ giá.

Có thể nói, chính sách tỷ giá là một trong những điểm sáng lớn của ngành ngân hàng năm 2019, không chỉ giữ ổn định thị trường, đảm bảo môi trường đầu tư an toàn, ổn định cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tình trạng đô la hóa nền kinh tế đã giảm hẳn và dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục. “Dự trữ ngoại hối tính đến cuối năm 2019 đã đạt hơn 79 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, là tấm đệm lớn cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh tiền tệ và củng cố lòng tin của người dân, của doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đối với Chính phủ, với nền kinh tế”- Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (bên trái) và đại diện các Bộ, ngành tại Hội nghị

Thông tin tổng quan về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2019, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế.Từ ngày 16/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19/11/2019 giảm 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường, nhờ đó duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho TCTD. “Các TCTD có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Tín dụng 2020 tăng 14%, tiếp tục ưu tiên vốn cho sản xuất

Nhu cầu tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong những năm qua và thời gian tới là hiện hữu, để rút ngắn khoảng cách tăng trưởng giữa các nước. Tuy nhiên chính sách điều hành luôn được yêu cầu và xác định là phải đảm bảo an toàn và chất lượng, kiểm soát tốt tốc độ tăng tín dụng.

Mục tiêu năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Cụ thể, tín dụng năm 2020 dự kiến tăng 14%, có điều chỉnh phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường. Tăng trưởng tín dụng định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, hạn chế tín dụng đen. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%.

Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ, năm 2019 NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để xử lý những vấn đề tín dụng cho một số ngành trong lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu như lúa gạo, thủy sản. Cơ chế phối hợp chặt chẽ như vừa rồi đã đạt được hiệu quả, xử lý được tiếp cận nguồn vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế đặc biệt là nông nghiệp, công nghiệp.

Sang năm 2020, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục các chính sách để đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực ưu tiên, để hỗ trợ sản xuất phát triển. Đặc biệt, “NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành để xử lý các yêu cầu của các đối tác thương mại. Đây có thể xem là một trong những vấn đề trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2020”- Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đến năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% cũng tiếp tục thực hiện. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém).

NHNN cũng lên kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành tìm giải pháp tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước trong năm 2020 và tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-tru-ngoa-i-ho-i-tang-cao-ky-lu-c-khong-thao-tu-ng-tie-n-te-130961.html