Đủ vị bánh đúc

Món bánh đúc có lẽ đã quá quen thuộc với người dân các vùng thôn quê. Nó như một kỷ niệm gắn liền với thời thơ ấu của bao người sinh ra từ đồng đất quê hương. Nguyên liệu chỉ giản dị là gạo tẻ và lạc củ cùng nước vôi trong nhưng mỗi vùng lại có một cách làm khác nhau, mang những dư vị rất riêng.

Bánh đúc lạc.

Bánh đúc lạc.

Từ lâu, bánh đúc lạc ở Thuận Thành (Bắc Ninh) luôn làm nhiều người phải lòng bởi cái vị thơm mát, béo bùi, chấm thêm chút tương ngọt rất đậm đà. Nguyên liệu cho một nồi bánh ngon rất đơn giản nhưng công sức bỏ ra lại rất nhiều. Bánh đúc có ngon, có giòn được hay không phụ thuộc vào khâu chọn gạo. Đầu tiên là chọn gạo tẻ ngon ngâm với nước vôi trong khoảng nửa ngày thì vớt ra để ráo nước, sau đó đem xay thành bột, hòa với lượng nước vừa đủ, thêm một chút nước vôi để bánh rắn hơn rồi bắt đầu quấy bánh.

Để có bánh đúc ngon thì một việc quan trọng nữa khâu quấy bánh, lấy đũa cả quấy liên tục, đều tay sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi. Bếp lửa nấu bánh phải nhỏ và đều thì bánh mới chín và không bị khê, lúc đánh lên thả xuống bánh róc đũa là được. Bánh chín mới đánh lạc đã rang vàng và dừa thái mỏng vào quấy đều rồi đổ ra mẹt trải sẵn lá chuối.

Bánh đúc được xắn thành từng miếng, ăn giòn, mát. Bánh chấm với tương mà đặc biệt là tương Bần thì ngon tuyệt.

Đó là bánh đúc đất Thuận Thành. Còn muốn ăn bánh đúc đúng vị truyền thống thì phải tìm về làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Theo bà Đỗ Thị Thanh - một trong những người làm bánh ngon nổi tiếng ở làng Dòng, thì để làm được bánh đúc ngon người nấu phải có bí quyết riêng bởi nếu pha nước nẳng quá tay bánh sẽ có vị mặn và nồng, pha ít thì bánh dễ nhão, không được giòn. Trong quá trình nấu muốn bánh không bị vón cục, bị khê hay cháy cần phải đảo liên tục và đều tay…miếng bánh để nguội khi ăn có vị ngầy ngậy, giòn giòn, mềm mượt quệnvới mùi thơm và vị ngọt của tương đem lại cảm giác thật lạ miệng.

Và nếu về chợ miền quê ở bên bờ sông Vu Gia vùng Đại Lộc (Quảng Nam) đừng quên ăn miếng bánh đúc xứ Quảng vô cùng thơm ngon, vô cùng đặc biệt. Cũng là nguyên liệu từ gạo và lạc nhưng cách làm lại hoàn toàn khác bánh đúc miền Bắc. Người ta phải chọn cho được thứ gạo mùa, vo sạch, xay thành bột rồi đem hòa với chút nước vôi chín, đặt trên bếp lửa quấy đều cho bột quánh đặc. Xong chia đều những phần bột ấy vào khuôn rồi đem các ổ bánh hấp cách thủy cho chín. Nhìn mặt bánh, hễ da bánh sần sùi, màu bánh hồng tươi thì mới ngon.

Bánh để nguội, trước khi ăn phết lên trên một lớp dầu lạc phi hành để vừa tạo thêm chất béo vừa làm chất kết dính nhân bánh. Nhân bánh là tôm xào khô, băm nhỏ, lạc rang vàng giã dập và một ít hành lá tươi xanh xắc nhỏ. Bánh đúc ở xứ Quảng được ăn với mắm cái giã ớt tỏi cay nồng vắt thêm chút chanh tươi. Vị bùi béo của đậu phộng rang, vị giòn của bánh quện với thơm của mắm nêm xứ Quảng thật không còn gì ngon hơn.

Thanh Lam

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/du-vi-banh-duc-tintuc419737