Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, kinh tế tăng trưởng lạc quan

Ngày 10-10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2019. Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong quý IV, tỷ giá và lãi suất tiếp tục ổn định, bất chấp những biến động của kinh tế thế giới.

Theo báo cáo của VEPR, trong quý 3, tỷ giá tiếp tục ổn định, mức tăng không đáng kể. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá biến động rất nhẹ và biên độ giảm giá VNĐ ngày càng thấp đi.

PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của VEPR cho rằng, nguyên nhân thứ nhất, từ phía quốc tế, là một loạt quốc gia hạ lãi suất: Fed, ECB, Nhật, Indonesia... Việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đi vào hiệu lực và khả năng sản xuất của Mỹ ở mức thấp nhất trong 9 năm qua khiến đồng USD suy yếu đáng kể.

Thứ hai, từ phía Việt Nam, việc đảm bảo VNĐ không giảm giá mạnh là yêu cầu cấp thiết để tránh cáo buộc thao túng tiền tệ như Mỹ cảnh báo vào tháng 5 vừa qua. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành ngày 13-9 gần như không ảnh hưởng đến tỷ giá.

Kết thúc quý III, dự trữ ngoại hối đã tăng vượt 71 tỷ USD, mua ròng 6 tỷ USD từ cuối quý I đến nay.

Theo NHNN, đây là mức kỷ lục hướng tới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng theo VEPR, so sánh với quy mô thương mại ngày càng mở rộng thì đây thực chất mới là mức an toàn. NHNN nên cân đối việc tăng dự trữ ngoại hối với việc đối phó cáo buộc thao túng của Mỹ.

Thời gian tới, các chuyên gia của VEPR cho rằng, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. Việc hạ phá giá tiền đồng để thúc đẩy xuất khẩu, là không nên làm thời điểm này.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực- Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - cho biết, tỷ giá thực của đồng VND so với 13 loại tiền tệ (của 13 đối tác thương mại lớn với Việt Nam) có diễn biến tương đối sát so với diễn biến thị trường, không có gì đáng lo.

Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam là xuất khẩu càng nhiều thì nhập khẩu càng nhiều, do đó giảm giá tiền đồng không có tác dụng với thúc đẩy xuất khẩu mà lại gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

Không chỉ tỷ giá, bức tranh chung kinh tế quý 3 và 9 tháng đầu năm được các chuyên gia đánh giá tích cực. Trong 9 tháng đầu năm, FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính và tăng trưởng thông qua xuất khẩu.

Về tình hình doanh nghiệp, trong quý III/2019, cả nước có 35.316 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 430,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37%. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tiếp tục giảm xuống còn 12.505 doanh nghiệp.

Lạm phát 9 tháng duy trì ở mức thấp, chỉ 2,5% nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao bởi giá lương thực, thực phẩm tăng do bệnh dịch, giá hàng giáo dục tăng và giá năng lượng biến động không ngừng.

Với mức tăng trưởng đạt 7,31% của quý III, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6% - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. VEPR cũng dự báo, cả năm nay, tăng trưởng kinh tế cả nước sẽ khoảng 7.05%.

Tuy vậy, các chuyên gia nghiên cứu của VEPR cũng cảnh báo, việc Việt Nam trở thành 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý III, lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỷ USD đã đưa Việt Nam tới gần cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ.

Lệ Thúy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/du-tru-ngoai-hoi-tang-ky-luc-kinh-te-tang-truong-lac-quan-565192/